Các nhà nghiên cứu, đứng đầu là bà María Dolores Sánchez-Hernandez đến từ Đại học Granada ở Tây Ban Nha, phát hiện ra rằng trạng thái cảm xúc trong từng khoảnh khắc của thanh thiếu niên có liên quan trực tiếp đến số lượt thích mà họ nhận được trên một bài đăng trên Instagram.
Hơn thế, những thanh thiếu niên có xu hướng hay so sánh trên mạng xã hội đặc biệt bị ảnh hưởng bởi số lượt thích mà họ nhận được trên các bài đăng của mình. Thanh thiếu niên lớn trong độ tuổi hơn (15-18 tuổi) cũng vậy.
Bà Sánchez-Hernandez cho biết sự ủng hộ và thừa nhận của bạn bè đồng trang lứa có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn giữa và cuối tuổi vị thành niên. Do đó, thanh thiếu niên trong độ tuổi này dễ bị tác động tâm lý bởi các phản hồi bài đăng trên mạng xã hội.
Nghiên cứu này dựa trên phát biểu gần đây của nhà tâm lý học Jonathan Haidt (Đại học New York) trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ. Trong đó, ông Haidt đã nhấn mạnh một số thống kê đáng báo động xung quanh sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Ông có một số lưu ý sau:
- Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên xấu đi nhanh chóng kể từ năm 2010, trùng với sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội.
- Khủng hoảng liên quan tới tình trạng tâm lý bất ổn như lo lắng và trầm cảm.
- Khủng hoảng ảnh hưởng tới nữ nhiều hơn, khi đây là đối tượng có xu hướng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn nam.
- Khủng hoảng đã ảnh hưởng đến thanh thiếu niên trên toàn thế giới, không chỉ ở Hoa Kỳ.
- Những thanh thiếu niên sử dụng điện thoại 4-5 tiếng/ngày có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn nhiều so với những người sử dụng điện thoại từ 1 tiếng trở xuống.
Thanh thiếu niên sử dụng điện thoại 4-5 tiếng/ngày có nguy cơ bị trầm cảm cao (Ảnh Getty).
Tác giả bài viết đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Ross Szabo về vấn đề này. Ông là cựu Giám đốc phụ trách việc tiếp cận giới trẻ của Chiến dịch Nâng cao Nhận thức Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, cũng là nhà sáng lập Human Power Project, một công ty giáo dục sức khỏe tâm thần chuyên cung cấp chương trình giảng dạy cho các trường học ở Mỹ.
Bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để gióng lên hồi chuông cảnh báo khi nói đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên?
- Chắc chắn là như vậy. Tất cả dữ liệu này cho thấy dấu hiệu khủng hoảng và các trường học đang nhìn nhận điều này như một vấn đề lớn. Điều quan trọng nhất cần nhớ là giai đoạn phát triển lớn thứ hai của não rơi vào độ tuổi 12-25 và thông thường, những gì xảy ra trong khoảng thời gian này có thể định hình tính cách một người mãi mãi. Đó là thời điểm quan trọng để phát triển các cơ chế đối phó, tiếng nói bên trong, cá tính và thói quen.
Nếu như thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm thần không được điều trị và/hoặc có những thói quen không lành mạnh trong thời gian này thì có thể mất nhiều thập kỷ để sửa hoặc từ bỏ thói quen đó. Đôi khi, việc trưởng thành chính là không làm những gì bạn đã trải qua ở tuổi thanh xuân. Thanh thiếu niên cần được giúp đỡ.
Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
- Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần này là một bức ghép hình khổng lồ. Miếng còn thiếu trong đó là việc giảng dạy về sức khỏe tâm thần trong trường học. Ở trường tôi, Học viện Geffen tại UCLA, chúng tôi có một lớp học hàng tuần về sức khỏe tâm thần dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.
Chúng tôi dạy về sức khỏe tinh thần giống như cách chúng tôi dạy về sức khỏe thể chất. Chúng tôi tập trung vào từ vựng về sức khỏe tâm thần, sự phát triển của não bộ, cơ chế đối phó, cách sử dụng stress tích cực, các mối quan hệ lành mạnh và tình dục lành mạnh. Mục tiêu chính là bình thường hóa vấn đề sức khỏe tâm thần, biến nó thành một phần của giáo dục. Nó tạo ra sự khác biệt rất lớn trong cách trẻ trò chuyện và quan niệm về sức khỏe tâm thần.
