Ở tòa

Ở tòaỞ chốn pháp đình, mỗi ngày mình lại chứng kiến thêm nhiều mảnh đời, số phận không may vướng vào vòng lao lý.

Trong số họ, có kẻ đáng giận, đáng phải lên án và nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật... Nhưng cũng nhiều người làm mình cảm thấy nhói đau.

Một cậu bé lâm vào cảnh bơ vơ khi bố mẹ ly hôn và quên mất sự hiện hữu của em trên cõi đời. Sự hiện hữu của một tình yêu từng tồn tại. Không tình thương, không sự quan tâm chăm sóc, em bỏ nhà lang thang lên Hà Nội. Để tồn tại giữa cuộc đời vốn nhiều gai góc này, em đi bán rong ở gầm cầu Thăng Long. Cái gầm cầu ấy dẫu chẳng che chắn cho em khỏi những lạnh lẽo, đắng cay, dẫu không chút hơi ấm nhưng nó giờ đây lại trở thành "nhà", thành nơi em trốn nắng mưa. Trong giấc ngủ vội, em có kịp mơ về niềm hạnh phúc giờ đã xa xăm.

Cuộc sống của em tưởng cứ thế trôi đi. Rồi một lần, một người bạn cùng cảnh rủ em đi lấy trộm tài sản của người ta. Em nhận lời, chẳng biết có kịp nghĩ điều gì không? Rồi em bị bắt. Khi đến dự tòa, chưa kịp biết về hành vi của em, mình đã được nghe các anh công an dẫn phạm, nghe chị thư ký tòa và mọi người kể về em. Nhìn em bé nhỏ, co ro trước vành móng ngựa, mình chẳng thể tập trung nghe và ghi chép như việc mình vẫn thường làm ở mỗi phiên tòa. Bao ý nghĩ đổ xô, dồn ép trong đầu.

Ở tòa_0

Chẳng thể gặp em, chẳng thể nghe em kể nhiều hơn những tháng ngày em đã trải qua, cái tin pháp đình mấy trăm chữ sao đủ để nói hết những cảm xúc về em trong lòng mình. Tội danh em phạm phải chưa đến mức nghiêm trọng, số phận em, dẫu sao cũng còn may mắn hơn rất nhiều số phận đáng thương khác. Và mình muốn giữ lại một chút về em trong trang nhật ký của mình. Giữ lại một chút về em trong rất nhiều những con người mà mình đã gặp. Bản án tuyên rồi, nhiều người còn day dứt, nhưng liệu rồi ông bố, bà mẹ ấy có kịp hiểu ra, để yêu lấy con mình?

Một ông bố khác, hai lần vợ sinh con là hai lần lĩnh án vào tù. Những đứa trẻ lớn lên không nhớ, không biết mặt cha. Phiên xử hôm ấy, người vợ mang theo đứa con bé bỏng lên tòa. Phút giây ngắn ngủi gặp người thân, những mong được ôm con vào lòng... nhưng đứa trẻ lạ lẫm, khóc ngặt lên và đòi mẹ bế nó đi. Đi thật nhanh, xa khỏi bố.

Một người mẹ, người chị của một em sinh viên phạm tội nhìn thấy mình bước vào tòa, lầm tưởng mình là bạn gái của em ấy. Chạy lại gần, tíu tít hỏi thăm. 

Một bà mẹ bối rối trước hơn 30 trang của bản cáo trạng với nhiều cái tên, vụ việc mà con trai bà và những người khác đã gây ra. Bà cố tìm xem viện kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên phạt con mình mức án bao nhiêu năm tù. Cái bối rối, cái vội vã đến thương.

Có lần, một người nhà bị cáo hỏi mình: Ngày nào em cũng dự tòa nghe xử thế này à? Chán nhỉ. Rồi không hiểu sao lại quay sang hỏi tiếp: Thế thì em chỉ thích có tội phạm để xử, mà là vụ án lớn, để em viết tin, bài nhỉ?. Không phải đợi đến khi có người đặt ra câu hỏi, mình mới tự chất vấn mình. Có lẽ hết thảy phóng viên theo dõi mảng pháp đình, sẽ có lúc đặt cho mình câu hỏi đó. Chị Phạm Vũ từng tâm sự: "Có rất nhiều lúc ngồi ở một góc nào đó, tôi bỗng tự hỏi mình: Tại sao mình lại đến đây, giữa nơi tập trung những cung bậc cao nhất, thấp nhất của niềm vui, nỗi buồn, cái thiện, cái ác này? Dĩ nhiên là vì công việc và có rất nhiều người khác cũng đến đây vì công việc giống như tôi". Đâu biết được rằng, mỗi lần dự một vụ án, mỗi lần biết thêm một tội ác, là thêm một lần lòng cảm thấy bất an, chênh vênh trước cuộc đời, thêm một lần mất đi niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Mỗi một vụ án, cũng thêm trong lòng nhiều nỗi ám ảnh, xót xa.

Nhớ có lần đang dự tòa, một người bạn nhắn tin hỏi: Em đang làm gì?. Trả lời: Em đang ở tòa. Lạnh và buồn. Sao buồn?. Vì vụ án đang dự làm em thấy buồn. Khi đó, mới biết, những ngày qua, niềm vui, nỗi buồn của mình đã gắn với niềm vui, nỗi buồn ở tòa. Có lẽ nói vậy, sẽ có người thắc mắc: Ở tòa, làm gì có niềm vui? Thật ra có những "niềm vui" chợt đến mà người ta không nhận ra thôi.

Có bị cáo từng tâm sự với mình (em không biết mình là phóng viên): "Em sai rồi, từ giờ trở đi sẽ không bao giờ mắc sai lầm nữa". Mình đã vui và thấy ấm áp hơn rất nhiều khi nghe em nói vậy. Em đưa cho mình một cái bật lửa: Chị giữ lấy nhé. Mấy ông bạn em cười ầm lên, không biết sao em lại đưa cho mình cái bật lửa. Có lẽ đó là lần duy nhất mình gặp em trong đời. Em bảo: Em chẳng có gì, tặng chị chiếc bật lửa để cầu chúc cho chị luôn gặp may mắn. (lúc này, em đã biết mình là phóng viên). Mình nhận, và biết rằng mình đã nhận về nhiều hơn một chiếc bật lửa.

Mình đã nhận về một lời chúc, một niềm vui, một tình cảm ấm áp và một sự động viên.

Hải Yến.

Bài viết liên quan