Con cái sinh ra là một tờ giấy trắng, cách giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của trẻ sau này.

Với các bậc cha mẹ, con cái là những thiên thần đáng yêu và luôn được ưu tiên. Tuy nhiên, bao che, bênh vực bất chấp mọi quy tắc, không uốn nắn hành động lệch chuẩn của trẻ thì không phải giúp trẻ. Trái lại, điều này còn dẫn tới nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng tới khả năng phân định đúng sai của con mình.

Ngay từ nhỏ, cha mẹ phải lưu ý xem con có 3 dấu hiệu sau đây hay không để từ đó có sự điều chỉnh dạy dỗ cho đúng.

1. Trẻ quá coi mình là trung tâm

Có những đứa trẻ coi mình là trung tâm của vũ trụ và cho rằng thế giới đều xoay quanh mình. Chúng thiếu sự đồng cảm, chẳng hạn khi cha mẹ cảm thấy rất mệt mỏi, trẻ vẫn không hề quan tâm, nhất quyết đòi họ làm việc gì đó cho mình. Chúng không để ý đến cảm xúc, nhu cầu của cha mẹ và những người xung quanh.

Khi chơi, trẻ sẽ chỉ tập trung vào việc liệu hạnh phúc của bản thân có được thỏa mãn hay không, hiếm khi hợp tác và sẽ không thỏa hiệp. Trẻ không chủ động giúp đỡ ai đó, thường rất thờ ơ và thiếu quan tâm đến những khó khăn, bất hạnh của người khác.

Những đứa trẻ quá coi trọng bản thân thường giỏi phá vỡ các quy tắc mà không hề có cảm giác tội lỗi. Chúng không kiềm chế hành vi của mình và thường làm những điều bốc đồng. Những đứa trẻ này có xu hướng đưa ra những quyết định thiếu chín chắn về những vấn đề trước mắt nhưng lại thiếu khả năng chịu trách nhiệm về những hậu quả tiếp theo.

Tư duy lấy bản thân làm trung tâm là một giai đoạn phổ biến trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Khi lớn lên, trẻ sẽ dần tách mình ra khỏi mọi thứ xung quanh và bắt đầu nhận ra rằng mình là một cá nhân độc lập và là thành viên của một nhóm.

Những đứa trẻ quá coi mình là trung tâm thường liên quan nhiều đến việc cha mẹ làm gián đoạn quá trình phát triển này. Con cái muốn gì thì cha mẹ sẽ cho thứ đó. Bất kể yêu cầu đó hợp lý hay vô lý, cha mẹ đều sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn. Trẻ có thể làm bất cứ điều gì mà không cần phải chịu trách nhiệm.

Những đứa trẻ như vậy sẽ có "ảo tưởng về quyền lợi". Chúng cảm thấy bản thân có quyền hạn và người khác phải đáp ứng mọi yêu cầu một cách vô điều kiện. Trong mắt trẻ không có ai khác ngoài chính mình. Thế giới tồn tại vì bản thân mình. Đứa trẻ chỉ biết ích kỷ hưởng thụ, lớn lên không bao giờ hiếu thảo.

Bên cạnh đó, nếu lớn lên với tâm lý này, thì dù có trưởng thành về mặt thể chất nhưng về mặt tinh thần, con bạn vẫn sẽ là một đứa trẻ. Khi xã hội không trao cho chúng đủ quyền lợi như cha mẹ đã trao khi còn nhỏ, trẻ sẽ sống với sự oán giận.

1 3 Dau Hieu Ban Dang Nuoi Day Mot Dua Tre Ich Ky Ve Sau Kho Hieu Thao Voi Cha Me

2. Trẻ thiếu tự chủ

Trẻ thiếu tự chủ thường khó kiểm soát được cảm xúc của mình, dễ bị kích động, cáu kỉnh hoặc bực bội. Chúng thường hành động bốc đồng và không thể kiềm chế hành vi hoặc kiểm soát cảm xúc của mình, dẫn đến hay xảy ra xung đột. Các em khó tập trung, dễ bị phân tâm hoặc bối rối, có xu hướng khó tập trung trong lớp dẫn đến kết quả học tập kém.

Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc trì hoãn sự hài lòng, thiếu sự điều độ và tự chủ. Chúng thường ham mê những thú vui trước mắt và trì hoãn việc mình muốn làm vô thời hạn khiến việc học tập và cuộc sống trở nên xáo trộn.

Trẻ thiếu tự chủ thường là do cha mẹ quá nuông chiều. Khi con khóc và cần thứ gì, phụ huynh sẽ đáp ứng ngay. Hơn nữa, do thiếu các quy tắc và giáo dục ranh giới nên cha mẹ không đưa ra cho trẻ những hướng dẫn rõ ràng, khiến trẻ không thể thiết lập tính kỷ luật tự giác. Từ đây, trẻ có xu hướng làm mọi việc một cách ngẫu nhiên.

Cha mẹ thường thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần và giao tiếp với con cái, khiến chúng không thể chịu đựng được áp lực. Khi đối mặt với khó khăn, trẻ thường chọn cách trốn chạy thay vì dũng cảm vượt qua. 

3. Trẻ thiếu trách nhiệm

"Tại sao anh/chị lại làm lớn chuyện như vậy? Nó chỉ là một đứa trẻ mà thôi". Đây là câu nói thường được nhiều bậc cha mẹ có con nghịch ngợm dùng làm "thần chú" để chống chế. Một câu nói đơn giản nhưng có thể hủy hoại tương lai của con cái. Đứa trẻ lâu dần sẽ trở thành bậc thầy trong việc che đậy lỗi lầm và trốn tránh trách nhiệm.

Như vậy, trẻ sẽ bỏ lỡ cơ hội học hỏi và trưởng thành. Chúng thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và có thể bị mắc kẹt trong vòng lặp, lặp đi lặp lại những sai lầm mà không cải thiện được.

Cha mẹ có con trốn tránh trách nhiệm thường bao bọc con quá mức, cho rằng mọi hành vi xấu của con đều phải được tha thứ nên bỏ lỡ cơ hội hướng dẫn, giáo dục kịp thời sau khi con mắc lỗi. Họ thường không đặt ra những quy tắc cho con cái. Khi cha mẹ vui vẻ, những hành vi xấu của con cái sẽ được tha thứ, thậm chí ủng hộ. Tuy nhiên, khi tâm trạng không tốt, họ sẽ đối xử với con cực đoan, như đánh đập, la mắng.

Những đứa trẻ này lớn lên khó thành công, cũng khó mong trẻ hiếu thuận với cha mẹ, ông bà.

Theo PNVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC