Tâm trí bất an của cha mẹ dễ dàng dẫn đến việc trút giận lên con cái. Như hiệu ứng domino, kẹt tiền – căng thẳng – nạt con là một chuỗi hệ quả khá phổ biến trong các gia đình mùa dịch.
Yên tâm thu chi, giữ gìn hòa khí
Vì thế chương trình "Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" do nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Đại học Oxford, UNICEF, WHO, The Human Safety Net (THSN) của Generali… phối hợp xây dựng và triển khai đã đưa ra những lời khuyên và gợi ý về chủ đề quản lý tài chính gia đình. Theo đó, học cách quản lý tài chính gia đình hợp lý từ sớm không chỉ có ích trong việc ổn định kinh tế, mà còn giúp người lớn giảm thiểu căng thẳng đến từ những tình huống bất ngờ như tai nạn, dịch bệnh.
Một vài biện pháp bảo toàn "quỹ nhà" mùa dịch cơ bản: lên ngân sách rõ ràng và chỉ cho phép chi tiêu trong khoản tiền cố định này; phân nhóm ngân sách vào từng khoản chi, ví dụ khoản cho thực phẩm, khoản cho điện nước, khoản cho thuốc men… và xác định một khoản dành riêng cho tình huống bất trắc; tỉnh táo phân biệt giữa món "cần mua" và "muốn mua", tránh tâm lý mua gom gây lãng phí, lên danh sách những nguồn hỗ trợ nếu chẳng may lâm vào tình cảnh khó khăn.
"Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" đưa ra lời khuyên về quản lý tài chính gia đình hợp lý
Dạy con về tiền: lãi đơn lãi kép
Bên cạnh việc học cách quản lý thu chi, cha mẹ cũng có thể nhân cơ hội này dạy cho con trẻ về tiền. Được trang bị sớm những kiến thức về tiền và quản lý tài chính sẽ giúp trẻ phân biệt được những nhu cầu cơ bản, tối thiểu (cần) và những nhu cầu nâng cao (muốn), hiểu hơn về giá trị của tiền và lao động, biết cách lập kế hoạch, tiết kiệm, chi tiêu, và cả việc biết cho đi… Trẻ sẽ hạn chế những đòi hỏi không thiết yếu, san sẻ khó khăn và giúp cha mẹ giảm tải căng thẳng trong bài toán thu chi. Các bậc phụ huynh có thể tiếp nối các bài học liên quan đến tiền khác như tiết kiệm điện nước, giữ gìn quần áo đồ đạc, trân trọng thực phẩm, giúp đỡ người khác…
Mặc dù nhiều cha mẹ nghĩ rằng con chưa đủ lớn để học về tiền, nhưng trên thực tế, trẻ rất tò mò với những tờ xanh xanh đỏ đỏ có thể "đổi" được món đồ chơi, vé vào công viên hay đĩa gà rán… mà cha mẹ vẫn cất trong ví. Một khảo sát trên Forbes cho thấy 50% số trẻ em được hỏi đã bày tỏ mong muốn được cha mẹ dạy về tiền bạc.
Theo các chuyên gia của chương trình giáo dục cộng đồng "Sinh Con, Sinh Cha" thì bắt đầu từ 3 tuổi trẻ đã có thể học và hiểu về tiền cùng các chủ đề liên quan. Từ 0 đến 6 tuổi là thời kỳ ‘vàng’ trong tiến trình phát triển khi não bộ của trẻ phát triển và hoàn thiện tới 80% với tốc độ tiếp thu học hỏi nhanh gấp hàng trăm lần các giai đoạn sau đó. Giáo dục sớm cho trẻ, trong đó có giáo dục về tài chính, sẽ tác động tích cực đến sự phát triển về trí tuệ của trẻ, tạo nền tảng giúp trẻ thành công về sau này.
Chương trình "Sinh Con, Sinh Cha" của THSN Việt Nam đưa ra những thông điệp thiết thực, ý nghĩa về tiền cho con trẻ qua tiểu phẩm giáo dục rất được yêu thích
Chase Peckham, Giám đốc Trung tâm phổ cập tài chính San Diego cho biết ông giới thiệu với con về tiền từ lứa tuổi mẫu giáo, kể cả khi dùng thẻ tín dụng. "Tôi sẽ đưa biên lai cho bọn trẻ xem sau mỗi lần mua sắm để chúng biết số tiền đã chi cho từng món", theo Forbes. Hoặc theo quyển sách "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" của tác giả Sara Ima, trẻ em Do Thái được học cách phân biệt mệnh giá trên tiền giấy và tiền xu từ lúc lên 3. Đến khi 4 tuổi, trẻ đã hiểu số tiền đang có không thể mua tất cả mặt hàng nên phải có sự lựa chọn.
Trong giai đoạn giãn cách, con trẻ bị hạn chế hoạt động ngoài trời, nếu được cùng cha mẹ "tìm hiểu" một lĩnh vực mới trẻ sẽ rất hứng thú và tạm quên sự bí bách. Đây chính là một khoảng thời gian chất lượng cho con, vừa giúp cả nhà giảm căng thẳng, vừa thêm gắn kết.
"Quản lý tài chính gia đình hợp lý" là một chủ đề thuộc bộ nội dung "Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" hướng đến các gia đình có con nhỏ trong bối cảnh Covid-19. Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên Generali Việt Nam tích cực chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng nuôi dạy trẻ trên các kênh trực tuyến.
Phụ huynh cũng có thể theo dõi trang Facebook The Human Safety Net Việt Nam (facebook.com/TheHumanSafetyNetVietnam) và nhóm cộng đồng làm cha mẹ "Sinh Con, Sinh Cha" để tham khảo thêm các kiến thức làm cha mẹ hữu ích.
Căng thẳng tài chính, dịch bệnh, cha mẹ dễ cáu giận với con cái – Làm sao để tránh? - Ảnh 3.
Các tình nguyện viên Generali tham gia xây dựng và lan tỏa các nội dung "Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" trực tuyến trong thời gian giãn cách
Ánh Dương
Nguồn: nhipsongkinhte.toquoc.vn