Khi tôi chuẩn bị về Việt Nam, mẹ dặn: “Về Việt Nam nếu ai hỏi thì đừng nói con làm nail, cứ nói là con là kỹ sư thôi nhé!” 

– Mẹ ơi, nghề nail cũng là một nghề mà nhiều người thi vào cũng rớt hoài chứ bộ mẹ nghĩ dễ sao?

– Không cần biết, miễn là con đi làm nail thì họ sẽ nói ghê lắm.

Mẹ tôi vẫn nằng nặc đòi tôi phải hô to cái nghề “kỹ sư”, còn nghề nail thì giấu càng kín càng tốt. 

1 Si Dien Cua Nguoi Viet

 

Tôi ra trường, gần một năm nay ôm cái bằng kỹ sư chạy khắp nơi xin việc, gặp ai cũng nói “thấy việc làm thì giới thiệu”. Họ ừ, rồi im luôn.

Thời buổi kinh tế đi xuống, công ty đóng cửa hết, bạn bè thi thoảng lại nghe tin “..... mới bị lay off” mà phát rầu.

Tôi vẫn kiên nhẫn ôm đơn xin việc rải khắp nơi như rải truyền đơn. Suốt ngày lóc cóc gõ trên internet kiếm cơ hội. Rồi tôi nhận được điện thoại hẹn phỏng vấn.

Vài lần tôi ăn mặc lịch sự và mang bộ mặt “nếu người ta có chửi cũng cười đi phỏng vấn”. Sau mỗi lần phỏng vấn, tôi lại nghe câu “Tôi sẽ gọi lại cho cô.” Rồi tôi dài cổ ngồi chờ.

Trong lúc chờ đợi được nhận việc, tôi vô tiệm nail. Chị Sương vừa giũa móng tay cho khách vừa nói: “Rảnh rỗi thì ra đây làm nail phụ chị, kiếm tiền tiêu”.

Vậy là sau mấy tháng bận rộn ôn bài để tốt nghiệp, rồi ra trường lo kiếm việc làm, tôi quay lại làm nail full-time.

Hồi mới qua Mỹ, vợ chồng chị Sương đã giúp gia đình tôi bằng cách dắt tôi vào tiệm nail của họ và dạy nghề. Anh chị Sương không phải bà con gì với gia đình tôi nhưng họ đối xử rất tốt bụng và chân thành.

Chị Sương là người dạy tôi cách cầm kềm và cắt móng tay lúc tôi mới vào học nghề. Ngày đầu tiên run run cầm cọ sơn móng tay cho khách, không biết cảm tình thế nào mà khi sơn xong một bộ móng chỉ 8 đồng, bà khách còn cho tôi 5 đồng tiền tip. 

Tôi mừng húm. Chủ nhật tôi dẫn em Hà ra tiệm Rite Aid mua kem ăn. Em Hà rất thích ăn kem. Mấy tờ tiền lẻ đi chợ người ta thối, nó gom lại để dành rồi cuối tuần rủ tôi đi ăn kem.

Tôi đã học tiếng Anh từ Việt Nam nhưng qua đây ai nói gì tôi cũng không hiểu và nói tiếng Anh cũng chẳng ai chịu nghe. Nên khi khách nói gì, tôi chỉ việc cười và gật đầu “yes”, hoặc lắc đầu “no”, rồi tùy theo tình huống mà đoán ý thích của khách.

Tôi thuộc dạng khéo tay nên những chuyện cắt giũa, sơn hay đắp bột làm móng giả, vẽ kiểu lên móng tay (design) tôi học rất nhanh và còn được khen làm đẹp nữa.

Bữa đó có bà khách ăn mặc rất sang trọng vào tiệm và yêu cầu chị Sương tìm một người thợ thật khéo tay. Tôi là người được chọn. Bà khách xòe đôi bàn tay với bộ móng dài vừa nói vừa chỉ một hồi.

Tôi yes yes lia lịa và luôn miệng cười với khách. Tôi đang chăm chú cắt thì bà khách bỗng rụt tay lại, đứng phắt dậy và xì xồ to tiếng. Tôi không hiểu bà nói gì nhưng biết bà tức giận ghê lắm! Tôi chỉ bập bẹ hiểu được một câu lúc bà như muốn xỉ vào mặt tôi: “…… learn more English!”

Chị Sương chạy lại: “Oanh ơi, bà muốn để nguyên móng tay dài rồi sơn french tip, gắn hột xoàn (giả) lên cho bà mà mày lại đi cắt phăng cái móng tay của bà đi…”

Tôi mếu máo: “Em thấy bà chỉ chỉ vô móng tay tưởng bà biểu cắt bớt rồi mới sơn…”

Sau vụ đó chị Sương phải làm một bộ móng giả “đền” cho bà khách. Tôi tủi thân muốn bỏ nghề. Ai nói nghề nail là sướng? Tuy không bỏ vốn nhưng phải bỏ công sức ra làm và còn bị khinh khi nữa.

