5 năm trước, mẹ rùng mình nghi ngại, sợ hãi, nhỡ đâu... con đúng thật tự kỷ? Mẹ chỉ muốn chạy trốn sự thực.
Hôm nay lại là ngày Lễ Tạ ơn con ạ. Mẹ đã chuyển cơ quan chỉ vài ngày trước ngày Lễ Tạ ơn 5 năm trước.
Sau 10 năm ở cơ quan cũ, chuyển sang môi trường mới, gần như bắt đầu lại từ đầu, là lạ. Nhưng trong lòng, mẹ chỉ thấy là lạ một chút vì môi trường mới thôi. Mẹ thấy lòng vẫn nôn nao, chênh vênh không tài nào tả nổi bao lâu nay vì một lý do khác.
Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng
Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu
Một màu nâu nâu, một màu tím tím
Màu nâu tím …”
Cứ như là tác giả đã từng thấy trước bảng pha màu của mẹ khi viết lời bài hát! Mẹ cứ pha, mẹ cứ vẽ, dù mẹ chẳng biết mẹ muốn vẽ gì...
Một đôi mắt tím?
Một nỗi lòng chơi vơi?
5 năm đã trôi qua, dù thật chậm. Mẹ hiểu sâu hơn về cuộc sống từ những điều nhỏ vặt nhất, ví dụ như tại sao nếu quá đông, tại sao người ta dùng từ “đông nghẹt”, là thêm từ “nghẹt”…
5 năm trước, mẹ rùng mình nghi ngại, sợ hãi, nhỡ đâu... con đúng thật tự kỷ?
Mẹ chỉ muốn chạy trốn sự thực.
Chuyển cơ quan, một công việc khá tốt với một cơ hội mới, thật là một lựa chọn tuyệt vời.
Nếu con không bị tự kỷ, mẹ sẽ chuyển sang một nhánh việc khác, và cuộc đời sẽ như nước từ cửa sông đổ ra biển lớn. Vì nhiều lý do, mẹ vẫn ôm khư khư cái hy vọng này.
Còn nếu con tự kỷ, mẹ sẽ giữ nguyên bản chất công việc như cũ, và cố gắng dồn hết cho con.
Rồi con cũng được khẳng định, chẩn đoán là tự kỷ. Đơn giản chỉ là xếp hàng mua một cái phiếu khám ở viện Nhi và mang một sổ khám bệnh trở về. Đơn giản thế mà mấy tháng bố mẹ mới thực hiện nổi. Cuối cùng, giờ đây, cuộc đời đã rẽ ngoặt sang một hướng quá khác… Mẹ tự nhủ với mình: Chấp nhận sự thực đi!
Rồi bắt đầu can thiệp sớm. Tiền tiết kiệm, thời gian, tâm trí … đều sẵn sàng cho con
Mọi màu sắc cuộc đời như rùng rùng chuyển động, quấn quyện lấy nhau, hỗn độn
Một màu xanh xanh…
Một màu trắng trắng…
Một màu nâu nâu…
Một màu tím tím…
Phải chăng mẹ đã vẽ một vết loang, vết loang của những sắc màu buồn.
Rồi bố mẹ quyết tâm đi du lịch đến một miền đất lạ, nơi họ chẳng nói tiếng Việt, nơi chẳng ai biết bố mẹ là ai, và đang đi trốn vấn đề gì. Bố mẹ đã đi ngắm cảnh thật nhiều, mua sắm thật nhiều, và ép mình sống giống người khác thật nhiều. Mà không một lần nhắc đến từ tự kỷ.
Lúc sắp xếp hành lý trở về, lấy hết can đảm, ngập ngừng, mẹ bảo bố: “Biết đâu đấy, anh nhỉ, khi mình trở về, mừng quá, con trai sẽ nói được?!”
Bố nhìn mẹ, cười trong yên lặng, không gian tuyệt nhiên chẳng có sắc màu.
Hồi đó, mẹ vẫn tin vào những điều bất ngờ kỳ diệu mà người ta thường gọi là phép lạ, phép màu. Nhưng sau bao ngày bố mẹ đi vắng, con chỉ ôm bố mẹ, cười rồi khóc. Vẫn như một bản nhạc không lời.
“Một màu xanh lam
Chấm thêm màu chàm
Thời chinh chiến đã qua rồi sắc màu tôi…”
Rồi hy vọng mong manh cuối cùng rằng con sẽ là một em bé tự kỷ “chức năng cao” cũng dần tan trong sương khói, mẹ không nhớ khói màu lam hay màu tím, nhưng cũng có gì khác biệt lắm đâu.
5 năm đã qua. Con vẫn chỉ mới phát âm được một chút. Áp dụng những từ ngữ được dạy vào đôi ba trường hợp như một người máy biết cười.
Con vẫn chạy loăng quăng, chẳng ngừng nghỉ. Con lẻn khỏi nhà ra bến xe buýt, lẩn vào đám hành khách xếp hàng lên xe. Ông trời, chắc cũng thương tình, nên run rủi con lên chuyến xe của bác tài tốt bụng, người đã quen biết con sau bao năm tháng ròng rã đi xe buýt đến trường, và dù đã nửa đêm, vẫn quay lại trả con ở đồn công an gần nhà để bố mẹ dễ tìm lại nhất.
Con đã học thuộc hết số điện thoại của mẹ, của bố, của nhà và cả địa chỉ nữa. Con cũng biết bấm số trên máy cố định và di động. Chắc rất nhiều người đã hỏi con tên gì, ở đâu, số điện thoại bao nhiêu. Con biết hết. Nhưng con đã không trả lời.
Nhận thức của con mới chỉ chạm đến một mốc thời gian nào đó, rất sớm, chắc vậy, trong những cuốn lịch đã bóc đi kể từ ngày con ra đời. Thời gian và nhận thức, ở con, đã không cùng một nhịp bước.
Mẹ đã từng hy vọng rồi con sẽ tốt hơn một số trẻ tự kỷ lớn mà mẹ gặp, vì con được can thiệp sớm. Nhiều lần, mẹ vô tình thấy cầu vồng, nhưng cầu vồng giờ đây cũng không còn rực rỡ.
Một đường cong cong
Nối bao đường vòng…”
Hôm nay, lại một ngày Lễ Tạ ơn nữa... Mẹ lặng lẽ ngồi sơ kết “kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, xem mình đã làm được gì, và cố nghĩ về “kế hoạch 5 năm lần thứ hai”.
Sẽ thế nào đây, hở con? Khi tới đây con không còn là một đứa trẻ. Mà rốt cục, tự kỷ là gì, con nhỉ? Mà sao sau 5 năm can thiệp vất vả, con vẫn chả mấy đổi thay. Hay mẹ đã bỏ sót gì chăng?
... Rồi một đêm chơi vơi
Làm sao vẽ bóng tối
Làm sao vẽ cánh hoa đêm không màu …”
Có lẽ tự kỷ cũng thật giống bóng tối, giống cánh hoa đêm… Mẹ không biết vẽ thế nào. Dù biết chắc chắn tự kỷ đâu phải là thần kinh, là hấp dở. Và cũng không phải trí tuệ thấp kém, vì chí ít con cũng chơi trò chơi điện tử rất siêu, và bố mẹ cũng chẳng thể đạt được nửa số điểm của con. Dường như trí tuệ của con vẫn đạt một điểm số đâu đến nỗi nào, nhưng lại phân chia không đồng đều, như một bảng pha màu không đúng tỷ lệ!
“…Một đêm trong đêm thâu
Một vầng sáng chói lóa
Một đêm nhớ .....”
“Em là M.D., giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt trường ĐH Sư Phạm Tp. HCM…Trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn về vận động, khó khăn về thị giác, trí tuệ, thính giác.... Nhưng đó là những tật kèm theo, có trẻ tự kỷ có, có trẻ không”. Ờ, đúng quá, cái làm nên tự kỷ, cái tạo ra tự kỷ, vấn đề gốc của tự kỷ không phải là bất kỳ thứ gì kể trên, mà là khó khăn về giao tiếp, xã hội.
Có lẽ mẹ con mình sẽ tạ ơn vì sau 5 năm, mẹ đã hiểu đâu là những vấn đề chính của tự kỷ, đâu chỉ là những vấn đề đi kèm. Giống như trong văn bản thường có phần nội dung chính, và có thể là một số phụ lục. Giống như trong báo giá dịch vụ du lịch như giá khách sạn, giá tour, đôi khi có dấu “+ +”, khi mà ngoài khoản chính sẽ phải trả thêm vài khoản phụ trội… Giống như câu quảng cáo “Thời trang và hơn thế nữa”. Giống như một bông hoa, mà từ đài hoa chứa các vấn đề gốc rễ tỏa ra các cánh nhỏ… Vì lẽ đó, muốn hiểu rõ tự kỷ là loại khuyết tật nào, xin hãy nhìn vào phần đài hoa, sau đó mới nhìn ra các cánh hoa.
Mẹ đem tâm sự kể cùng bác H.T, mẹ của A.T – một “cây vẽ” của CLB. Và thật bất ngờ, chị ấy đã vẽ tặng mình bông hoa này. “Bức hoạ tự kỷ” có sắc màu riêng như vậy đó, con yêu!
Bất chợt, giai điệu “Sắc màu” lại ùa về cùng một bảng pha màu tươi vui như đang nhảy múa để vẽ thành một cầu vồng rực rỡ. Mẹ nghĩ đến nhạc sỹ Trần Tiến và biết ơn bác ấy bao nhiêu vì đã viết một ca khúc thật hay, thật màu sắc, thật rộng mở để ôm lấy biết bao cung bậc cảm xúc và những câu chuyện của cuộc đời: Nghệ thuật vị nhân sinh.
Lauyen.