Có một điều làm tôi rất thích ở châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng, đó là sự sòng phẳng, công bằng trong công việc cũng như tình cảm.
9 năm tôi sống và lớn lên ở Đức, được tiếp xúc với đủ lớp người từ giàu đến nghèo, trẻ đến già, Á, Âu, Phi, Mỹ... tôi chợt nhận ra rằng người phương Tây sống rất có quy tắc: Công việc ra công việc, tình cảm ra tình cảm và không có những mối quan hệ nhì nhằng, dây chuyền nối đuôi nhau như ở Việt Nam.
Tôi có thói quen quan sát các bạn trẻ, các cụ già khi họ cùng nhau dạo phố hay đi mua sắm. Nhìn những đôi trẻ âu yếm, đặt tay vào lòng bàn tay nhau hay đôi khi người đàn ông ôm ngang eo bạn gái mình, thỉnh thoảng họ dừng lại và hôn nhau. Chao ôi, tôi thấy cả một bầu trời hạnh phúc trong đôi mắt họ. Nhưng điều làm tôi trân trọng hơn cả, đó là những bàn tay siết chặt, những cái nhìn ấm áp dành cho nhau của các cụ già.
Đôi khi tôi tự hỏi, bí quyết nào giúp họ sống bên nhau mấy mươi năm trời hạnh phúc mà vẫn giữ được cái vẻ yêu thương như thủa ban đầu? Hẳn ấp ủ đằng sau những trái tim ấy phải là một tình yêu bao la lắm, độ lượng và vì nhau lắm nên khi đã có cháu chắt rồi họ vẫn giữ được nét yêu thương như thủa mười tám, đôi mươi.
Thông thường, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước tư bản, người ta dành cho nhau nhiều sự yêu thương nhất là thời gian đang yêu. Khi có nhau rồi, tình yêu ấy tuy không đổi thay nhưng sống với nhau 5 năm, 10 năm cứ thấy tình cảm bình bình, cách biểu hiện tình yêu cũng nhạt dần, nhạt dần. Nhiều cặp vợ chồng sống không còn vì tình mà là vì nghĩa, họ không muốn con cái chia đàn sẻ nhánh.
Họ chấp nhận một cuộc đời như thế, hy sinh hạnh phúc của mình cho các con. Đó cũng là cái được đề cao của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Tôi nhấn mạnh chữ "truyền thống" để phân biệt với những người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Ngày nay vai trò của phụ nữ không còn bị "lép vế" như xưa nữa, họ được đi học, được đào tạo, đi nhiều và tích lũy nhiều nên hầu hết phụ nữ thành đạt khi cảm thấy không hạnh phúc trong hôn nhân, họ sẽ tự giải thoát cho mình.
Sống ở phương Tây nhiều năm nhưng thực sự bản thân tôi đôi lúc vẫn ngỡ ngàng khi bắt gặp những cụ già âu yếm nhau, họ nắm tay, nhìn sâu vào mắt nhau thật tình cảm. Tôi tự hỏi lòng nếu như trên đời này cặp tình nhân nào yêu nhau, kết hôn cho đến tuổi xế tàn mà vẫn giữ được cái nét yêu thương như thủa ban đầu thì có lẽ thế giới này sẽ hạnh phúc biết bao. Chỉ là một cái nắm tay thôi mà sao tôi thấy trong đó cả một bầu trời yêu thương. Tôi hiểu rằng cái nắm tay ấy không phải là cái nắm tay hờ.
Người Đức vốn dĩ rất sòng phẳng trong chuyện tình cảm, yêu là yêu, không yêu nữa thì cũng không ràng buộc nhau. Bởi thế nên tôi tin cái nắm tay kia là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu và không bao giờ là nhàm chán đối với những người yêu nhau bằng tình yêu chân chính.
Tôi nhận ra một sự khác biệt lớn giữa lớp trẻ phương Tây với giới trẻ Việt Nam đó là khi họ bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu biết yêu thương, nhớ nhung. Tôi chưa từng gặp gia đình nào cấm đoán các con "không được yêu" ngay cả khi chúng còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ bởi người phương Tây hiểu "trái cấm bao giờ cũng là trái ngọt" nên họ chẳng đặt con mình vào thế bị động, càng không bao giờ để con họ phải đứng giữa "bên tình bên hiếu".
Trong bất cứ chuyện gì, dù công việc hay tình yêu, cha mẹ chỉ có quyền góp ý nhưng không có quyền quyết định. Bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng dành cho con một niềm tin yêu tuyệt đối, họ cũng đau lòng khi thấy con mình vấp ngã nhưng họ hiểu rằng con người ta chỉ hoàn thiện khi biết đứng dậy sau những lần vấp ngã. Cứ bảo tại sao ở phương Tây lớp người trẻ trưởng thành sớm, cũng dễ hiểu thôi bởi khi họ 18 tuổi thì cha mẹ hết trách nhiệm, họ sẵn sàng đẩy con họ ra đường phố để tự lực cánh sinh. Ở châu Âu, vào đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công. Nhiều quan chức cấp cao, các nhà lãnh đạo của Đức cũng leo từ các chức vụ nhỏ nhất mà vươn lên.
Tôi đã có nhiều phút thẫn thờ khi nghĩ về tình yêu, tôi không cho rằng mình sống quá "Tây", nhưng tôi biết tình yêu tôi dành cho người đàn ông của mình sau này ít nhiều cũng sẽ bị "Tây hóa". Đã nhiều người hỏi: "Bạn nghĩ điều đó tốt hay xấu?" và tôi đã lúng túng trả lời rằng: "Tôi không quy nó là tốt hay xấu bởi cái đó tùy vào cảm nhận của từng người. Một người đàn ông hiện đại chắc chắn sẽ hiểu và chia sẻ cho tôi được điều đó".
Mẹ không muốn tôi yêu một người đàn ông ngoại quốc bởi nhiều lý do, tôi cũng chưa nhận lời yêu bất cứ người đàn ông ngoại quốc nào (cho đến lúc này) không phải vì mẹ, dù nhiều người nói với bản tính và con người tôi, yêu và lấy một người đàn ông ngoại quốc sẽ rất hạnh phúc. Nhưng tôi chưa thử bởi tình yêu đến với tôi chưa bao giờ là một trò đùa.
Tôi thích sự thẳng thắn trong tình yêu của người phương Tây, dám làm và dám chịu. Còn yêu là còn đấu tranh nhưng khi không còn yêu nữa, họ sẽ không ràng buộc nhau. Khác với ở Việt Nam vẫn còn cái kiểu nửa vời, vu vơ và lấp lửng, cho người khác nuôi hy vọng để rồi họ phải tuyệt vọng. Tôi cho rằng việc làm đó nhẫn tâm hơn nhiều so với việc từ chối tình cảm của người khác một cách đàng hoàng.
Những người đàn ông đi qua cuộc đời tôi, dẫu nhận hay không nhận được từ tôi một cái gật đầu, nhưng cho đến bây giờ họ vẫn dành cho tôi những tình cảm chân thành và trân trọng với không một lời trách móc. Đôi khi cuộc sống cho tôi những khoảng lặng, cho tôi những phút giây nhớ về xa xưa ấy nhưng tôi hiểu rằng chia tay là chia tay, khi cả hai đã không còn dành cho nhau một niềm tin tuyệt đối thì cũng đừng ràng buộc nhau bởi bất cứ điều gì.
Với tôi, một tình bạn chân thành sau tình yêu chỉ có thể tồn tại khi cả hai đều chấp nhận rằng tình yêu đó đã qua và cả hai đều thực sự muốn giữ lại một cái khác qúy báu hơn cái tình yêu vừa mất đi đó. Nếu một trong hai người không làm được điều đó thì sẽ chẳng bao giờ có thể tồn tại một tình bạn. Có lẽ đó là điều tôi học được của người phương Tây: kiên nghị, dứt khoát và sòng phẳng.
Hoàng Yến Anh.