1. Thường xuyên rèn luyện trí não
Khi đến tuổi trưởng thành, bộ não đã xây dựng hàng triệu khả năng giúp bạn ghi nhớ và xử lý thông tin nhanh chóng, giải quyết các vấn đề quen thuộc và thực hiện nhiệm vụ theo thói quen. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ bám vào những “con đường mòn” như vậy, bộ não sẽ không nhận đủ kích thích để phát triển.
Khả năng ghi nhớ, giống như cơ bắp, đòi hỏi bạn phải lựa chọn hoặc thường xuyên rèn luyện hoặc để nó mất đi. Bạn càng thực hiện nhiều các bài tập cho trí não, bộ nhớ của bạn càng có khả năng ghi nhớ thông tin tốt hơn. Hiện nay, có nhiều ứng dụng, trò chơi giúp rèn luyện trí não, nhưng những hoạt động này chỉ giúp cải tiến ngắn hạn, không để lại tác dụng lâu dài.
Dưới đây là bốn yếu tố cần có trong bài học rèn luyện trí não.
– Kiến thức mới: Cho dù mất bao nhiêu thời gian để giải một bài Toán nhưng nếu bạn đã giỏi Toán từ đầu, đây sẽ là bài học không hiệu quả. Hoạt động học phải dựa vào những kiến thức mới, không nằm trong “vùng đã biết”. Để tăng cường trí não, bạn phải liên tục học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng mới.
– Tính thách thức: Các hoạt động rèn luyện trí não tốt nhất đòi hỏi sự quan tâm nhiệt tình và liên tục của bạn. Đó không chỉ là bài học gây hứng thú trong thời gian ngắn mà còn đòi hỏi sự nỗ lực liên tục, tinh thần cầu tiến ở người theo học. Ví dụ tập chơi đàn với những bản nhạc khó mà bạn không thể ghi nhớ.
– Có giá trị: Nhiều hoạt động có tính thách thức bị lãng quên vì không đem lại giá trị cho người học. Vì vậy, song hành cùng tính thách thức là yếu tố thiết thực, giá trị, điều này thúc đẩy người học luôn nỗ lực nhìn về thành quả.
– Tính xây dựng: Các hoạt động rèn luyện trí não không nhất thiết phải quá khó nhưng nên có tính xây dựng, tức là người học có thể tham gia từ cấp độ dễ đến khó, trau dồi từng bước một. Khi vượt qua cấp độ từng cảm thấy khó, đó sẽ là động lực để bạn tiếp tục học tập.
Tập chơi những bản nhạc khó có thể giúp bạn cải thiện trí nhớ. Ảnh: Helpguide.
2. Bài tập thể dục
Tập thể dục giúp tăng lượng oxy lên não, giảm các bệnh rối loạn dẫn đến mất trí nhớ như tiểu đường, tim mạch và kích thích sự kết nối của dây thần kinh. Bạn có thể tham khảo những bài tập thể dục tốt cho khả năng ghi nhớ như thể dục nhịp điệu, bài tập phối hợp tay và mắt.
3. Chế độ ngủ
Các nghiên cứu cho thấy giấc ngủ là hoạt động cần thiết để củng cố trí nhớ và việc tăng cường trí nhớ có thể được bộ não thực hiện khi chủ nhân chìm vào giấc ngủ sâu nhất có thể.
Vì vậy, hãy xây dựng lịch trình ngủ cố định bao gồm đi ngủ cùng một thời điểm buổi tối và thức dậy vào mỗi sáng. Cố gắng duy trì thói quen này ngay cả vào những ngày nghỉ hoặc dịp lễ.
Trước khi đi ngủ một tiếng, bạn nên tránh nhìn vào các thiết bị công nghệ vì ánh sáng xanh phát ra từ TV hay di động sẽ kích hoạt sự tỉnh táo, ức chế việc sản xuất hormone melatonin làm giảm thời gian và chất lượng ngủ. Bên cạnh đó, hãy cắt giảm lượng caffeine hoặc các chất kích thích dung nạp vào cơ thể mỗi ngày.
4. Dành thời gian cho bạn bè
Trên thực tế, các mối quan hệ kích thích sự phát triển của não bộ, tương tác người với người có thể làm tăng khả năng ghi nhớ của não. Trong nghiên cứu gần đây của trường Y tế công cộng Harvard (Mỹ), những người có cuộc sống xã hội năng động thường có tốc độ suy giảm trí nhớ chậm nhất.
Có nhiều cách để sử dụng yếu tố xã hội hóa nhằm tăng cường trí nhớ, bao gồm: tham gia tổ chức tình nguyện, câu lạc bộ, giữ liên lạc với những người bạn ít gặp. Và nếu không phải người hướng ngoại, bạn có thể nuôi động vật, đặc biệt là chó vì chó có tương tác với người rất tốt.
5. Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng hay những cảm xúc tiêu cực là kẻ thù của bộ nhớ. Theo thời gian, căng thẳng phát triển, có thể phá hủy các tế bào não, ảnh hưởng xấu đến hoạt động hình thức ký ức mới hoặc lưu giữ ký ức cũ. Căng thẳng quá lâu và nghiêm trọng có thể gây nên tình trạng mất trí nhớ.
Để quản lý căng thẳng, bạn có thể ghi nhớ một số phương pháp sau:
– Đặt kỳ vọng vào thực tế (và sẵn sàng nói không).
