Dạo này Sài Gòn lạ quá, cứ chiều chiều là 'lục đục' mưa kéo tới, réo rắt cho tới tận sáng, không phải là chợt đến chợt đi nữa.
Ngồi một mình, nhớ quê, nhớ cái mưa dầm dề của miền Trung. Mưa cho hết một tháng, mưa cứ như là để thỏa lòng những ngày tháng nắng cháy da thịt. Rồi cuối cơn mưa là một đợt lũ thật to để kết thúc những ngày giông bão. Ngày mưa đối với ta là những ngày "mơ mộng" nhất của tuổi thơ. Vốn là người "nghệ sĩ", cứ mưa xuống là tôi trốn một góc, nhâm nhi ly cà phê mà sáng ba đã pha, nghĩ về cuộc tình lãng mạn dưới mưa. Thời đó, phim ảnh đã có những sức hút kỳ lạ, đặt biệt là tình yêu trên phim Hàn. Những bộ phim lãng mạn dưới mưa làm cho tâm của tôi ươm một màu hồng hạnh phúc.
Bây giờ là giữa trưa, trời cũng đã thấm đượm những giọt nước chuẩn bị cho buổi chiều trút xuống thành phố ồn ào này. Mưa Sài Gòn năm nay khi đến là báo trước, mỗi người thu lại một góc cho mình. Cũng có cái hay của nó, rồi tôi cũng tự lấy phin, nấu nước sôi pha cho mình một ly đen ngồi chờ mưa xuống, thú vị khi trời man mát và ngồi bên ly café bốc khói. Quà của đứa bạn đi Tây Nguyên về là bộ pha chế và bịch ca phê chính gốc, đôi lúc muốn làm mình tự tay làm gì đấy. Ngồi nhẩn nha nhớ...
Trước kia, khi bắt đầu một mùa mưa, tôi lại vui sướng lạ thường vì tôi biết sẽ có những ngày cùng mấy đứa hàng xóm "chạy lũ". Buổi sáng trên đường đi học chúng tôi lại thấy vui, vui vì chắc sẽ có những buổi nghỉ học đột xuất bởi bão hay những buổi chiều nhặt ổi rụng, "í a" mấy đứa hàng xóm, hái bắp luộc. Mùi bắp ngon ngọt ngay cả nước của nó, những cây xoài trước nhà gãy nhánh vì gió, chúng tôi mang giỏ sách lượm về.
Mấy chị em ngồi mơ màng bên "Chuyện tình mùa đông", nghĩ mông lung về "ngôi nhà và những đứa trẻ". Bây giờ ai cũng đã lớn và ai cũng hiểu là không phải trong phim ảnh cái gì cũng thật. Khi lớn lên, ta mới biết nhưng ký ức thật đẹp và hiện tại của ta thì nghèo nàn. Khi sự thật hiển hiện rõ quá, sự lãng mạn, trong sáng không còn nữa, tất cả không còn giống ly cà phê mà ba đã pha cho buổi sáng hôm nào.
Đôi khi nhớ mùi cà phê đó trong một sáng Sài Gòn mưa. Trải qua biết bao vui - buồn trong cuộc sống, khi mọi thứ không còn được trước kia nữa, thậm chí đôi lúc khiến chúng ta chùng bước nhưng vẫn cứ phải tiếp tục sống, để rồi một buổi chiều nào đó, vào một khoảnh khắc nào đó, ta tha thiết được có chữ "yêu" và "ghét".
Yêu từng con đường, từng ngõ ngách ta qua, yêu cái ngông cuồng của tuổi trẻ, cái khuôn mặt vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Yêu những buổi tối cùng bạn bè trò chuyện với bà cụ bán bánh vỉa hè, ngồi rửa từng chiếc nĩa. Tim tôi thoáng buồn đôi chút và nhớ tuổi thơ có ngoại. Khi mất đi những gì thân thương, chúng ta mới cuống quýt tìm lại nhưng chỉ là những hình ảnh xa mờ.
Chúng ta yêu nhiều người, trao cho từng người một niềm yêu riêng, tha thiết, bình lặng, nung nấu hay chỉ là cái nhìn trìu mến, sự im lặng và đôi mắt biết nói cho người ta quan tâm, bấy nhiêu đó thôi đôi lúc lại quá sức đối với ta. Yêu là một từ khó giải thích nhất trong cuộc sống của ta, cảm xúc nhẹ nhàng có, dữ dội có. Đôi lúc là sự chết chóc của một tâm hồn, không chỉ dành cho tình yêu nam nữ mà là dành cho cuộc sống, những thứ hiện hữu và tồn tại xung quanh chúng ta.
Yêu nhiều thì cũng ghét nhiều lắm. Ghét con người sao cứ hờ hừng đi qua ta, ghét buổi chiều làm ta nhớ nhà, nhớ mùa mưa bão, ghét cả con đường làm ta ngơ ngẩn một buổi tối, ghét đứa bạn lỡ hẹn cho ta buổi chiều bơ vơ... và nhiều điều ta còn ghét lắm! Nhưng có yêu, có ghét, ta mới là người hạnh phúc. Vì vậy chúng ta hãy tìm ra những điểm chúng ta yêu và những điều chúng ta ghét để mỗi ngày là một hạnh phúc mới.
Hôm qua gặp lại bà cụ bán bánh vỉa hè. Nhìn sâu vào mắt đôi mắt ấy là khoảng xa xăm của một người lớn tuổi đã trải qua gần hết nửa cuộc đời. Đôi lúc ngừng tay bên hàng quán thưa khách, cụ thả mình trong ánh hoàng hôn, tuổi trẻ của cụ là những năm tháng hào hùng, những chiến công, những trận đánh, một nữ thanh niên du kích. Cụ đã sống và sống như bao nhiêu con người khác để rồi cuối quãng đời là một nỗi niềm duy nhất -ngắm hoàng hôn của buổi chiều lạnh và nhớ về một người đã đi xa. Tay cụ vơ lấy chiếc khăn quấn quanh cổ, lấy lại chút ấm áp trong kỷ niệm một thời.
Buổi chiều hôm đó, tôi nhìn cụ thật lâu, nghe giọng nói của cụ trong không gian lưa thưa vài sinh viên ghé quán. Anh chơi guitar ghé quán, cụ hát Võ Đông Sơ Bạch - Thu Hà, tiếng hát cộng với guitar làm dậy lên khoảng trời. Những lúc này làm sao hiểu hết được ý nghĩa của cuộc sống. Sài Gòn nay làm ta nhiều tâm trạng.
Ngày mai, cụ sẽ không còn đứng bán nữa. Không còn buổi chiều đứng dưới quán nghe câu chuyện tình một thời, nghe những đạo lý con người với nhau nữa, tôi muốn viết điều gì đó để cảm ơn cụ, cảm ơn vì đã cho tôi biết ý nghĩa cuộc gặp gỡ của chúng ta, ý nghĩa của một niềm vui nhỏ nào đó. Cảm ơn cụ vì đã cho tôi thấy cuộc sống này đẹp hơn bao giờ hết khi chúng ta quan tâm một ai đó.
Phạm Hiền.