Nết na con gái

Nết na con gáiKhi thấy cô em gái vụng về trước cái áo tuột khuy con lại khéo léo đơm lại cẩn thận chắc chắn. Hay khi gió mùa về mua cuộn len với đôi que đan về đan tặng mẹ tấm khăn và móc cho cháu cái mũ len lại thấy lòng mình ấm áp.

Sáng chủ nhật, con dậy sớm hơn mọi ngày. Dọn nhà xong con đi chợ về nấu ăn. Chợ ngày chủ nhật nên tấp nập hơn ngày thường, tự dưng con thấy lòng phấn chấn. Cụ già bán rau nhìn con mỉm cười hỏi:

- Hôm nay ăn rau gì bé con?

Rau gì nhỉ? Bỗng dưng thấy thèm bát canh rau rền cơm ăn với cà muối.

- Cho con bó rau rền cơm bà nhé!

- Ừ! trưa nắng này ăn canh rau rền ngọt mát lắm đây.

Lời bà cụ như đưa con về với miền ký ức tuổi thơ. Ngày xưa mỗi trưa đi học về mồ hôi nhễ nhại đã thấy mâm cơm nóng hổi có bát cà muối vàng ươm bên cạnh bát canh rau rền cơm hay bát canh cua ngọt mát mẹ chuẩn bị xong rồi.

Không hiểu sao cứ mỗi đầu hè con lại thấy thèm đến nao lòng bát canh cua hay bát canh rau rền cơm ăn cùng món cà muối mẹ nấu. Thèm lắm, lúc nào cũng thèm, cũng nhớ, cũng thấy "đói" hương vị quê hương.

Nhớ ngày thơ bé trốn mẹ ngủ trưa đi bắt cua. Trời nắng chang chang mà không mũ nón. Đến lúc bị bố gọi về đánh cho một trận nên thân. Nhớ những lúc ngồi xé cua bị cắp đau điếng nhưng vẫn thích thú ngồi tỉ mẩn gỡ gạch. Mẹ nấu xong nhìn những mảng gạch cua vàng ươm ngon lành nổi lên thấy hấp dẫn vô cùng. Nhìn đôi mắt háu đói của con mẹ cười bảo:

- Đợi dọn cơm ra rồi ăn con nhé!

Con nhớ nhà mình có một nếp sống là dù có đói thế nào cũng đầy đủ mọi người trong gia đình ngồi vào mâm cơm rồi mới ăn, chứ không có thói ăn trước, ăn sau, ăn đứng, ăn ngồi như một số gia đình khác. Bố bảo cái thói ăn bốc bải, thói ăn đầu nồi, đầu niêu ấy rất xấu.

"Miếng ăn quá khổ thành tàn" nên phải ăn uống cho đàng hoàng. Bố không thích người phụ nữ ăn quà vặt, ăn đầu đường, xó chợ. Ghét nhất là người ăn vụng... Nên những cái đó cũng ngấm vào con (phải chăng điều đó thời buổi này là quá lạc hậu? và con thành người khó tính vì đã ngấm những cái suy nghĩ của bố?)

Nói là vậy nhưng con gái cũng thấy những điều bố nói, bố phân tích là chí lý lắm. Còn đâu nét đẹp của người con gái khi vừa ăn, vừa nói, vừa cười? Còn đâu vẻ thuỳ mị nết na nữa?

Bây giờ xa nhà rồi, con sống một cuộc sống tự lập. Có những khi ở một mình vẫn giữ thói quen nấu nướng. Rất hiếm khi ăn cơm quán, hay ăn uống qua loa. Bố từng dạy con: "Con gái là phải rèn luyện nữ công gia chánh vì đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm nên phải biết quán xuyến việc nhà, nấu nướng chăm lo cho gia đình".

Bố còn phân tích cho con hiểu tại sao lại gọi: " Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", tại sao lại hớt bỏ cơm trên xới cơm nóng giữa nồi cho ông bà bố mẹ trước, tại sao phải so đũa, lấy khăn cho mọi người.

Tất cả những bài học giản đơn những tưởng không cần để ý vậy mà khi ra ngoài con mới thấy nó đáng quý biết bao. Chỉ một hành động nhỏ thôi cũng có thể khiến hình ảnh của ta trong mắt người khác là một người vô duyên, vụng về... Những lúc ấy con lại thầm cảm ơn những bài học giản dị của bố mẹ thuở bé thơ.

Mẹ dặn con cách phơi từng cái quần, cái áo. Rồi là quần áo như thế nào. Mẹ dạy con làm những loại bánh, nấu những món ăn cho ngày thường, ngày lễ tết. Dạy con cách thêu thùa, đan lát hay cách vá may những tấm áo sứt chỉ sờn vai...

Những việc làm tưởng chừng thừa thãi với thời kỳ hiện đại hoá ngày nay. Nhưng con vẫn thấy nó cần thiết biết nhường nào. Khi thấy cô em gái vụng về trước cái áo tuột khuy con lại khéo léo đơm lại cẩn thận chắc chắn. Hay khi gió mùa về mua cuộn len với đôi que đan về đan tặng mẹ tấm khăn và móc cho cháu cái mũ len lại thấy lòng mình ấm áp.

Miên man, miên man nghĩ nhiều khi con tự hỏi: "Không biết có phải mình là người hoài cổ?" Con thích nghĩ về tuổi thơ, nhớ những kỷ niệm và yêu thương nó. Nó là một khoảng trời xa nhớ tiếp sức cho con những khi yếu lòng. Cuộc sống bộn bề lo toan có những lúc con sợ lòng mình chai cứng, sợ không có đủ những thời khắc trải lòng để thấy tâm hồn mình sâu sắc, đằm thắm.

Nhưng con biết mình luôn vững lòng trước những cám dỗ cuộc đời. Con vẫn là cô bé con quê mùa, giản dị dù đất Hà Thành nhộn nhịp bon chen. Con vẫn thấy tâm hồn mình dung dị được tưới mát bởi những cơn gió đồng với hương lúa đồng quê.

Con vẫn thấy lòng mình gần lắm với quê hương. Với bờ tre ríu rít tiếng chim chuyền, với bờ đê lộng gió, với gốc đa đầu làng, với những kỷ niệm buổi chiều quê xưa đi chăn trâu cắt cỏ... với những buổi cùng mẹ tát nước gầu sòng hay những đêm trăng sáng cả nhà mình cùng nhổ mạ... Bao kỷ niệm ùa về vây kín hồn con. Thấy mình lớn khôn từ những kỷ niệm giản đơn như thế.

Hoàng Ngọc Hường.

Bài viết liên quan