– Thể hiện cảm xúc thay vì dồn nén trong lòng.
– Thực hiện những quãng nghỉ trong ngày.
– Cân bằng giữa công việc và hoạt động giải trí.
– Tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm thay vì ôm đồm nhiều việc cùng lúc.
6. Cười
Trong cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”, nhà tâm lý học Daniel Goleman chỉ ra rằng tiếng cười có thể giúp mọi người suy nghĩ rộng hơn và phát triển khả năng tự do liên kết. Vì vậy, hãy tìm cách mang lại thật nhiều tiếng cười trong cuộc sống của bạn bằng những hoạt động sau:
– Cười chính mình: Thay vì quá nghiêm túc về bản thân, ở những phút giây lúng túng, bối rối hãy tự thưởng cho bản thân những tràng cười giòn giã.
– Khi nghe thấy tiếng cười, bạn hãy hướng về phía nó xuất hiện. Hầu hết mọi người đều rất vui khi chia sẻ điều gì đó hài hước bởi vì nó mang lại cho họ cơ hội giải tỏa căng thẳng hoặc thể hiện khiếu hài hước cá nhân. Khi bạn nghe thấy tiếng cười, hãy tìm kiếm nó và cố gắng tham gia.
– Dành thời gian cho những người luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng: Đây là những người có thể dễ dàng nở nụ cười tại các hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống. Niềm vui và tiếng cười của họ giống như virus dễ lây lan và giúp bạn suy nghĩ tích cực hơn.
– Tự động viên bản thân: Có nhiều cách tự động viên bản thân, không nhất thiết phải dùng lời nói. Bạn có thể đặt những món đồ chơi ở bàn làm việc, trên ôtô, đặt hình nền hài hước cho điện thoại hoặc treo ảnh gia đình, bạn bè.
– Trẻ em: Hãy dành thời gian bên trẻ em vì chúng là chuyên gia vui vẻ, sống thoải mái và thường xuyên nở nụ cười.
7. Chế độ ăn uống khoa học
Có thể bạn đã biết chế độ ăn kiêng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc, protein nạc hoặc chất béo tốt cho sức khỏe (như dầu ôliu, cá) mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Không chỉ vậy, nó có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của não bộ. Một số thực phẩm, chất dinh dưỡng sau đây bạn nên thêm vào chế độ ăn uống để tăng cường trí não, giảm nguy cơ mất trí nhớ:
– Omega-3: Axit béo omega-3 chứa trong các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá bơn, cá thu, cá trích, rất có lợi cho sức khỏe não bộ. Nếu không thích ăn hải sản, bạn có thể tìm kiếm omega-3 trong các sản phẩm bao gồm rong biển, quả óc chó, hạt lanh, dầu lanh, rau bina, bông cải xanh, hạt bí ngô và đậu nành.
– Hạn chế calo và chất béo bão hòa: Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa (từ sản phẩm thịt đỏ, sữa nguyên chất, bơ, phô mai, kem) làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ.
– Ăn nhiều trái cây và hoa quả: Trái cây và hoa quả, đặc biệt là những sản phẩm nhiều màu sắc, giúp chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào não khỏi bị hư hại.
– Uống trà xanh: Trà xanh chứa polyphenol, chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hoá, tăng cường trí nhớ và khả năng ghi nhớ.
8. Điều trị các vấn đề sức khỏe
Sự suy giảm trí nhớ có thể đến từ các vấn đề sức khỏe, không chỉ là bệnh liên quan đến ghi nhớ như Alzheimer. Những bệnh có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ, gây rối loạn tâm thần bao gồm: tim mạch, tiểu đường, mất cân bằng hormone hoặc một số thuốc như thuốc cảm, thuốc dị ứng, thuốc chống trầm cảm.
9. Luyện tập khả năng ghi nhớ
Để ghi nhớ tốt hơn, bạn có thể áp dụng những phương pháp sau:
– Hình ảnh trực quan: Khi cần ghi nhớ thông tin mới, hãy liên kết từ hoặc câu với hình ảnh trực quan.
– Từ viết tắt: Khi cần ghi nhớ thông tin dài, người học có xu hướng ghép các từ viết tắt thành một cụm từ dễ nhớ. Ví dụ, khi học về cách sắp xếp các tính từ trong câu tiếng Anh, người học thường ghi nhớ cụm từ OPSHACOM bao gồm OPinion (quan điểm), SHape (hình dạng), Age (tuổi tác), Color (màu sắc), Origin (nguồn gốc), Material (chất liệu).
– Chia nhỏ các đoạn: Đây là phương pháp ghi nhớ dãy số bằng cách chia thành các đoạn nhỏ hơn. Ví dụ, số điện thoại 10 chữ số 5558675309 thường được chia thành bộ ba số: 555-867-5309.
– Phương pháp định vị: Nếu muốn nhớ đường, bạn có thể định vị đường bằng các vật phẩm, cửa hiệu đáng nhớ. Ví dụ, khi muốn nhớ cửa hàng sách bạn hay mua, hãy nhớ đường đến đó bằng các cửa hàng nổi bật như quán đồ ăn nhanh, hiệu trà sữa. trên đường đi.
Tú Anh (Theo Help Guide)
Nguồn: VnExpress