Có thể làm gì hơn thế để giáo dục trẻ em và phụ huynh về cách chăm sóc sức khỏe tâm thần?
- Có một số điều quan trọng mà gia đình có thể làm là biết tiền sử gia đình đối với vấn đề sức khỏe tâm thần, tự nhận thức và trò chuyện khi càng ít tuổi càng tốt. Những gia đình có rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc nghiện ngập có khuynh hướng sinh học dẫn đến nhiều người gặp các vấn đề này hơn.
Hiểu những rối loạn mà mọi người mắc phải có thể giúp cha mẹ dễ dàng đề cập những vấn đề này với con cái của họ. Nó cũng có thể giúp các gia đình xác định các dấu hiệu cảnh báo nhanh hơn nếu ai đó trong gia đình bắt đầu có các triệu chứng.
Gia đình càng bình thường hóa được những cuộc trò chuyện kiểu này, thì người mắc bệnh về tâm thần càng dễ cảm thấy đỡ xấu hổ hay ngại ngùng. Giờ đây, các gia đình đã bình thường hóa việc nói về gen gây ung thư vú, nên việc phòng ngừa được thực hiện tốt hơn. Chúng ta có thể thực hiện một cách tiếp cận tương tự để làm cho sức khỏe tâm thần trở nên quen thuộc hơn.
Ông có lời khuyên nào cho các bậc cha mẹ có con đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần?
- Cố gắng biến sự đối đầu thành đối thoại. Xác định ranh giới giữa trao quyền và cho phép. Hãy biết chăm sóc bản thân.
Các gia đình có thanh thiếu niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thường có xung đột về mọi mặt. Một cách để biến sự đối đầu thành đối thoại là biến thanh thiếu niên trở thành chuyên gia về chủ đề này, như một cách để khơi gợi chia sẻ. Ví dụ, nếu bạn lo con dùng thuốc lá điện tử thì hãy thử xem con biết những gì về việc đó. Hãy hỏi xem con có biết ai hút thuốc lá điện tử không. Hỏi xem con nghĩ gì về thuốc lá điện tử. Và sau đó, hỏi xem con có đang dùng nó không. Việc này thể hiện sự coi trọng ý kiến và quan điểm của trẻ và mang tính đối thoại nhiều hơn là chỉ yêu cầu con không hút thuốc lá điện tử.
Làm cha mẹ tức là thường xuyên phải đi trên ranh giới giữa trao quyền và cho phép. Ranh giới này của mỗi người khác nhau, nhưng hãy chú ý đến những gì một thanh thiếu niên cần để cảm thấy được trao quyền làm gì đó.
Cuối cùng, hãy chăm sóc bản thân. Giống như mặt nạ dưỡng khí trên máy bay, bạn cần đảm bảo sức khỏe tinh thần của mình ổn thì bạn mới có thể ở song hành cùng con mình.
Ông có thể nói gì với thanh thiếu niên và thanh niên đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với thế giới mạng?
- Mọi thiếu niên mà tôi nói chuyện đều biết mạng xã hội là không có thật, nhưng nó gây nghiện và có hậu quả. Điều quan trọng nhất là mọi người có thể dứt ra khỏi mạng xã hội và tìm hiểu quan điểm, thái độ của mọi người ngoài đời thực.
Hãy dành thời gian kết nối với bạn bè, gia đình và những người ở trường để xem họ tương tác với bạn như thế nào ngoài đời, thay vì chỉ dựa vào mạng xã hội.
Khi bạn ở trên mạng xã hội, hãy đăng về tất cả những gì quan trọng với bạn chứ không chỉ những điều tốt nhất hoặc những mặt có thể là hình thức bên ngoài. Bạn càng sống thật trên mạng xã hội thì trải nghiệm của bạn càng chân thực ở cả ngoài đời lẫn trên mạng.
Theo forbes.com