Thư gửi má

Thư gửi má Thật ra những điều con sắp viết ra đã nằm trong góc khuất lòng con từ lâu lắm nhưng đến hôm nay, bước lên đỉnh dốc một đời người, thấy mình đã đủ khôn và đủ lớn, con mới dám trải chúng ra đây để nếu có đọc được, má thấu hơn về cuộc sống của ba đứa con và một-người-từng-là-chồng trong 27 năm qua.

Má biết không, khi con lớn lên, bắt đầu biết quan sát cuộc sống và nhìn bản thân mình, con được nghe về má từ nhiều phía nhưng hầu hết không là những thông tin tốt và hay. Ở tuổi ấy, con không biết có nên tin họ không, lòng cũng hoang mang lắm. Đem những điều ấy về hỏi ba, ba chỉ bảo người ta là người ngoài, không hiểu chuyện nhà mình nên nói vậy chứ má con tốt lắm, thương ba và tụi con lắm, lớn lên rồi con hiểu. Và con tin, tuyệt đối tin ba.

Sau này, con nhận ra những điều được nghe từ người xung quanh là không sai nhưng con vẫn tin ba. Và niềm tin đó vẫn là tuyệt đối. Vì con hiểu ba. Con hiểu được tình yêu ba dành cho má là quá lớn và trong sáng lạ thường dù biết rằng đó là tình yêu... một chiều. Có những khi thấy ba một mình trước hiên nhà nhìn vào trống không, con biết ba chờ đợi cuộc quay về. Ba không nghĩ má đi luôn. Ba không tin má đi luôn. Ba chờ như người chồng chờ người vợ về sau một chặng buôn dài. Và ba cố quên ngày tháng. Có vài năm, con thấy trong nhà mình không có lịch.

Khi chúng con bắt đầu đi học, con thấy những buổi ngồi đợi thưa dần vì vai ba nặng hơn với tiền sách tiền trường, tiến cơm tiền áo. Thật may, ba không còn nhiều thời gian dành cho nỗi nhớ. Những sớm mai sau khi chiên vội chảo cơm nguội lót dạ bốn cha con, ba đèo ba đứa đến trường trên chiếc xe đạp cũ mèm rồi vội vã ra công trường. Chiều về chưa kịp thở, ba tắm rửa và lo bữa cơm. Ăn uống xong, ba chở tụi con qua bên kia cầu Sắt bảo từng đứa đọc thuộc lòng bảng cửu chương, đứa nào trôi chảy mới được chạy xuống ruộng chơi với trâu với bò.

Ba đứa con được cái sáng dạ và học giỏi, không cho phép người ngoài chen vào ba thứ hạng đầu. Nhưng hạng nhất và nhì chỉ là hai chị, con trai của má chỉ luôn chấp nhận hạng ba, vì chữ con xấu và to như hột me. Phần thưởng của ba dành cho hạng nhất chỉ là một cái vuốt tóc nhưng với tụi con, đó là động lực mạnh lắm. Con biết thứ hạng của ba chị em, với ba, là một niềm hy vọng và an ủi lớn.

Không biết má còn nhớ chiếc xe đạp đó không, chiếc xe hồi mới quen nhau, ba thường đạp chở má ra bến sông. Con sông cũ đã chảy một dòng khác, chiếc xe cũ cũng đã khác. Khi chân chúng con bắt đầu dài ra, ba phải bào một tấm ván dài gắn vào yên sau làm chỗ ngồi cho hai chị, con cũng có một miếng ngắn hơn phía trước. Đó là chiếc xe đạp ngộ nghĩnh và đáng yêu nhất con từng thấy. Và cũng chiếc xe đó đã cắt vào người ba chị em con vài vết sẹo. Bây giờ nhìn những vết sẹo này, con nhớ chiếc xe đạp của ba, và cả... của má. Vào một chiều hè, thả dốc cầu Đúc, xe đứt thắng, bốn cha con té lăn cù ra bốn phía dưới đường, ba chảy máu nhiều nhưng chỉ lo ẵm từng đứa vào lề đường.

Con thấy ba hoảng sợ lắm, sờ nắn đầu và bóp tay chân từng đứa kiểm tra. Ơn Trời, cũng không sao, chỉ vài vết rách da. Mà ngộ ghê, dù rất đau nhưng ba chị em không một tiếng khóc. Dù chưa ý thức nhiều lắm nhưng tụi con sợ, có lẽ, tiếng khóc sẽ xé rộng thêm trong lòng ba vết thương khó nghèo và cô độc... Mấy cô bán mía, bán chè dưới chân cầu xúm xít lại băng bó giùm mấy vết thương. Họ vồn vã: "Má tụi nhỏ đâu mà một mình anh chở nhiều vầy, sao hổng chia ra hai xe?". Con nghe câu trả lời vướng trong cổ họng: "Dạ vợ em phải đi buôn bán." Ờ hen, phải chi có má, chắc con được ngồi trên xe má, bây giờ chắc trán con không có sẹo như vầy.

Và không biết bao nhiêu lần khác nữa trong đời, chị em con phải bật lên câu nói ấy: Phải chi có má...
Đó là khi đang ngồi học mà cứ mải gãi đầu, bị cô giáo rầy, chị con kêu đầu con bị chí cắn, ngứa quá cô ơi. Cô giáo bảo về kêu má nấu vỏ bưởi gội đầu. Con thấy chị cúi gầm mặt, không gãi nữa.
Đó là khi mẹ đứa bạn đón nó ở cổng trường và mua cho nó miếng chuối chiên, chị con dựa gốc me kêu phải chi mình có má giống vậy. Con hỏi để làm gì. "Thì mua cho ba đứa mình chuối chiên ăn chơi, ba đứa ăn chung một miếng cũng đã". Tụi con không dám xin ba vì biết ba không có tiền. Sau đó mấy ngày, vào một buổi tan học, con lê la sân trường, thấy miếng chuối chiên ai đó làm rớt, miếng chuối còn mới nguyên hà, đứa nào phí quá, vậy mà bỏ cho được. Nhìn quanh quất và đợi khi mọi người đã ra về hết, con len lén cúi xuống lượm nó lên. Mà má ơi, cát không hà, con phải mất thật lâu mới phủi, mới thổi hết để biến nó thành mới. Khi đã chắc rằng không còn một vết tích gì, con chạy ù về nhà gọi hai chị ra sau hè. "Nè, ăn đi." Con cũng thèm lắm nhưng miếng chuối đó chỉ được chia cho hai chị. "Hồi nãy em ăn một miếng rồi". Cho đến hôm nay, hai chị cũng không biết ở đâu con có nó, chỉ biết rằng nó ngon ngọt lắm.

Đó là vào một buổi trưa chỉ có ba chị em ở nhà, đang ngồi ăn mấy trái me non, con thấy máu chảy ròng giữa hai đùi chị Hương. Chị Huyền hốt hoảng chạy đi kiếm cái khăn lau, con xanh mặt chạy qua quán bà Bắc nhờ dì Duyên qua coi dùm chị con bị gì kỳ lắm, tự nhiên chảy máu quá trời...
Đó là khi chị Huyền trở dạ sinh Linda, ba người đàn ông trong nhà luống cuống không biết làm sao, chị con cũng không biết làm sao. Những lần như vậy, con thấy ba... bất lực.

Nếu có má, chắc chị Hương đã không ra nông nỗi. Dù sao đi nữa, con vẫn nghĩ với con cái, người mẹ như một bến đò có cột neo. Bây giờ đời chị đã trôi quá xa bến đỗ rồi, thuyền chị đã không còn chỗ buông neo.

Và ba chị em con, không ai bảo ai, chẳng bao giờ dám thể hiện trước ba rằng chúng con cần má để ba thấy rằng vai-diễn-người-mẹ của mình được đám khán giả chúng con thấy tròn.

Còn nhiều lần nữa lắm má, nhiều lắm những khi tụi con cần má. Sống chỉ với mỗi vòng tay ấp yêu của ba cũng đã quen rồi nhưng những lúc như vậy, tụi con khát khao biết chừng nào sự có mặt, sự chỉ dạy của má. Để thấy rằng sông trôi, bên lở phải có bên bồi.
Để hạnh phúc gia đình, hai chị con còn có người dạy cho cách níu giữ. Với hai đứa con gái của má, hạnh phúc là cái gì đó xa vời quá. Vết xe đổ của ba má, thật nghiệt ngã, cả hai chị dù muốn dù không cũng đã lái chuyến xe đời mình băng vào. Phần con, con đang cố tránh nhưng không biết rồi mọi việc sẽ ra sao nữa. Lắm lúc con sợ...

Nói ra những điều này, con không một chút trách hờn gì má. Nếu có trách hờn thì đó là quyền của ba con. Con học được rằng là trẻ con, không được phán xét người lớn. Con chỉ mong má biết rằng mái nhà này và những con người ở đây cần có má biết chừng nào.

Dù ở đâu, làm gì và sống ra sao, con vẫn mỗi đêm cầu cho má được vạn an.
Con trai của má,


Lê Hải.

Bài viết liên quan