Nhiều lúc ngồi mài mài giũa giũa những bàn tay mỹ đen to xù mà nước mắt tôi sém rơi mấy bận. Làm cực thì ít mà tủi thân thì nhiều. Những người quen thấy tôi đi làm nail rủng rỉnh tiền để đi shopping, giúp mẹ trang trải trong gia đình thì nhìn tôi với vẻ thương hại: 

“Cái nghề nail tuy dễ kiếm tiền nhưng bần tiện”, rồi nào là làm nghề này dễ bị lao phổi, dễ bị ung thư (ung thư gì thì tôi không biết nhưng từ dạo đi làm thì da mặt tôi có vẻ xấu đi và nổi vài cục mụn), rồi con gái làm nghề này thì dễ bị… không có con.

Tôi thất kinh! Trên đời này, có ít tiền thì người ta khinh, có nhiều tiền thì người ta ghét. Buồn quá, tôi tính kiếm nghề khác. Đi may hay ngồi còng lưng biết kiếm được bao đồng? Tính tôi không kiên nhẫn.

Đi làm nhà hàng cũng chỉ được ngày cuối tuần. Mà chi tiêu trong nhà tôi lại lớn vô cùng. Em Hà đi làm nhà hàng vào cuối tuần chỉ đủ cho nó tiêu vặt và chi tiêu trong chợ búa!

2 Si Dien Cua Nguoi Viet

Suy nghĩ lung tung rồi cuối cùng tôi vẫn trung thành với nghề nail.

Đi học về là tôi tranh thủ chạy ra tiệm nail để mài mài giũa giũa móng tay cho khách. Tôi dồn tiền để mẹ mua được chiếc xe Camry đời 2 năm cũ. Bạn bè ở trường khen tôi “ngầu”.

Người quen biết cũng kêu tôi “ngầu” rồi câu tiếp theo là “tiền đi làm nail í mà”. Nhiều lúc tủi thân muốn khóc òa lên nhưng nghĩ lại nghề nào cũng là nghề, cũng mồ hôi nước mắt mới kiếm được tiền nên tôi nín. Và cho những lời bóng gió chê bai “nghề nail hạ cấp” là những lời của những kẻ vớ vẩn. Bởi vì đối với tôi cái nghề nail thật vĩ đại.

Ngày ra trường, cầm cái bằng kỹ sư trên tay, tôi rưng rưng nghĩ không biết cái bằng kỹ sư này có giá trị bằng cái bằng nail kia của tôi không? Bởi vì tấm bằng nail nhỏ bé đã nuôi dưỡng cho tôi lấy được cái bằng kỹ sư hôm nay. Cũng chính cái nghề nail đã cho tôi một cái nhìn khác về bản chất con người và cuộc sống xô bồ hiện tại.

Vài người thân quen của tôi lúc trước đau xót nhìn thấy tôi phải đi sơn giũa móng tay thiên hạ để kiếm tiền học và phụ gia đình thì giờ đây họ cũng âm thầm lặng lẽ đi làm… thợ nail. Cuộc sống và mưu sinh!

Tiền là trên hết nên những ý tưởng trong sáng ngày trước nhìn thấy nghề nail là một cái nghề bần tiện nhất giờ đây cũng phải chấp nhận để ý tưởng bị vẩn đục. Có điều những người đó vẫn còn sĩ diện nên vẫn cứ nói: “Em không thích cái nghề này nhưng vì cần tiền nên…”

Còn riêng tôi không thể nào bạc bẽo như vậy được. Tôi quý cái nghề nail kinh khủng! Chính cái nghề này đã giúp tôi hoàn thành đoạn đường Đại học và góp phần vào công cuộc cải tổ kinh tế trong gia đình.

Mẹ hình như cũng sợ cái gọi là “sĩ diện” nên khi về Việt Nam cứ dặn đi dặn lại rằng phải giấu nhẹm cái nghề nail vĩ đại của mình mà khoe ra cái nghề “kỹ sư”. Dù lúc đó cũng đã gần một năm trời ôm cái bằng kỹ sư trong lòng chịu thất nghiệp.

Giờ đây, tôi không còn đi làm nail nữa. Sau bao phen bôn ba kiếm việc, cuối cùng cũng có một hãng điện tử ở Anaheim nhận tôi. Thỉnh thoảng cuối tuần rảnh rỗi nhớ nghề, tôi vẫn ôm kềm ôm giũa ra tiệm chị Sương để làm móng tay cho khách.

Không có nghề nào xấu cả! Chỉ có tấm lòng con người không tốt mà thôi! Xuất thân từ một người thợ nail, tôi cảm thấy mình cũng là người đem lại vẻ đẹp cho xã hội. Không phải mỗi lần đi tiệc tùng các cô các bà lại rủ nhau đi làm móng tay hay tân trang móng chân sao?

Bé Trang con gái giờ đang lẫm chẫm tập đi. Bé vừa tròn một tuổi. Hôm sinh nhật bé cười rất tươi khoe bốn cái răng mới mọc, hai tay quơ quàng vọc vào ổ bánh kem, trên má phính dính đầy kem.

Sau này con lớn lên, tôi sẽ kể cho con nghe câu chuyện về việc làm nail của mình. Tôi sẽ dạy cho con biết rằng không có nghề nào là xấu cả; chỉ có tấm lòng con người xấu thôi!

Sưu tầm




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC