Trẻ em cảm thấy an toàn khi thế giới của chúng có thể đoán trước được.

1 Lam Ngay Nhung Dieu Nay De Day Con Ky Nang Thich Nghi Voi Thay Doi

Cha mẹ cần tích cực tương tác với con khi chúng cảm thấy sợ hãi. Ảnh minh họa: ITN.

Tuy nhiên, mọi thứ trong cuộc sống đều có xu hướng thay đổi liên tục hoặc trở nên khó lường. Điều quan trọng là cha mẹ cần giúp trẻ biết cách thích nghi với sự thay đổi.

Lý do sợ thay đổi

Thay đổi và sự không chắc chắn là một phần bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ xử lý những trạng thái thay đổi này tốt hơn những bạn cùng lứa khác. Một số sẽ đón nhận những thay đổi với sự phấn khích và can đảm. Trong khi đó, những trẻ khác sẽ trở nên lo lắng hoặc tê liệt vì sợ hãi.

Khi những nỗi sợ hãi này nổi lên, việc cha mẹ muốn an ủi và động viên là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy khó nắm bắt được cách giải quyết nỗi sợ hãi của con mình theo những cách lành mạnh và hiệu quả. Đặc biệt là vì nỗi sợ thay đổi không thực sự là một điều gì đó cụ thể như sợ nhện hay cơn bão.

Kết quả là, có thể cha mẹ cảm thấy khó khăn để biết bắt đầu từ đâu. Các chuyên gia đã chia sẻ những điều cha mẹ cần biết về nỗi sợ thay đổi và những gì phụ huynh có thể làm để giúp con mình đối phó với tâm trạng đó.

Bên cạnh đó, sợ hãi là một phần bình thường của quá trình trưởng thành. Trên thực tế, không có gì lạ khi trẻ em và thanh thiếu niên trải qua nhiều nỗi sợ hãi khác nhau. Từ sợ nước đến tin chắc rằng có thứ gì đó dưới gầm giường, không thiếu những thứ mà trẻ có thể sợ. Ngay cả nỗi sợ hãi về sự thay đổi cũng có thể gây khó khăn cho trẻ.

Bà Teresa Smith – Cố vấn, chuyên gia và cựu giáo viên tiểu học ở Trung tâm Ohio (Mỹ), cho biết, thông thường, trẻ em sợ thay đổi vì chúng lo ngại điều gì có thể xảy ra. Trẻ cũng có thể sợ mình sẽ thất bại hoặc mất gì trong quá trình đó. Thêm vào đó, sự thay đổi có thể khiến trẻ cảm thấy cuộc sống của chúng mất kiểm soát và thiếu khả năng dự đoán.

Do đó, khi cảm thấy mình không có đủ thông tin để đưa ra dự đoán chính xác về những gì sẽ xảy ra, trẻ có thể bắt đầu trở nên lo lắng hoặc sợ hãi. Tương tự như vậy, trẻ cũng sợ hãi do cảm giác không thể kiểm soát được môi trường hoặc hoàn cảnh của mình.

Cuộc sống của trẻ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi mọi thứ ổn định và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, khi mọi thứ đang thay đổi, chẳng hạn như bắt đầu chuyển tới trường học mới, có một gia đình hòa hợp mới hoặc thậm chí bắt đầu hòa nhập xã hội trở lại khi các hạn chế về Covid-19 được nới lỏng, điều này có thể khiến trẻ trở nên sợ hãi. Bởi, khi đó, trẻ cảm thấy mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân.

Bà Kristin Rinehart - Giám đốc Dịch vụ sức khỏe hành vi tại Trung tâm Y tế Thung lũng Muskingum và chủ sở hữu của tổ chức trị liệu tâm lý Change Minds, giải thích: “Bất kỳ trải nghiệm mới nào cũng có khả năng mang lại nỗi sợ hãi. Trẻ em bắt đầu cân nhắc những gì có thể xảy ra. Ngoài ra, nỗi sợ thay đổi có thể dẫn đến suy nghĩ ‘điều gì sẽ xảy ra nếu’. Từ đó, khiến chúng có thể nghĩ sai về mọi thứ”.

2 Lam Ngay Nhung Dieu Nay De Day Con Ky Nang Thich Nghi Voi Thay Doi

Đôi khi nỗi sợ thay đổi có thể biến thành một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ảnh minh họa: ITN.

Tích cực tương tác

Mọi thứ trong cuộc sống đều có xu hướng thay đổi liên tục, đặc biệt kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mặc dù thay đổi là một phần bình thường của cuộc sống, nhưng có thể trẻ thường cảm thấy khó khăn để vượt qua sự không chắc chắn đó. Vì lý do này, cha mẹ cần tích cực tương tác với con khi chúng cảm thấy sợ hãi, và xem đây là cơ hội để phụ huynh có được sự tin tưởng của con.

Nếu hỗ trợ con trong tình huống này, nhiều khả năng là trẻ sẽ quay lại nhờ cha mẹ giúp đỡ khi có vấn đề khác phát sinh.

“Cách cha mẹ đồng hành hoặc tham gia vào quá trình này với con họ là chìa khóa thành công. Nếu các phụ huynh muốn con mình gần gũi hơn trong những năm chúng ở độ tuổi đại học và cả sau đó, thì tốt nhất là nên tương tác với trẻ vào những thời điểm chúng ở tuổi thiếu niên”, chuyên gia Smith cho biết.

Xác thực cảm xúc

Có vẻ như thật đáng lo ngại khi trẻ rất lo lắng về những thay đổi sắp xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải giữ bình tĩnh và trấn an con mình. Hãy chắc chắn rằng, trẻ biết là cha mẹ hiểu cảm giác và ủng hộ con. Phụ huynh hãy chống lại cảm giác thiếu an toàn của trẻ hoặc nói những câu như: “Đó không phải là vấn đề lớn”.

“Hãy coi trọng con mình và những gì trẻ nói. Hãy ở bên trẻ. Điều đó có nghĩa là bước vào thế giới sợ hãi của con và khiến trẻ nói về nó. Hãy tìm cách hiểu và nghe càng nhiều càng tốt”, bà Smith gợi ý.

3 Lam Ngay Nhung Dieu Nay De Day Con Ky Nang Thich Nghi Voi Thay Doi

Phụ huynh không nên to tiếng khi con mình đang sợ hãi. Ảnh minh họa: ITN.

Lên kế hoạch

Khi trẻ sợ thay đổi, cha mẹ hãy dạy chúng tập trung vào những điều tốt đẹp có thể xảy ra chứ không phải những điều tồi tệ trong tương lai. Khuyến khích trẻ viết ra và thực sự nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp có được từ sự thay đổi. Cách làm như vậy sẽ dạy trẻ tập trung vào những mặt tích cực và đón nhận sự thay đổi thay vì sợ hãi.

Chuyên gia Smith chia sẻ, cha mẹ không nên cố gắng khắc phục tình hình để trẻ nhanh chóng vượt qua. Đồng thời, phụ huynh cũng không nên to tiếng với trẻ. Thay vào đó, điều quan trọng là cha mẹ cần kiên nhẫn.

“Hãy khuyến khích trẻ trong suốt quá trình thay đổi và để chúng lập kế hoạch về cách muốn đối phó với sự thay đổi. Tùy thuộc vào kinh nghiệm, phụ huynh có thể muốn hỏi con những câu như: ‘Mẹ có thể làm gì cho con? Làm cách nào mẹ có thể hỗ trợ và giúp đỡ con tốt nhất?’. Dù sao đi nữa, đừng làm to chuyện”, bà Smith nhấn mạnh.

Đồng hành bên trẻ

Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ đó là, sự tiếp xúc liên kết rất quan trọng. Phụ huynh hãy chú trọng tới điều đó. Cha mẹ có thể ôm, hoặc chạm vào tay con và cho trẻ biết rằng, cha mẹ tin tưởng, luôn ở bên con.

Bà Rinehart cho biết: “Điều quan trọng là cha mẹ phải nhớ rằng, trẻ em theo dõi phản ứng của phụ huynh. Hãy ủng hộ, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm. Các cha mẹ cũng có thể nói chuyện với con mình về nỗi sợ hãi của trẻ. Đồng thời, đưa ra các cơ chế đối phó như bài tập thở, chánh niệm và tự nói chuyện tích cực. Hãy nhắc nhở trẻ rằng, cha mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ”.

Nhận biết thời điểm

Đôi khi nỗi sợ thay đổi có thể biến thành một vấn đề nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Trong những trường hợp này, điều quan trọng là cha mẹ phải theo dõi con mình. Từ đó, phát hiện những dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp khó khăn hoặc không vượt qua nỗi sợ hãi một cách lành mạnh.

“Nếu con khó ngủ, không muốn làm những việc chúng thường thích, hay bám víu và các biện pháp can thiệp thông thường không hiệu quả, cha mẹ có thể muốn nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hoặc, phụ huynh có thể yêu cầu giới thiệu đến chuyên gia sức khỏe tâm thần”, chuyên gia

Rinehart gợi ý. Các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, tim đập nhanh và khó thở cũng có thể là những dấu hiệu cho thấy cha mẹ nên nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Dạy trẻ chấp nhận sự thay đổi bao gồm việc giúp chúng chấp nhận một quan điểm mới về sự thay đổi và tiếp cận nó với sự tự tin cũng như can đảm. Đứa trẻ có thể lớn lên thành một thanh niên biết chấp nhận rằng, sự thay đổi đó là một phần bình thường của cuộc sống. Khi đó, trẻ có thể sẵn sàng chào đón sự thay đổi. Đây cũng là cách giúp trẻ bước trên đường hướng tới một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn.

Một trong những cách hiệu quả để dạy trẻ sức mạnh tinh thần là cha mẹ thể hiện những phẩm chất này trong cuộc sống. Trẻ học cách phản ứng trong các tình huống khác nhau bằng cách quan sát cha mẹ. Vì vậy, phụ huynh hãy cố gắng nhận thức được sự mạnh mẽ về tinh thần của bản thân và nỗ lực cải thiện ở những lĩnh vực cần thiết.

Theo Very well family

Theo Giáo dục và thời đại 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC