Sau lần tranh luận gay gắt về việc học chểnh mảng với kết quả thi thử đại học của con gái lớn rất tệ, ông Tuân không ngủ nổi. 2 giờ sáng, ông quyết định ngồi viết "tâm thư" gửi con, bày tỏ nỗi lòng.

Mới đây, hình ảnh về một bức thư với những dòng chữ nắn nót của người cha gửi con gái đang ôn thi đại học được chia sẻ trên mạng xã hội đã bất ngờ thu hút nhiều sự chú ý. Chỉ sau vài giờ đăng tải, bài viết đã nhận về hàng chục nghìn tương tác và chia sẻ khắp các diễn đàn mạng.

Cụ thể nội dung bức thư như sau:

"Con yêu mến!

Đến giờ này, thời gian này bố con mình không thể ngồi nói chuyện để phân tích đúng sai được nữa bởi thời gian không còn là mấy. Hai là động nói là bố bực mình và mắng mỏ con!

Xong thực lòng bố mẹ quá lo cho con, nếu bố có thể học thay cho con chắc bố cũng thức đêm cố gắng. Bởi con biết không, với gia đình mình được như hôm nay tuy nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn lại cũng đáng tự hào chứ. Phải không con, mà nhiều người, nhiều gia đình mong muốn, các con cũng được mọi người coi trọng. Đó cũng phải kể đến sự cố gắng không mệt mỏi của bố, có những khó khăn, lo lắng, ngày đêm không ngủ bố không chia sẻ cùng ai được. Và con thấy đấy mọi cái cũng được đền đáp.

Còn về phần quan tâm tới gia đình cũng như các con, làm kinh tế xong chưa bao giờ các con phải vắng cha, các con được cha mẹ lo cho ăn học đầy đủ với những gì tốt nhất mà các bạn trang lứa con có được, được tham quan du lịch nhiều nơi mà không phải bạn nào cũng có được?

Chính sự quan tâm đó và các kỳ vọng, bố mẹ đặt vào cho các con quá nhiều cũng là gánh nặng cho các con. Xong cũng là niềm tự hào và vinh quang, là an ủi, niềm vui của bố mẹ.

Và sát thực nhất là tương lai của các con sau này để cả gia đình ta có thể ngẩng cao đầu tận hưởng niềm vui và hạnh phúc.

Cuộc đời bố giờ đây đã có quá nhiều thăng trầm, vui, buồn, có lúc tưởng không vượt qua nổi, nhưng vì các con, bố đã cố gắng. Giờ đây bố mong, "xin" các con hãy cố gắng hết sức mình, đó là "món quà lớn nhất" mà các con dành cho bố.

Phần bố cũng cố gắng hết mình cùng mẹ lo được những gì có thể. Từ trước đến nay bố luôn để không nợ ai, không xin ai, nay bố xin các con. Mong các con hiểu được những suy nghĩ của bố.

Cẩm Phả ngày 15/4/2010!".

Phía dưới bài viết, nhiều cư dân mạng cũng để lại bình luận bày tỏ sự xúc động, thấu hiểu đối với tâm tư, kỳ vọng của người cha về con gái mình, nhất là trong thời điểm ôn thi đại học đầy căng thẳng.

"Bố mẹ nào cũng kỳ vọng và tạo điều kiện tốt nhất để con học hành thành tài, đạt được kết quả như mong muốn", "Mình rất thích cách trao đổi của ông bố này, rất văn minh", "Đâu phải cứ đòn roi mới có tác dụng, bức thư của người bố tuy ngắn gọn nhưng nói đủ nỗi lòng để con gái có thể hiểu được mà thay đổi",....

1 Xuc Dong Tam Thu Luc 2h Sang Bo Viet Gui Con Gai Gay Bao MangBức thư người bố viết lúc 2 giờ sáng gửi con gái đang ôn thi đại học ở Quảng Ninh gây "bão" mạng (Ảnh: Bùi Huyền My).

Được biết, nhân vật chính trong bức thư trên là ông Bùi Minh Tuân (sống ở Cẩm Phả, Quảng Ninh và cô con gái lớn là Bùi Huyền My (SN 1992). Khi bức thư được chia sẻ và gây "bão" mạng, ông Tuân đã dành thời gian đọc, lắng nghe những ý kiến, bình luận của mọi người về cách răn dạy con của mình.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Tuân bày tỏ xúc động khi nhớ lại kỷ niệm của bản thân và con gái cách đây 12 năm với "bằng chứng" là bức "tâm thư" viết lúc 2 giờ sáng ngày 15/4/2010.

