Ra trường, mình đã phải làm công nhân thời vụ cho một công ty bánh kẹo khá tiếng tăm để mưu sinh trong những ngày đầu tiên cầm bằng đại học. Khoảng thời gian không dài nhưng thấm thía nhiều thứ.
10 tuổi: Tôi được bố mẹ dạy rằng: Hãy biết cho đi thì sẽ được nhận lại rất nhiều. Đứa trẻ 10 tuổi sống trong thời bao cấp khốn khó đã khư khư giữ miếng thịt gà thật ngon mà chỉ ngày Tết mới có. Bố mẹ nhẹ nhàng: Con nhường miếng đó cho ông bà nhé. Ánh mắt trẻ thơ từ từ dâng nước khi rời miếng thịt khỏi đầu đũa để đưa sang bát của bà nội. Nhưng diệu kỳ, bà nhường lại ngay cho tôi, và bố mẹ cũng thưởng cho tôi một miếng nữa. Với tuổi thơ tôi và bao bạn bè cùng trang lứa thì đó là điều tuyệt vời và diệu kỳ lắm lắm.
15 tuổi: Cái tuổi biết làm điệu và thích được nổi bật, thích được ngắm nhìn... Cái đứa tôi mơ ước lắm những đêm diễn văn nghệ ở trường, và cứ tự hỏi rằng tại sao không là mỗi ngày một đêm diễn mà cứ phải cả năm học mới có 1- 2 đêm rực rỡ, lấp lánh như vậy?! Bố mẹ dạy tôi rằng: Những gì hào nhoáng, lấp lánh đều khó bền, con ạ! Có đứa con gái mới lớn đã ấm ức khi bị hạn chế tham gia văn nghệ, và tủi thân khi phải dùng lại sách giáo khoa của anh trai, trong khi bạn bè hầu hết đều có những cuốn sách thơm mùi giấy mới!
18 tuổi: Rời xa gia đình, rời xa thủ đô gió ngàn, về với phồn hoa đô thị. Cái đứa tôi tự lập và cứng rắn ngày nào giờ uỷ mị khóc ròng hết cả năm một năm đại học vì nhớ nhà. Hành trang của bố mẹ chỉ đơn giản rằng: Con nên chọn bạn mà chơi, nên chơi với bạn nghèo cho dễ hoà đồng và cảm thông, con ạ! Phồn hoa của phố không lấy đi nổi cái sự ngố của con gái bố mẹ. 14 năm qua đi, con gái đã luôn quá dè dặt trước những bạn nhà giàu, quá dè dặt trước long long của phố. Không thích ồn ào, chỉ lầm lụi học và kiếm sống. Ký ức giờ luôn đầy ắp những hình ảnh nghèo khó thời sinh viên với món cháo cơm nguội của phòng nam bên cạnh, với những lúc em gái nằm viện cả tháng trời, với những đêm rét mướt đạp xe cả chục cây số đi dạy gia sư, với những lần trốn đi tham quan, thậm chí là trốn giờ học chỉ vì không có tiền đóng quỹ lớp.
20 tuổi: Được học hành và được thực hiện ước mơ, đó là may mắn lớn nhất rồi. Hình như mình đã quá cổ hủ và cực đoan trước suy nghĩ rằng: Cái vỏ bọc long lanh chả đáng trân trọng bằng thực chất con người! Rồi cứ tránh xa những gì mình cho là vỏ bọc... Cuộc sống của mình bắt đầu trầm xuống, trầm hẳn so với tuổi. Học không xuất sắc, cuộc sống trầm nhiều hơn thăng... Gần như mất hẳn cái ồn ào lẽ ra phải có của tuổi.
22 tuổi: Ra trường, mình đã phải làm công nhân thời vụ cho một công ty bánh kẹo khá tiếng tăm để mưu sinh trong những ngày đầu tiên cầm bằng đại học. Khoảng thời gian không dài nhưng thấm thía nhiều thứ. Thương mình và những công nhân trực tiếp dưới xưởng mỗi khi vào ca 3, trắng đêm với từng mẻ bánh cho kịp Tết... Chưa từng có riêng cho mình một cây son, hộp phấn hay bất cứ thứ gì gọi là đồ trang điểm. Bọn bạn trong ký túc vẫn bảo: Các hãng mỹ phẩm mà gặp cậu chắc khai tử luôn.
Vậy mà mình cũng tự tìm được công việc tốt. Một số người cũng lính mới như mình, họ có trong tay bằng đại học của trường danh tiếng hơn mình. Và mình nhận thấy khi họ làm gì thì gần như cả phòng, cả công ty phải biết. Mình vốn dĩ đã chẳng ồn ào lắm, giờ thì chỉ biết lặng lẽ làm và học hỏi. Bố mẹ bảo: Con người ta cũng giống như bông lúa con ạ! Khi mới làm đòng thì thẳng vút hóng lên cao. Khi đã nặng hạt sẽ tự rủ xuống, dâng cho đời vụ mùa bội thu. Cũng có những bông lúa vươn lên rất cao, cao đến mức ai cũng nhìn ngay thấy, và chẳng bao giờ rủ xuống cả. Nhưng đó lại là bông lúa lép, con ạ!
Bây giờ, ngoài 30 tuổi: Mọi việc mình làm, không nói mọi người đều biết. Trong công việc, mọi lời mình nói, đa số đồng tình và ủng hộ, nhất là sếp.
Thấm thía và muốn cảm ơn bố mẹ, cảm ơn cuộc sống!
Quỳnh Nga.