“Ai xôi bắp không, xôi bắp không…” - tiếng rao ấy ngân lên trong tiềm thức của tôi từ khi bước chân vào lớp một.
Những công nhân ở xóm trọ hé cửa nhận lấy gói xôi, ăn vội để làm ca sớm. Học sinh, sinh viên cũng ăn xôi bắp như một món ngon không thể thiếu. Tiếng rao như một phần cuộc sống vốn lặng lẽ của chúng tôi.
Để có mặt sớm trong con hẻm, chị hàng xôi phải dậy khi gà gáy tiếng đầu tiên để chuẩn bị mọi thứ, đi một quãng đường bộ khá dài từ ngoại ô đến xóm. Có những người ở đây xem chị là người “trung chuyển” hương vị đồng quê lên phố.
Chị vẫn cần mẫn đi giữa cuộc đời nắng mưa để kiếm từng đồng còm cõi nuôi con. Những đứa con của chị ở dưới quê thi thoảng cũng tranh thủ thời gian lên phố phụ mẹ bằng cách bán khoai lang, đậu phộng luộc, nhưng năn nỉ lắm chị mới cho theo. Chị bảo: “Không muốn đứa con nào khổ cả, chỉ một mình khổ là đủ lắm rồi, làm sao cho con cái tập trung vào học tập”. Thương cho một tấm lòng của người mẹ!
Trong tâm hồn nhạy cảm của cái tuổi đang thì con gái, nhiều đêm tôi đợi chờ một tiếng rao trong con hẻm như đợi chờ một khoảnh khắc bình yên, thân thiết. Để rồi một ngày tiếng rao ấy im bặt, sáng dậy sớm vừa không có xôi ăn vừa thấy thiếu thiếu thứ gì.
Nghiệm lại mới biết tiếng rao của chị hàng xôi như món ăn tinh thần không thể thiếu. Hỏi ra mới biết chị đi bệnh viện một tuần liền nên không bán.
Nhiều ngày sau, nghe mấy người hàng xóm bảo chị bị ung thư giai đoạn cuối đang nằm viện, lòng buồn như vừa mất đi một thứ gì rất gần gũi. Cả xóm buồn buồn nghĩ về người đàn bà thân thiện trong con hẻm. Dường như còn đó một tiếng rao.
Yên Mã Sơn