Tết này đi làm thêm ở quán Pha Lê, một cái quán kinh hoàng nhất trong tất cả những đợt làm thêm của mình.
Những năm trước mình cũng đi làm nhưng rất vui, anh chị em làm chung yêu thương giúp đỡ nhau, ai cũng thân thiện và dễ thương cả. Năm nay, cũng đi làm nhưng sao cảm giác mủi lòng nhiều đến thế.
Tết đối với tôi là bình thường hơn cả ngày bình thường. Sáng sớm, tôi lầm lũi đạp xe trên con đường gió lạnh đến nơi làm, làm tới khuya lơ khuya lắc mới về nhà, vậy là hương vị được sum họp bên gia đình ngày Tết cũng trôi dạt và tàn lụi. Ngay cả đêm giao thừa cố gắng lắm mà cũng không về kịp trước 0 giờ. Người nghèo không có Tết.
Ngày Tết người nghèo càng phải bận bịu, cực khổ vất vả hơn nhiều để kiếm tiền mưu sinh. Tết đối với người giàu là dịp để vui chơi nghỉ ngơi, để đoàn tụ gia đình, còn Tết với người nghèo là cơ hội để kiếm được tiền nhiều hơn ngày thường, vì Tết giá cả sẽ lên và người bán sẽ ít, người đi chơi thì nhiều.
Làm phục vụ ở quán, đôi lúc tiền thối của khách còn những 20.000 đồng, vậy mà khách bỏ không thèm lấy, coi như là tiền boa. Ngày nào gặp khách sộp thì tiền boa nhiều, gặp khách vừa vừa thì boa ít, nhưng nhiều ít gì thì đại khái ngày nào cũng có. Mình chợt giật mình, ở những nơi sang trọng như thế này, mỗi lần đi ngang nhìn vào mình cứ nghĩ nó sẽ ít khách lắm vì giá thức ăn đồ uống ở đây đắt gấp 2 gấp 3 lần ở ngoài. Vậy mà khi vào làm, mình thấy lúc nào cũng có khách đông ngẹt, phục vụ mỏi chân và mệt đến nỗi mình đi phải vẹo một bên vì đi thẳng sẽ đau không chịu nổi. Hóa ra tại mình sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo khó, dân lao động chân tay nên thấy lạ chứ kỳ thực chuyện ấy rất bình thường.
Mỗi lần đem hóa đơn ra tính tiền cho khách, thấy trên hóa đơn, số tiền phải trả bằng tiền đi chợ cả ba bốn ngày của nhà mình, trong khi đó đây chỉ là tiền ăn sáng cà phê cà pháo chơi của họ thôi. Đối với bọn nghèo chúng mình, 500 đồng thôi cũng phải tiết kiệm và quý lắm, thế mà ở đây khách ít khi nhận lại tiền thối, ngoại trừ tiền thối còn dư nhiều mà lại là tiền chẵn, tiền lớn thì mới lấy, nếu kẹp một tờ tiền lớn với mấy tờ tiền nhỏ, họ sẽ rút tờ lớn, để lại hết tiền nhỏ cho mình. Giống kiểu ăn xin hiện đại quá nhỉ vì cứ cầm sổ kẹp hóa đơn bằng hai tay rồi đưa một cách kính cẩn cho khách, kèm theo cái khom người và cúi đầu vâng dạ lễ phép (chủ bắt buộc mình phải làm như thế), cho là nơi quán lớn, lịch sự, nhưng mình cứ cười thầm mình đang xin tiền vậy!
Mình nhận ra một sự chênh lệch lớn giữa tầng lớp sang trọng, trí thức, giàu có và tầng lớp dân lao động nghèo. Mình nằm trong tầng lớp thứ hai và đang cố ngoi lên (vì mình cũng được học đại học), nhưng mình biết, con cái nhà nghèo dù cho học lên đi làm vẫn có một bàn tay vô hình đè mình xuống, cóc ghẻ vẫn là cóc ghẻ, không thể hóa thân thành thiên nga được.
Mùng một Tết năm nay nhằm vào ngày Valentine, các cặp đôi hạnh phúc sánh bước nhau vào quán, những món quà xinh xắn kèm những nụ hồng rực rỡ đẹp tươi. Năm ngoái mình cũng đi làm Tết, anh về quê ăn Tết, suốt những ngày Tết đó anh không hỏi thăm lấy mình một lời, không chúc mừng, không gọi điện nhắn tin, không gì cả, lần đó là mình sai.
Năm nay mình cũng lại đi làm, và anh về quê ăn Tết, cũng không một cú điện thoại nào và sự quan tâm cũng không dù là nhỏ nhặt ít ỏi nhất..., mình lại sai. Mình sai miết, không thể yêu thêm một ai và không thể có tình cảm được nữa!
Theo tháng năm mình dần quên đi, mình sợ đàn ông con trai, mình không muốn tiếp xúc với ai, nói chuyện hay chỉ là bạn bè, mình sợ vô cùng... mãi mãi cái mình mong đợi nó vẫn là con số 0. Người nghèo không chỉ không có Tết mà còn không có tình yêu!
Hải Giang.