Ông Tuân cho biết, hai vợ chồng có 3 người con, hai con gái lớn và cậu con trai út. Mỗi người con đều có tính cách riêng, đặc biệt là khả năng nhận biết, nắm bắt kiến thức rất tốt.

Tuy nhiên, khi thấy con gái lớn chểnh mảng việc học với kết quả thi thử đại học rất tệ, ông rất buồn và bực. Sau màn tranh luận gay gắt không đạt hiệu quả, ông trằn trọc chẳng thể ngủ, quyết định viết "tâm thư" gửi con.

"Về học tập, các con tôi đều từng đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Tuy nhiên, vào những lúc quan trọng thì việc học lại chểnh mảng và mang tính chống đối. Tôi cũng dùng đủ các biện pháp nhưng vì tính nóng nảy nên khiến tình hình ngày càng tệ hơn. Lúc đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều.

Biết bố con không thể ngồi lại nói chuyện với nhau được nữa nên thay vì tâm sự, thủ thỉ, tôi chọn cách viết thư, mong con sẽ đọc không chỉ một lần mà nhiều lần nữa. Có vậy, con mới hiểu tâm tư của bố mẹ và nhận ra bản thân cần làm gì", ông Tuân kể lại.

2 Xuc Dong Tam Thu Luc 2h Sang Bo Viet Gui Con Gai Gay Bao Mang

Ảnh chụp gia đình ông Tuân cách đây 10 năm (Ảnh: Bùi Huyền My).

Sau bức "tâm thư" thức khuya viết gửi con gái, ông Tuân cũng dành thời gian nhìn nhận lại bản thân. Người đàn ông này thừa nhận đã phải thay đổi suy nghĩ và tiết chế tính tình hơn rất nhiều để có thể thấu hiểu và chia sẻ cùng các con.

"Vì có ba người con nên từ con gái lớn, tôi rút kinh nghiệm dần, không còn căng thẳng hay nóng giận mà mắng mỏ, chửi bới chúng nữa. Rảnh rỗi, tôi lại lấy sách giáo khoa của con ra đọc và nghiên cứu để nắm được kiến thức của thế hệ sau, từ đó đồng hành, giảng giải cho con các bài toán khó. Điều đó cũng khiến các con thấy tôn trọng bố hơn", ông bố ba con tiết lộ.

"Tuyệt chiêu" không đòn roi, dùng câu văn, nét chữ để dạy dỗ các con của ông Tuân đã mang lại tín hiệu tích cực khi sau đó, con gái lớn - Bùi Huyền My đã quyết tâm học hành chăm chỉ hơn.

Cô tốt nghiệp cấp 3 loại Giỏi và thi đỗ trường Đại học mà bản thân yêu thích. Sau đó, để theo đuổi giấc mơ du học, Huyền My chuyển sang hệ đại học liên kết Sunderland của Học viện Ngân hàng.

Chia sẻ về bức thư bố viết, Huyền My cho biết, ngày hôm sau đến lớp, cô mới phát hiện ra tờ giấy đặc biệt được kẹp gọn trong cuốn sách giáo khoa. "Khi ấy, mình mở lá thư bố viết ra đọc, từng dòng từng dòng chữ cứ khắc sâu vào trong tim mình. Mình đã khóc không thành tiếng và nhận ra bản thân phải mạnh mẽ hơn trước cuộc sống có quá nhiều khó khăn này", 9X nhớ lại.

3 Xuc Dong Tam Thu Luc 2h Sang Bo Viet Gui Con Gai Gay Bao Mang

Gia đình Huyền My hiện tại. Sự nghiêm khắc hài hòa với tâm lý thấu hiểu của bố mẹ giúp cô cùng hai em trưởng thành và nỗ lực hơn (Ảnh: Bùi Huyền My).

Cô gái trẻ cho hay, có một khoảng thời gian của năm cấp 3 mải chơi game khiến bố mẹ lo lắng. Nhất là khi nhận được điểm thi thử quá tệ, bố cô như "bùng nổ" cảm xúc về việc học không như mong đợi của con.

"Thực ra lúc đó, mình cảm giác là bố có chút bất lực khi phải dùng đến chiêu cuối cùng là đánh vào tâm lý mình. Trước đó, mình từng nghe bố chửi mắng và cả chịu đòn roi nhưng có lẽ, bố đã chọn được "một đòn chí mạng" để thay đổi suy nghĩ của mình. Sau lá thư ấy, mình nhận ra được sự kỳ vọng của bố mẹ dành cho mình nên đã phân bổ thời gian một cách hợp lý sao cho cân bằng giữa việc học và giải trí", Huyền My nói thêm.

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, cô gái quê Quảng Ninh tâm sự, bố tuy nóng tính nhưng rất tân tiến. Biết Huyền My muốn chơi game giải trí sau những giờ học căng thẳng, ông quyết định sắm một bộ máy vi tính "xịn sò" cho con thư giãn tinh thần. Ngoài ra, mỗi cuối tuần, vợ chồng ông Tuân lại đưa các con ra rạp xem phim, ăn kem,... và thoải mái chia sẻ những câu chuyện trong học tập, cuộc sống.

"Ở thị xã mình xưa chỉ có mỗi "rạp chiếu bóng công nhân" nhưng bố mẹ luôn tạo điều kiện để chị em mình có thể tiếp cận được kiến thức nhiều nhất có thể. Tuần nào không đi ra ngoài được thì mọi người sẽ quây quần ở phòng khách để chia sẻ câu chuyện của mình. Và mình thấy điều đặc biệt ở bố mình nhất, là ngoài mình ra, bố mẹ còn làm bạn với cả bạn bè của con. Vì đâu phải chuyện gì mình cũng có thể dễ dàng tâm sự với bố mẹ", Huyền My bộc bạch.

4 Xuc Dong Tam Thu Luc 2h Sang Bo Viet Gui Con Gai Gay Bao Mang

Huyền My và em gái lúc nhỏ luôn được bố mẹ quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để hài hòa giữa việc học và giải trí (Ảnh: Bùi Huyền My).

Nhờ sự quan tâm và có phần nghiêm khắc của bố mẹ mà ba chị em Huyền My đều nỗ lực chăm chỉ, đạt nhiều thành tích cao. Không chỉ Huyền My, em gái cô cũng từng đạt giải Nhì môn Văn cấp tỉnh năm lớp 9 nên được tuyển thẳng vào trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Thời điểm đó, 9X đang học đại học tại Hà Nội nên hai chị em nương tựa, hỗ trợ nhau khi sống xa nhà.

Sau này, cậu em trai út của Huyền My cũng được bố mẹ quan tâm, gần gũi và cởi mở hơn. Bởi vậy, chỉ trong vòng một tháng, từ lực học môn tiếng Anh bình thường với điểm thi thử được 4, cậu đã quyết tâm ôn luyện chăm chỉ, đạt 9 điểm tốt nghiệp và đại học khiến gia đình tự hào.

Huyền My bày tỏ thêm, cô cảm thấy rất biết ơn bố vì đã phần nào tạo áp lực để bản thân thay đổi, đạt được kết quả học tập đúng với sức lực và khả năng. 9X cho hay, bản thân không hoàn toàn đồng ý với quan niệm "chỉ cần con vui, mạnh khỏe và hạnh phúc là được".

"Với độ tuổi còn trẻ như mình ngày ấy, nếu bố mẹ "chỉ cần con vui" thì không biết hồi đó mình có thể cai được game không. Vì chơi game vui mà. Bởi vậy, mình nghĩ, trong thời đại bây giờ, vấn đề định hướng cho các con cũng vẫn rất quan trọng. Vì với suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, chúng chưa thể định hướng cho tương lai của mình. Bố mẹ muốn con học nhưng học để làm gì thì ít ai giải thích rõ cả.

Nhưng bố mẹ chỉ nên dừng lại ở định hướng chứ không phải ép buộc. Ví dụ, giải thích cho con rằng, nếu con học tốt thì sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc hơn,... Còn nếu con học không tốt thì phải tự phát huy những khả năng còn lại để tìm một công việc có thể nuôi sống bản thân cho dù nó có vất vả hay không", bà mẹ một con thổ lộ.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC