Thị phần vận tải hành khách của ngành đường sắt những năm qua giảm dần so với đường bộ và hàng không. (Ảnh minh họa).
Sau 6 năm tôi mới có dịp đi tàu hỏa, khi không có chuyến bay thẳng từ Vinh (Nghệ An) đi Đà Nẵng vào cuối tuần qua. Lúc 21h51 ngày 30/6, đoàn 3 người chúng tôi bước lên chuyến tàu SE5, chỉ cần chìa ảnh chụp vé trong điện thoại ra. Sự tích hợp này khá thuận tiện cho một người đoảng, hay quên và dễ làm mất vé như tôi.
Buồng chúng tôi có điều hòa, 6 giường, 3 tầng. Sau khi sắp xếp đồ đạc, mỗi người leo lên giường của mình, đã sẵn ga, gối trông khá sạch sẽ. Tàu lăn bánh rẽ màn đêm hướng về phía Nam. Nhưng ấn tượng tích cực nhanh chóng qua đi, khi nửa đêm chúng tôi ra ngoài mua nước uống. Bước ra khỏi buồng, tôi giật mình suýt dẫm vào những vị khách đang nằm dài trên lối hành lang nhỏ hẹp. Chúng tôi rón rén bước trong mùi khai nồng của nhà vệ sinh ở cuối dãy.
Giấc ngủ chập chờn trên tàu bị đánh thức bởi những tiếng rao bán hàng của nhân viên tàu, hết cơm cháo phở đến cà phê, giải khát, rồi lại đồ ăn vặt. Họ không ngần ngại mở cửa buồng của khách, ngó đầu vào mời chào bất kể hành khách đang cần sự nghỉ ngơi cho một hành trình dài.
Nằm lắm cũng mỏi nhưng chúng tôi không có lựa chọn khác, với khoảng cách giữa các giường tầng không cho phép khách có thể ngồi mà đầu không chạm trần. Với người có chiều cao trung bình như tôi còn thế, không hiểu mấy vị khách tây trải qua hành trình này như thế nào?.
Hành khách đi chuyến tàu Vinh - Đà Nẵng nhìn ngắm phong cảnh qua cửa kính (Ảnh: Hoàng Lam)
Buổi sáng, chúng tôi được thông báo tàu sắp vào ga và nhân viên phụ trách toa liên tục hối thúc khách thu dọn hành lý. Hành khách tay xách nách mang đứng hết ra hành lang chờ tàu vào ga và được "khuyến mãi" một cuộc cãi vã của nhân viên tàu khi hành lý một vị khách bỏ quên bị thất lạc. Nhiều người khuyên cả hai bình tĩnh và nói nhỏ nhẹ thì "vô lum" của nữ nhân viên tàu vẫn được mở hết cỡ trong cái lắc đầu và sự khó chịu hiện rõ trên khuôn mặt của các hành khách. Tàu vào ga, chúng tôi thở phào sau chuyến hành trình kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ.
Vì lỡ mua vé khứ hồi nên 3 ngày sau (ngày 3/7), chúng tôi phải lên tàu SE2, hành trình trở về. Tàu vào ga muộn nhưng chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo hay lời xin lỗi nào từ phía nhà ga, hoặc có thể, lời xin lỗi đã không đến được với hàng trăm hành khách chen chúc trong nhà chờ.
Dự kiến giờ đi 13h42, song sau khoảng gần 30 phút chờ đợi, chúng tôi mới được lên tàu và đập vào mắt là căn buồng lộn xộn, chăn ga dồn vào một góc, thậm chí rác sinh hoạt trên tàu của những hành khách trước đó bỏ lại chưa được dọn. Không có lựa chọn khác, chúng tôi đành phải đặt lưng trên tấm nệm da.
Điều hòa gặp sự cố, cái nóng từ phòng kín, nhỏ, đông người và hơi nóng từ đệm da bốc lên khiến ai cũng thấy ngột ngạt. Khách túa ra hành lang hít khí trời. Sau nhiều lần kêu, thậm chí đăng tải thông tin trên trang Fanpage của ngành đường sắt, nhân viên tàu cũng đến khắc phục và mong thông cảm. Khi tàu chạy được khoảng 2/3 hành trình, một vị, hình như là người có trách nhiệm của tàu đến tận buồng xin lỗi về sự bất tiện, thông cảm do hệ thống điều hòa gặp sự cố. Hi vọng rằng, tất cả hành khách trên tàu đều nhận được lời xin lỗi này, chứ không phải chỉ mỗi chúng tôi.
Có thể, những gì chúng tôi trải qua sau 2 chuyến đi không mang tính đại diện cho những chuyến tàu của ngành đường sắt. Hi vọng là như thế. Nhưng có một thực tế đã được khẳng định là ngành đường sắt đang tụt hậu, thị phần giảm dần.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 1990, đường sắt phục vụ 10,4 triệu lượt khách, chiếm gần 3% tổng lượng khách của ngành vận tải. Mức độ luân chuyển đạt 1,9 tỷ lượt khách/km, chiếm 12%. Sau 30 năm, đến năm 2019, lượng khách đi đường sắt chỉ còn 4,7 triệu lượt, chiếm 0,2% toàn ngành, mức độ luân chuyển là 3,2 tỷ lượt khách/km, chỉ còn chiếm 1%.
Nếu như trung bình toàn ngành vận tải giao thông tăng trưởng 7,3-11,7% trong giai đoạn 2011-2019 thì vận chuyển hành khách đường sắt giảm tới 3,6%. Trong các loại hình giao thông, đường sắt là cái tên duy nhất tăng trưởng âm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, so với vận chuyển hành khách, vận tải hàng hóa bằng đường sắt tích cực hơn nhưng có xu hướng ngày càng sụt giảm.
Việc ngành đường sắt đi chậm lại và tụt hậu có nhiều nguyên nhân, do thiếu đầu tư, do cạnh tranh của các loại hình vận tải khác như đường bộ, hàng không… Muốn vực dậy một ngành vận tải có lịch sử lâu đời, từng là niềm tự hào của Việt Nam với bài ca "đi suốt bốn mùa vui", theo chúng tôi không chỉ là vấn đề đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa ngành đường sắt mà việc cải thiện cung cách phục vụ, mang đến trải nghiệm tích cực cho hành khách cũng là vấn đề quan trọng. Sao cho khách đi tàu không phải "hành xác" mà thực sự là một hành trình trải nghiệm, khám phá các vùng đất dọc chiều dài đất nước. Những việc này, các chuyến bay và những chuyến xe khách của các hãng tư nhân đang làm ngày càng tốt hơn.
Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí