Ngày đó tôi còn trẻ lắm, xách Vali lên máy bay với bao nhiêu niềm hy vọng và hoài bão để có một cuộc sống mới, tốt hơn như ở nhà lúc bấy giờ.
Tôi đâu có nghĩ được rằng chính cái ước mơ và hy vọng đó sau bao nhiêu năm tháng đã phải trả một cái giá đắt, có lẽ đắt nhất mà đến bây giờ tôi mới hiểu đó chính là sự thiếu thốn tình cảm của những ngày sống xa gia đình và quê hương...
Thực ra cái sự nhớ nhung đó nó cũng không đến mức, bởi cuộc sống mới và tuổi trẻ đã làm cho người ta quên đi được phần nào nỗi nhớ nhà, cha mẹ và anh em.
Nhưng chỉ đến một ngày, đó là những ngày cuối năm vào những dịp Noel, Tết Tây hay những ngày cận kề Tết Nguyên đán tôi mới thức sự cảm thấy được cái thiếu thốn và một nỗi cô đơn, nhớ thương như đang trỗi dậy ở trong lòng.
Tôi còn nhớ thời gian đó cũng là những ngày như bây giờ trong năm, chúng tôi vừa mới xa nhà được vài tháng thì châu Âu bắt đầu chuẩn bị vào mùa giáng sinh và đón năm mới.
Người bản xứ nô nức đi sắm đồ và mua bán, đường phố khắp nơi được trang hoàng lộng lẫy, đèn đuốc thắp sáng trưng... mấy đứa chúng tôi cũng đi chợ, ra cửa hàng mua đồ mà cứ ngẩn ngơ với những suy nghĩ về những hình ảnh chợ hoa Tết ở phố Hàng Lược, những cảnh mua bán đông đúc và sầm uất ở những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào nó cứ lơ lửng và luẩn quẩn ở trong đầu. Một nỗi nhớ nhà quặn thắt, bồi hồi và xào xuyến ở trong lòng.
Thế rồi nhưng cái ngày đó cũng qua đi, đứa nào cũng “bụng bảo dạ”, tự nói với nhau an ủi: Tết của người ta chứ có phải Tết của mình đâu mà buồn.
Loanh quanh khoảng một tháng sau, khi gần đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam lúc đó tôi mới cảm thấy trong lòng mình một nỗi nhớ nhà da diết, mặc dù chẳng nói ra với ai nhưng tôi rất buồn và nhớ nhà.
Có những buổi chiều ra bếp nấu cơm trong đầu tôi lại hình dung ra cái cảnh rửa lá gói bánh chưng, rồi cái đêm quây quần cùng gia đình bên bếp lửa để luộc bánh.
Nhớ đến cái đêm giao thừa cùng với cả nhà ăn cỗ, tôi nhớ những mâm cơm quây quần tất cả mọi người lớn bé, vừa ăn vừa nói chuyện râm ran, thỉnh thoảng xen vào đó là những tràng cười giòn tan và chỉ muốn được chìm mình trong cái không khí vui vẻ, chỉ toàn là yêu thương đùm bọc lẫn nhau đó...
Nhiều khi tôi cứ đứng yên lặng như thế bên cửa sổ để đăm chiêu nhìn ra ngoài, một bầu trời tuyết rơi mù mịt trắng xoá mà ứa nước mắt rồi khóc không thành tiếng.
Và tôi luôn nhẩm tính trong đầu xem cái đêm giao thừa nó vào ngày nào. Nghĩ xem bây giờ ở nhà mọi người đang làm gì, rồi tính giờ ra xem ở bên này nó vào lúc mấy giờ..?
Tôi còn nhớ hôm đó mọi người cũng tổ chức liên hoan vui lắm, bên phái nữ thì đi kiếm cành cây về để làm cây đào giả bằng giấy màu, rồi chuẩn bị bánh kẹo, nấu nướng làm những món tự biên tự diễn... cố làm sao cho nó được giống như ở nhà.
