Cha mẹ luôn giữ trong mình trạng thái tiêu cực không thể nuôi dạy con cái hạnh phúc.

Phương pháp giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng phần lớn đến cuộc đời và tính cách của một đứa trẻ. Mỗi gia đình có một phương pháp và quan điểm giáo dục khác nhau, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều thừa nhận họ đã học được rất nhiều điều từ khi có con.

Bố mẹ nào cũng mong cho con mình những điều tốt đẹp nhất, mỗi đứa trẻ lại là một cá thể riêng biệt. Để đưa ra được phương pháp đúng đắn và hiệu quả cần thời gian quan sát, thấu hiểu tính cách của các em bé. Dưới đây là 3 kiểu cha mẹ dễ khiến con cái cảm thấy luôn tự ti, chán nản:

1. Cha mẹ luôn mang trong mình cảm xúc tiêu cực

Khi chính cha mẹ không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, họ sẽ dễ truyền lại năng lượng tiêu cực đó cho mọi người, đặc biệt là con cái. Nếu như bạn có gương mặt rạng rỡ và trái tim rộng mở thì con trẻ, bạn đời, gia đình, bạn bè cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Cảm xúc có thể truyền từ người này sang người khác. Những bậc phụ huynh buồn chán sẽ truyền cảm xúc u sầu đến con cái của mình.

1 Nhung Dua Tre Tu Ti De Chan Nan Tieu Cuc Thuong Duoc Nuoi Day Boi 3 Kieu Cha Me Nay

Khi bản thân cảm thấy vui vẻ thì mới truyền được năng lượng tích cực đến con cái, và để làm được điều đó, bố mẹ nên sống cân đối, hợp lý, đừng quá đặt kỳ vọng hay gây áp lực cho con. Để con được sống trong tình yêu thương và sự tự do chính là điều tuyệt nhất mà một đứa trẻ mong muốn được nhận.

Những ông bố bà mẹ luôn mang trong mình cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, hành động và trong mọi việc họ làm. Họ luôn cảm thấy lo ngại, sợ hãi, thứ cảm xúc ấy sẽ làm mất đi sự vui vẻ, hạnh phúc cho chính bản thân và mọi người xung quanh.

2. Cha mẹ không quan tâm đến con cái

Dành thời gian cho trẻ khác với việc ngồi cạnh con nhưng mắt hướng về tivi, tay bấm điện thoại hay làm việc. Có bao giờ bạn đồng ý chơi cùng con nhưng không chú tâm, thậm chí còn lơ là những điều trẻ nói. Trong khi con rất mong muốn được chơi cùng bố mẹ thì phụ huynh đôi lúc lại làm tổn thương tâm hồn trẻ.

Khi trẻ càng lớn, thời gian chúng dành cho gia đình sẽ càng ít. Bởi ngoài bố mẹ, con còn nhiều mối bận tâm như học hành, bạn bè, thầy cô và những thú vui khác. Khi ấy, sự lơ là của cha mẹ chính là cách nhanh nhất để đẩy con cái xa rời vòng tay của mình. Thế nên điều cha mẹ cần làm là luôn dành sự quan tâm, yêu thương đúng mực dành cho con.

Nếu không quan tâm đến con cái, cha mẹ dễ bỏ qua những chuyện mà con đã gặp phải. Đó có thể là thành tích học tập chưa tốt, bị bạn bè bắt nạt, gặp phải chuyện buồn trong lớp... mà không được giải quyết một cách kịp thời. Về lâu về dài, chúng cảm thấy việc tâm sự, chia sẻ với bố mẹ là không cần thiết. Và sau này, những đứa trẻ ấy dễ cảm thấy tự ti, dễ chán nản, ngại bộc lộ cảm xúc.

3. Cha mẹ phủ nhận mọi nỗ lực của con

Không ai thích bị cha mẹ la mắng và đổ lỗi mọi lúc. Trẻ càng được khen thì càng tiến bộ, càng bị chê thì càng sa sút. Cha mẹ nên tìm hiểu thêm về những ưu điểm của con mình, hạn chế tập trung vào những khuyết điểm nhỏ.

Cha mẹ không nên lúc nào cũng chú trọng vào điểm số mà hãy tập trung vào quá trình hơn là kết quả. Bởi vì tiềm năng phát triển của trẻ còn rất lớn, nên một bước lùi tạm thời không có nghĩa là một bước lùi trong tương lai.

Để nuôi dưỡng lòng tự tin và sự tích cực từ con, cha mẹ nên khen ngợi, động viên, cho con cảm thấy thoải mái và hạnh phúc ngay trong chính gia đình mình trước. Từ đó, trẻ mới có thể phát triển, bộc lộ năng khiếu của mình trước những người xung quanh. Việc phủ nhận mọi nỗ lực của con cái sẽ khiến bé buồn lòng, không muốn tiếp tục cố gắng.

Theo Tổ Quốc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC