Một số cha mẹ tin vào sự nghiêm khắc, trong khi những người khác lại khoan dung. Nhiều người thắc mắc làm thế nào để tìm được sự cân bằng phù hợp.

Margot Machol Bisnow là một nhà văn, một bà mẹ và chuyên gia nuôi dạy con cái người Mỹ. Bà đã có 20 năm kinh nghiệm công tác trong chính phủ với vai trò là Ủy viên Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ và thành viên chủ chốt của Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ.

Bà cũng là tác giả của cuốn sách Raising an Entrepreneur: How to Help Your Children Achieve Their Dream (Tạm dịch: Nuôi dạy doanh nhân: Cách giúp con bạn đạt được ước mơ). Những kinh nghiệm đúc rút từ các cuộc phỏng vấn 70 cặp cha mẹ đã được bà ghi lại trong chính cuốn sách này.

Bà cho biết: " Trong cuốn sách của mình, tôi đã phỏng vấn 70 bậc cha mẹ nuôi dạy những người con trưởng thành thành công và giúp con mình đạt được ước mơ.

Đó là một nhóm cực kỳ đa dạng - thuộc các chủng tộc, tôn giáo, thu nhập, cơ cấu gia đình và trình độ học vấn khác nhau. Nhưng khi nói chuyện với từng người, tôi phát hiện ra một chủ đề chung: "Nuôi dạy con cái một cách tôn trọng".

Nuôi dạy con cái một cách tôn trọng là gì?

Nuôi dạy con một cách tôn trọng, đôi khi được gọi là "nuôi dạy con khôn ngoan", theo bà Margot Machol Bisnow, bao gồm việc đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc nghiêm ngặt (Ví dụ: chỉ tiêu số tiền có được) đồng thời tôn trọng lựa chọn của trẻ (Ví dụ: để chúng tự lựa chọn các hoạt động sau giờ học).

Nữ nhà văn cho biết: "Khi tôi nói với mọi người về lợi ích của việc nuôi dạy con cái một cách tôn trọng, họ thấy điều đó thật đáng ngạc nhiên và đi ngược lẽ thường. Tại sao cha mẹ lại để con trẻ tự lựa chọn? Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn can thiệp trước khi con làm điều gì đó không phù hợp. Nhưng có những bậc cha mẹ tôn trọng tính cá nhân và không cố gắng ra lệnh cho con khi chúng tò mò về điều gì hoặc cách chúng thể hiện bản thân".

1 Phong Van 70 Cap Cha Me Chuyen Gia Phat Hien Day La Cach Day Con Hieu Qua Nhat

Các phong cách nuôi dạy con phổ biến như dễ dãi, chiều chuộng trẻ quá mức hay độc đoán là kiểu giao tiếp là một chiều mà ít quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của trẻ. Ngược lại, nuôi dạy con tôn trọng là coi trẻ là những sinh vật độc lập, lý trí.

Trong cuốn sách "Grit", nhà tâm lý học nổi tiếng Angela Duckworth đồng ý rằng đây là cách tốt nhất để nuôi dạy trẻ: "Cha mẹ biết tôn trọng là người nắm bắt chính xác nhu cầu tâm lý của trẻ. Họ đánh giá cao rằng trẻ em cần tình yêu, giới hạn và sự tự do để phát huy hết tiềm năng của mình. Quyền lực của họ dựa trên kiến thức và trí tuệ, chứ không phải quyền lực". 

3 yếu tố của việc nuôi dạy con cái tôn trọng

1. Trao quyền và tin tưởng

Hãy để trẻ tự đưa ra lựa chọn miễn không đi quá giới hạn. Hướng dẫn con cách mọi việc có thể được thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên bày tỏ sự tin tưởng con sẽ làm được mọi việc, ngay cả khi khó khăn.

Thomas Vu lớn lên với những quy tắc nghiêm ngặt và nhiều khuôn khổ, nhưng cha mẹ anh đã cho con hoàn toàn tự do để theo đuổi mục tiêu của mình.

"Tôi được kỳ vọng sẽ đạt điểm A. Điều đó không hề dễ dàng, nhưng miễn là tôi làm được, mẹ đã cho tôi chơi tất cả các trò chơi điện tử mà tôi muốn. Từ quan điểm của tôi, đó là một cuộc "mua bán" công bằng", Thomas Vu nói với bà Margot Machol Bisnow

Khi đang học chuyên ngành Kỹ thuật sinh học, Thomas Vũ có cơ hội thực tập tại Electronic Arts, một nhà sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu. Cha mẹ anh không mấy vui mừng nhưng vẫn để con bỏ học giữa chừng và theo đuổi ước mơ tạo ra trò chơi điện tử. Sau đó, Thomas Vũ trở thành nhà sản xuất chính tại Riot Games cho Liên minh huyền thoại, hiện có 180 triệu người chơi.

2. Hỗ trợ

Hãy cho trẻ quyền nói lên quan điểm riêng của mình. Tôn trọng sự riêng tư của trẻ. Đừng liên tục sửa chữa hành động hoặc lời nói của con.

DA Wallach là một nhà đầu tư công nghệ thành công. Một trong những khoản đầu tư ban đầu của anh là Spotify. Khi Wallach lên 8 tuổi, thấy con bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư nên người mẹ đã cho một số tiền và mở một tài khoản cho con. DA Wallach đã dành hàng giờ để nghiên cứu các công ty. Người mẹ đưa ra ý kiến nhưng anh sẽ phải quyết định đầu tư vào đâu.

Wallach đã mất gần hết số tiền trong vòng sáu năm, nhưng mẹ nói với anh rằng thua lỗ là một phần của quá trình học hỏi.

Không phải ai cũng có điều kiện cho con mình tiền để học đầu tư. Nhưng mẹ của Wallach đã nuôi dưỡng tài năng của con theo những cách khác mà không tốn tiền: Phân tích, thảo luận và tranh luận về các lựa chọn, đối xử với con như một người trưởng thành và không tuyệt vọng trước thất bại.

3. Lòng nhân ái

Hãy cho trẻ biết con có thể nhờ bạn giúp đỡ. Dành thời gian chất lượng với con. Cùng nhau tham gia các hoạt động nhân ái.

Breegan Jane là nhà thiết kế nội thất và là người dẫn chương trình "Extreme Makeover". Cô cũng là một nhà từ thiện và phục vụ trong Hội đồng quản trị của Single Moms Planet. Cha mẹ cô đã dạy con về lòng nhân ái và chỉ cho con cách xử lý nghịch cảnh bằng sự kiên cường và sáng tạo.

"Khi chúng tôi lần đầu tiên đi giúp đỡ người khác, tôi mới 11 tuổi. Chúng tôi đã phát quần áo cho người dân ở một thị trấn ở Mexico, nơi không có nhiều nước sạch", cô kể. "Tôi bị sốc vì thấy được thế nào là sự nghèo đói".

Bây giờ Breegan đã là một người mẹ, cô đánh giá cao tầm quan trọng của việc dạy trẻ biết ơn. Cô và hai con trai thường xuyên cùng nhau tham gia tình nguyện tại các chương trình hỗ trợ lương thực.

Cô nói: "Bây giờ tôi nhận ra rằng hầu hết các bậc cha mẹ không để con mình tiếp xúc với những thực tế đáng buồn, nhưng tôi đã làm điều đó bằng cách ôm lấy những nỗi đau với rất nhiều hy vọng".

Theo Phụ nữ Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC