Loại chất độc gây ung thư mà chúng ta đang nói đến chính là amiăng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, amiăng là một trong những chất gây ung thư nguy hiểm. Amiăng tưởng chừng chỉ là một loại chất hóa học xa vời nhưng thực ra chúng tồn tại ngay trong gia đình bạn, trong những món đồ quen thuộc.
Theo WHO, thuật ngữ "amiăng" dùng để chỉ một nhóm các khoáng chất nhóm serpentine hoặc nhóm amphibole dạng sợi có trong tự nhiên. Chúng có lợi thế chịu bền đặc biệt, dẫn nhiệt kém và độ kháng tương đối với tác động hóa chất.
Amiăng có thể xuất hiện trong bình giữ nhiệt, tuy nhiên chúng sẽ không gây hại nếu không bị phát tán ra ngoài.
Amiăng được chia làm 2 nhóm: Amiăng trắng và amiăng màu. Hiện nay, amiăng trắng là loại duy nhất đang được tiêu thụ trên thị trường. Còn các loại amiăng màu đều đã bị cấm sử dụng và không còn lưu hành khoảng 20 năm nay.
Amiăng gây ung thư cho con người như thế nào?
Theo WHO, khi bị phơi nhiễm với amiăng, con người có thể đối mặt với các loại bệnh ung thư nội tạng như: Ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng (xơ hóa phổi).
Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi amiăng phát tán trong môi trường.
Những người làm công việc trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà… là đối tượng dễ tiếp xúc với amiăng nhất.
Thống kê của WHO cho thấy, khoảng 125 triệu người trên thế giới bị phơi nhiễm với amiăng tại nơi làm việc.
Thống kê của WHO cho thấy, khoảng 125 triệu người trên thế giới bị phơi nhiễm với amiăng tại nơi làm việc. Theo ước tính của WHO, ít nhất 107.000 người chết hàng năm do ung thư phổi liên quan đến amiăng, ung thư trung biểu mô và bụi phổi amiăng do các phơi nhiễm nghề nghiệp. Thậm chí, có khoảng một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp được ước tính do amiăng gây nên.
Amiăng có thể được tìm thấy ở đâu trong gia đình?
Amiăng thực ra không phải thứ gì xa vời mà luôn xuất hiện xung quanh chúng ta. Theo WHO, amiăng có thể tìm thấy ở:
- Vật liệu xây dựng gia đình như: Amiăng đã được sử dụng trong hàng ngàn sản phẩm như tấm lợp nhà, ống dẫn nước, xi-măng, các vật liệu láng đường - nền nhà, đồ dùng cách nhiệt và cách điện, bể nước, mái chống cháy...
Amiăng đã được sử dụng trong hàng ngàn sản phẩm như tấm lợp nhà, ống dẫn nước, xi-măng, gạch lát sàn nhà...
- Chăn chữa cháy và các vật liệu cách nhiệt cũng như ly hợp và má phanh, gioăng và đệm của ô tô.
- Các ngành công nghiệp hàng không, đóng tàu, công nghiệp đóng tàu, sản phẩm chịu ma sát như vải sợi, áo chống nhiệt, má phanh, miếng đệm.
Thậm chí, amiăng còn có thể xuất hiện trong các loại sản phẩm gần gũi với gia đình như bình giữ nhiệt. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội): Bình giữ nhiệt hầu hết được làm bằng inox. Giữa hai lớp inox, người ta thường nhồi bông amiăng với mục đích cách nhiệt và giữ nhiệt tốt.
Tuy nhiên theo chuyên gia, chất amiăng chỉ gây nguy hiểm nếu phát tán ra ngoài trở thành các mảnh gãy, vụn. Nếu amiăng không bị phát tán ra ngoài môi trường thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để đảo bảo bình giữ nhiệt không gây hại, PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo người dùng nên tránh sử dụng các loại bình giữ nhiệt kém chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đang trong tình trạng hỏng hóc, xuống cấp, hoen rỉ.
Làm sao để chúng ta có thể phòng ngừa nhiễm amiăng?
WHO cho biết, các bệnh liên quan đến amiăng có thể phòng ngừa được, và cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh này là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiăng để phòng ngừa phơi nhiễm.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần lưu ý những điều sau để có thể phòng ngừa tác hại của amiăng:
- Tìm kiếm vật liệu thay thế nếu gia đình đang sử dụng vật liệu chứa amiăng.
- Tránh mọi hình thức phát tán, làm vỡ vật liệu chứa amiăng gây phát tán amiăng ra môi trường.
- Nếu gia đình đang sử dụng tấm lợp A-C thì không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiăng mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại.
- Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng (tấm lợp, má phanh..). Khi có các biểu hiện bệnh do bụi amiăng như: Khó thở hoặc khi thở phải gắng sức, thở khò khè. Đau tức vùng ngực. Ho nhiều, ho khan, có thể ho có đờm, ho ra máu... thì cần đi khám và báo cho các cơ quan có thẩm quyền (môi trường, y tế) để kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp thời.
Theo Trí Thức Trẻ