Bên phía nam thì chuẩn bia rượu và thuốc lá cũng như phụ giúp chị em kê bàn ghế bày biện...
Phải nói rằng rất vui và quả thực lúc đó cũng chẳng có ai mà còn có thời gian nghĩ đến để mà nhớ nhà nữa.
Đến khoảng gần 6 giờ tối tức là gần tới giao thừa ở Việt Nam, tất cả ngồi vào bàn để chuẩn bị liên hoan mừng năm mới, ai cũng cười nói chúc tụng vui vẻ nhưng ẩn sau những nụ cười đó là những giọt nước mắt mà bất kể lúc nào cũng có thể trào ra...
Đây là cái tết đầu tiên mà tất cả chúng tôi đều phải xa nhà, cái tết đầu tiên đối với chúng tôi không có gia đình, người thân và cũng là cái tết đầu tiên không bánh chưng, mứt Tết và những món cỗ tất niên, những bữa cơm với cha mẹ anh em, trong lòng đứa nào cũng cồn cào nhớ nhung một nỗi nhớ da diết.
Ngày đó còn chưa có zalo hay Viber gì cả như bây giờ, cho nên tất cả chỉ ngồi quây quần bên nhau, mỗi đứa theo đuổi một suy nghĩ ở trong đầu.
Sau cái màn ăn uống, tự nhiên chẳng ai nói với ai câu gì nữa, một không khí có chút gì đó hơi đượm buồn lắng xuống.
Đầu tiên là mấy đứa con gái ngồi cạnh nhau thủ thỉ kể với nhau chuyện ở nhà, rồi tự nhiên có một đứa ôm mặt thút thít khóc..
Và thế rồi chẳng ai bảo ai, cả mấy đứa khác cũng tu tu lên khóc nức nở. Lúc đầu mấy thằng đàn ông chúng tôi còn cười cười trêu bọn con gái khóc nhè, nhưng lạ một điều càng trêu bọn nó lại càng khóc tợn, thế là mấy thằng vô duyên không dám đùa nữa mà phải quay sang dỗ để chúng bớt khóc đi chứ cứ như thế thì còn gì là liên với chả hoan nữa.
Về phần tôi, hôm đó ngồi được một lúc thấy buồn và nhớ nhà quá nên lủi về phòng của mình lấy giấy ra viết thư cho gia đình...
Quả thực cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm xúc lúc đó khi cầm bút, tay tôi run run viết những dòng chữ đầu tiên gửi về cho mẹ và các em.
Tôi đã khóc rất nhiều và phải dừng lại, cũng như đã phải viết lại không biết bao nhiêu lần, có thể nói đó là một lá thư đẫm nước mắt, một bức thư viết trong đêm giao thừa đầu tiên của tôi khi xa nhà...
———
Sau này khi có dịp về nước mẹ tôi vẫn còn giữ và cho tôi xem lại bức thư đó, bà bảo rằng phải đến gần hai tháng sau Tết mới nhận được và khi đọc bà đã khóc hết nước mắt vì thương tôi.
Kể cả đến bây giờ khi tôi đọc lại nó mà cũng đã nhiều lần không cầm nổi nước mắt, nhất là vào cái dịp này trong lòng tôi lại cuộn lên một nỗi nhớ và tôi lại nguôi ngoai nó khi nghĩ đến mẹ tôi đang ngồi ở nhà mong nhớ tới tôi. Cũng may là bây giờ còn có cái điện thoại nên cũng đỡ.
Đó là cái Tết đầu tiên, cái Tết xa nhà, xa gia đình và quê hương mà tôi chắc rằng với tất cả những người con xa xứ ai cũng đã một lần trải qua và chỉ có những người đã ở vào hoàn cảnh đó thì mới có thể hiểu được.
Đến bây giờ sau bao nhiêu năm xa cách, sau bao nhiêu cái Tết tha hương ở xứ người, những giọt nước mắt đó bây giờ đã khô cạn và nhiều khi đã chảy ngược vào trong.
Tết đến rồi, con nhớ lắm mẹ ơi...
Tuệ Phong