Năm học 2021 - 2022 được xem là một năm học với khởi đầu đầy khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Nhiều giáo viên cũng thừa nhận rằng việc dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường.
Đến nay, ngành giáo dục đã xác định, dạy học trực tuyến trở thành việc lâu dài vừa để thích ứng vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển. Trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp, việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ, bổ sung rất tốt.
Thực tế, việc triển khai dạy trực tuyến với học sinh lớp 1 gặp nhiều khó khăn. Có con học tại một trường ngoài công lập trên địa bàn quận Hà Đông, anh Hoàng Tiến Bình thở dài ngao ngán khi mỗi ngày được vợ giao nhiệm vụ học cùng con.
“Con trai tôi rất hiếu động. Học online khi vào lớp 1 là điều quá mới mẻ với con. Tôi thực sự rất đau đầu khi đang học thì con đòi ra xem ti vi, đòi ăn bánh, đòi đi vệ sinh, đòi chơi đồ chơi... thậm chí đòi đi ngủ. Để vỗ về con tôi đành để thằng bé một tay cầm bút, một tay cầm ô tô.
Vợ tôi vẫn phải đến công ty làm việc nên vợ giao cho tôi vừa làm việc ở nhà vừa phải kèm cho con học. Thực sự mỗi ngày học cùng con tôi rất áp lực nhất là việc thằng bé không chịu tập trung”, anh Bình chia sẻ.
Không chỉ anh Bình mà còn rất nhiều phụ huynh khác cũng gặp tình trạng tương tự khi con học online nhưng lại không tập trung khiến việc học kém hiệu quả.
Ảnh minh họa
Chia sẻ về bí quyết duy trì sự hứng thú, sự tập trung cho con trong khi học tập trực tuyến, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Để con có thể học trực tuyến một cách tập trung, không sao nhãng cha mẹ cũng cần tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc tôn trọng trật tự khi con học.
Nó có thể là một không gian hẹp nhưng phải yên tĩnh, được thu xếp gọn gàng, đầy đủ đồ dùng học tập để với lấy dễ dàng. Tất cả những đồ vật như ti vi, đồ chơi cần loại bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh nên học cùng con để điều hướng các thiết bị công nghệ, nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời cho con”.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng lưu ý rằng, các bậc phụ huynh cũng nên cho con ăn mặc nghiêm túc như ngày đi học thường ngày để trẻ có tâm thế học tập, tránh việc để bé có cả giác hôm nay thứ 7 mà vẫn phải học sẽ có tâm trạng uể oải.
Ngoài ra, cha mẹ có thể làm các lời nhắc nhở dễ thương để dán trên màn hình máy tính ngay trước mặt con.
“Nếu trẻ hiếu động đòi đồ chơi bố mẹ có thể đưa cho con quả bóng stress để bóp vặn nó khi lo lắng sẽ khiến con kiểm soát hành vi tốt hơn và ngồi yên tại chỗ.
Một điều quan trọng là bố mẹ cần hạn chế lại thời gian sử dụng màn hình của con trong các hoạt động hàng ngày để tổng thời gian sử dụng màn hình trong ngày không làm con quá tải, hạn chế tối đa việc màn hình máy tính ảnh hưởng đến thị lực của con.
Đặc biệt, đối với trẻ lớp 1 cần một người chỉ dẫn mà con cảm thấy thân thiết, vì vậy cha mẹ nên là người hỗ trợ hướng dẫn các con thay vì để trẻ loay hoay 1 mình với nhiều thao tác vừa viết, vừa lắng nghe, vừa điều khiển chuột, vừa xin phát biểu ý kiến”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Ngoài ra, để giúp học sinh học trực tuyến hiệu quả, bản thân giáo viên cũng dành tuần đầu tiên để thiết lập mối quan hệ với trẻ cũng như phụ huynh và thống nhất về nội quy lớp học.
Giáo viên có thể vận dụng linh hoạt sự sáng tạo của mình để chuyển từ hoạt động học tập này sang hoạt động học tập khác mà vẫn giữ được sự kết nối với học sinh, trên tiêu chí phải luôn thu hút sự chú ý của trẻ khi bắt đầu buổi học bằng một điều gì đó trẻ yêu thích như những lời chào sáng tạo trước khi vào bài học.
Các hoạt động thể chất xen giữa các tiết học là điều rất cần thiết để trẻ thư giãn giữa các bài học cũng như phát triển các kỹ năng vận động và phối hợp tay mắt. Điều tối kỵ cần tránh việc vô tình tạo áp lực thời gian cho học sinh khiến hứng thú học tập của các em bị triệt tiêu.
Để kích thích tinh thần học tập của học sinh, người thầy cũng cần lên phương án với hình thức khen thưởng, ghi nhận sự nỗ lực của trẻ và thống nhất với phụ huynh về việc quy đổi các thành tích của trẻ thành các phần thưởng hữu hình.
Cùng với đó, giáo viên cần chủ động trao đổi với phụ huynh thông qua các kênh liên lạc, chia sẻ các nguồn học liệu số, gợi ý vận động hoặc cung cấp các “mẹo” giúp phụ huynh quản lý hành vi và phát triển năng lực của trẻ.
Hoàng Thanh
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn