Câu chuyện ngụ ngôn này được viết từ những năm 1940 bởi nhà giáo dục George Reavis, tuy nhiên đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị.
Điện thoại đã "xịn" hơn, xe đã hiện đại hơn, đời sống cũng đã cải thiện hơn, chỉ riêng hệ thống giáo dục vẫn đang tiếp tục duy trì triết lý đào tạo "cào bằng" này.
"Ngày xửa ngày xưa các loài động vật quyết định mình phải trở nên giỏi giang hơn để giải quyết những vấn đề của thế giới mới, vậy nên chúng quyết định mở một trường học.
Chúng đã thông qua một chương trình học bao gồm các môn chạy, bơi lội, leo trèo và bay. Để tiện áp dụng và quản lý, tất cả các loài động vật đều được yêu cầu phải học tất cả các môn.
Cậu vịt rất giỏi môn bơi lội. Trên thực tế, cậu còn giỏi hơn cả giáo viên của mình. Nhưng cậu lại đạt điểm rất thấp trong môn bay và cực kỳ tồi trong môn chạy.
Bởi vì chạy rất chậm, cậu vịt phải ở lại luyện tập sau giờ học và cũng dần bỏ môn bơi để thực hành môn chạy. Cậu vịt cứ cố chạy đến khi màng chân của mình bị rách toạc, và bây giờ khả năng bơi của cậu chỉ ở mức trung bình.
Nhưng bình thường lại là điều được chấp nhận ở trường học, vì vậy không học sinh nào phải lo về điều này, ngoại trừ vịt.
Chú thỏ thì học giỏi nhất lớp môn chạy nhưng thỏ lại vô cùng hoang mang vì thỏ học quá dốt môn bơi lội.
Bạn sóc thì rất giỏi leo trèo cho đến khi cậu bắt đầu phát hoảng trong lớp bay, vì giáo viên bắt sóc tập bay từ dưới đất thay vì trên các cành cây. Sóc cũng bị chuột rút vì tập quá sức và vì vậy chỉ nhận điểm trung bình môn leo trèo và điểm kém môn chạy.
Đại bàng là một đứa trẻ có vấn đề và bị kỉ luật rất nghiêm khắc vì tội không vâng lời của mình. Trong lớp leo trèo, cậu chiến thắng mọi đứa trẻ khác trong bài tập leo cây nhưng cậu nhất định chỉ muốn chỉ sử dụng năng lực riêng của mình để lên đến đầu ngọn cây.
Kết thục năm học, một bạn lươn dị thường, bơi giỏi và chạy, leo trèo, bay kha khá lại có điểm trung bình môn cao nhất và vì vậy trở thành thủ khoa năm đó.
Loài cầy thảo nguyên biểu tình bằng cách không nhập học và đòi giảm thuế bởi vì bạn giám hiệu nhà trường đã không thêm môn đào hang vào chương trình học bắt buộc. Chúng giao con mình cho một con lửng và sau đó gia nhập với chuột chũi và chuột túi để mở một trường tư thục đầy thành công về sau".
Câu chuyện này muốn nói lên điều gì?
Phải chăng không chỉ các nhà trường mà đến các phụ huynh cũng đang sai lầm trong đường hướng giáo dục của mình?
Thay vì quan tâm đến năng lực và sở thích cá nhân của từng đứa trẻ, chúng ta đang bắt những học sinh phải giỏi toàn diện, cả xã hội lẫn tự nhiên, cả thể thao lẫn văn hoá.
Triết lý giáo dục này không chỉ phản giáo dục khi bỏ lơ năng khiếu và đam mê của từng học sinh (giống như mỗi loài động vật có một năng lực khác nhau), chúng còn đang tạo ra những thế hệ tương có khả năng trung bình ở mọi thứ, nhưng không thực sự xuất sắc ở bất kì lĩnh vực nào.
Trường học muôn loài này tuy được viết cách đây đã gần 80 năm, nhưng cho đến khi hệ thống giáo dục được cải cách với triết lý giáo dục mới, nó vẫn là một câu chuyện ngụ ngôn mang đầy giá trị về cách đúng đắn để giáo dục và phát triển học sinh.
Nguồn: Trí thức trẻ