Sai lầm của cha mẹ Việt là luôn nghĩ: “Đời mình khổ ráng lo cho tụi nó sướng”.

Trước Tết, tôi gặp một người bạn Mỹ. Do thân thiết nên chúng tôi hay hỏi chuyện gia đình của nhau. Anh khoe con gái đầu mùa hè rồi đã tham gia các hoạt đông thiện nguyện và học thêm nhạc, thể thao. Ngoài ra, cháu kiếm được hơn hai trăm đôla nhờ việc nhặt bóng và làm trọng tài tại câu lạc bộ thể thao của địa phương.

Con gái anh năm nay hơn 11 tuổi. Tiền cô bé kiếm được được cha mẹ cho thêm để mua một cây đàn Mandoline và một đôi giày thể thao mới. Anh khuyến khích con đi làm để cho thêm yêu lao động, biết quý trọng đồng tiền và có thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là giao tiếp. Đó đều là điều rất cần thiết khi bé lớn lên.

Tại các quốc gia phát triển, trẻ em trong độ tuổi đến trường đi làm thêm vào thời gian rảnh không hiếm. Con gái 15 tuổi của cựu tổng thống Mỹ Obama đi làm thêm tại một nhà hàng hải sản khi cha cô còn đương nhiệm.

Nếu ai đã từng sang Singapore sẽ thấy học sinh cấp hai, cấp ba soát vé hoặc tham gia hướng dẫn, điều hành các trò chơi tại Thảo cầm viên hoặc vườn chim Jurong… dưới sự giám sát của người lớn vào các ngày cuối tuần.

42 1 Cha Me Viet Nen Day Con Ra Duong Lam Them Tu Luc Con Di Hoc

Lúc là sinh viên thực tập tại một khách sạn năm sao tại trung tâm Sài Gòn, tôi gặp một anh bạn sinh viên người Hàn Quốc, 18 tuổi sống cùng cha mẹ tại Việt Nam. Anh là con một chủ doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Cuối tuần, anh vẫn vào khách sạn làm nhân viên phục vụ bàn vì cha mẹ anh yêu cầu. Anh vừa học được tiếng Việt, tiếng Anh lại biết được cách ăn cách uống cho đúng điệu.

Tại Việt Nam, các nhà tuyển dụng thấy nhan nhản các ứng viên có bằng đại học, thậm chí thạc sĩ, chưa có kinh nghiệm làm việc.

Nhưng họ luôn đòi hỏi mức lương của một chuyên gia cao cấp. Đây là một thực trạng đáng báo động khi người trẻ được đào tạo qua trường lớp, lại lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành nghề không cần kỹ năng.

Theo tôi chúng ta cần phải nghiên cứu, học tập các mô hình giáo dục của các quốc gia tiên tiến. Cần đưa trẻ em được tiếp cận với môi trường lao động thực tế của xã hội khi còn đi học. Từ đó, các em định hình được đam mê và sở thích để không bị sai lầm khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nhà trường và doanh nghiệp có thể kết hợp đào tạo thế hệ trẻ.

Một phần cũng rất quan trọng đó là yếu tố gia đình. Cha mẹ người Việt rất yêu thương và chiều chuộng con cái vì cái tâm lý: “Đời mình khổ ráng lo cho tụi nó sướng”. Điều này dẫn đến một thế hệ sống phụ thuộc và ỷ lại cha mẹ.

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước.

Giáo dục đóng một phần quan trọng trong việc tạo ra một thế hệ năng động, tài năng và đam mê lao động. Đây là một nhiệm vụ cần phải có sự tham gia của ba thành phần: Gia đình, nhà trường và xã hội. Hãy vì thế hệ trẻ, hãy vì tương lai Việt Nam.

 

Henry Nguyễn

VnExpress

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC