Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu lá sắn của Việt Nam trong tháng 4/2023 đạt 79.000 USD, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lá sắn đạt 349.000 USD. Được biết, các loại lá tre, lá khoai mì, lá chuối... được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản,.... Các sản phẩm lá xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn an toàn, quy chuẩn về kích cỡ, chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng tươi, hoặc cấp đông sau khi được đóng gói và hút chân không.
Công dụng của lá sắn
Không chỉ được xuất khẩu, lá sắn còn có nhiều công dụng với sức khỏe. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, sắn là một loại rau giàu calo, chứa nhiều carbohydrate, các vitamin và khoáng chất quan trọng. Sắn cũng cung cấp vitamin C, thiamine, riboflavin và niacin. Lá sắn cũng có thể ăn được nếu bạn nấu chín hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, có thể chứa tới 25% protein.
Do sự hiện diện của hàm lượng sắt cao trong lá sắn (khoai mì) giúp tránh được tình trạng thiếu máu. Đối với những người dị ứng với các thành phần có trong lá khoai mì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh các tác dụng phụ không đáng có xảy ra.
Ít ai ngờ lá sắn lại có thể xuất khẩu, thu lượng ngoại tệ đáng kể và còn có nhiều công dụng với sức khỏe. Ảnh: realtime.
Lá sắn chứa một lượng lớn vitamin C và folate giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin C giúp tiêu diệt vi khuẩn và virus. Lá khoai mì cũng giúp duy trì sức khỏe của xương. Chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. Folate giúp tăng cường sản xuất tế bào bằng cách hỗ trợ vật liệu di truyền cho sự sống và tránh đột biến DNA. Lá sắn chứa một lượng chất xơ tốt thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn sinh học và do đó làm tăng khả năng miễn dịch và chất xơ làm giảm táo bón.
Là loại lá cây quen thuộc, từ xa xưa, lá sắn đã được người dân chế biến thành nhiều món ăn ngon như lá sắn muối chua. Ngọn sắn sau khi ngắt về đem rửa nước cho sạch nhựa, để ráo, sau đó đem thái nhỏ sắn với độ dài mỗi đoạn khoảng 2cm, bỏ vào chậu, thêm chút muối trắng để vò. Trong quá trình vò không nên quá mạnh tay, vì dễ làm nát, gãy rau sắn kém đẹp mắt. Khi vò sắn xong sẽ nắm từng nắm nhỏ, vắt bỏ hết phần nước ngái và nhựa, chuẩn bị công đoạn muối trong chum, vại.
Muối chua là công đoạn quan trọng nhất quyết định món ăn ngon hay không ngon. Phải dùng nước đun sôi để nguội khoảng 30 độ C, tuyệt đối không dùng nước lã để muối vì dễ làm món ăn khú và không vàng màu, sau đó thêm chút muối vào nước ấm.
Cho lá sắn đã vò vào chum nhỏ, hoặc vại ấn chặt, rồi mới đổ ngập nước, lấy chiếc đĩa nhỏ úp phía trên có tác dụng làm chìm lá sắn ngập hết nước. Miệng chum, vại được bịt kín bằng lá rong, hoặc lá chuối. Khoảng 1 tuần sau khi kiểm tra thấy sắn muối lên màu vàng đẹp, có mùi thơm, không còn mùi ngái và mềm là nấu ăn được.
Nấu kèm lá sắn có cà gai, giống cà mà đồng bào dân tộc thiểu số hay trồng trên rẫy, thêm vào đó là bông đu đủ đực, măng tươi và vài trái ớt hiểm xanh.
Một số lưu ý khi ăn lá sắn
Chúng ta không nên ăn sắn sống vì chứa các dạng xyanua tự nhiên, rất độc khi ăn vào. Tuy nhiên nếu khi được ngâm và nấu chín thì hợp chất này trở nên vô hại với sức khỏe con người.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT