Ngày 22-6, thế giới ghi nhận hơn 9 triệu ca bệnh Covid-19, trong đó có hơn 470.000 trường hợp tử vong.
Chỉ trước đó 1 ngày,
Mỹ, Brazil chao đảo, Trung Quốc tái chống dịch
Hiện Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm lớn nhất thế giới với hơn 2,3 triệu ca, đồng thời cũng là nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất, khoảng 130.000 ca - theo thống kê của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Ngày 22-6, ông Scott Gottlied - cựu Ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo rằng số ca bệnh Covid-19 tại Mỹ đang có chiều hướng gia tăng theo cấp số nhân.
"Các bệnh viện ở Texas vừa thông báo có thể phải tiếp nhận thêm bệnh nhân Covid-19, trong khi số bệnh nhân ở Florida có thể tăng lên rất nhanh như những gì từng diễn ra ở New York" - ông Scott Gottlied cho hay. Trong buổi mít tinh ở Tulsa, Oklahoma (Mỹ) và tối 20-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận ông đã nói các quan chức giảm tốc độ xét nghiệm Covid-19 vì số ca nhiễm tăng lên ở Mỹ.
Các nhà khoa học trên thế giới lo ngại “làn sóng” Covid-19 lần thứ 2 xảy ra với cường độ mạnh mẽ và tiếp tục lây nhiễm trên diện rộng
Bộ Y tế Brazil, ngày 22-6, xác nhận số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên tới hơn 50.000 người và tổng cộng hơn 1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2. Những con số này quả là "cú đánh" mạnh đối với Brazil, quốc gia đang chật vật trước tình hình bất ổn chính trị và nền kinh tế tê liệt. Trước tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm virus, giới chuyên gia cho rằng số liệu thực tế tại Brazil còn cao hơn rất nhiều.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Ngày 22-6, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố quân đội Brazil phục vụ ý nguyện của người dân và có nhiệm vụ bảo vệ nền dân chủ. Tuyên bố trên tiếp tục làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về vai trò của lực lượng vũ trang trong bối cảnh bất ổn cả về chính trị và xã hội như hiện tại.
Sau nhiều tháng quảng bá chiến thắng Covid-19 và chia sẻ kinh nghiệm với các nước, Trung Quốc lại đang có đợt bùng phát mới ở nơi không thể không gây chú ý: Thủ đô Bắc Kinh. Trong 8 ngày qua, Bắc Kinh đã ghi nhận gần 200 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu tránh đi lại không cần thiết ra ngoài thủ đô, và dừng hàng trăm chuyến bay và mọi xe buýt đường dài. Các thành phố và tỉnh bắt đầu áp đặt biện pháp cách ly đối với người đến từ Bắc Kinh.
"Nỗi sợ" làn sóng đại dịch lần thứ 2
Tại Anh, Giáo sư Y khoa John Bell tại trường Đại học Oxford cho biết, quốc gia này sẽ khó tránh khỏi "làn sóng thứ 2" và các ca nhiễm Covid-19 mới sẽ tiếp tục tăng lên. Ngày 15-6, Iran cảnh báo có thể sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để đảm bảo giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh sau khi quốc gia này ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca tử vong vì Covid-19.
Trong khi đó, Australia đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đợt hai, sau khi bang Victoria - tiểu bang đông dân thứ 2 của nước này - ghi nhận 116 ca bệnh mới chỉ trong vòng 1 tuần qua. Trong tổng số ca nhiễm mới nói trên, 29 người là công dân Australia từ nước ngoài hồi hương, 87 trường hợp còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện 6 trường học tại bang Victoria đã phải đóng cửa do có học sinh mắc Covid-19 và 31 khu vực bị đưa vào danh sách "điểm nóng" hạn chế người qua lại. Sáng 22-6, Bộ trưởng Y tế bang Victoria Jenny Mikakos tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn bang này thêm 4 tuần, đến ngày 19-7.
Các chuyên gia y tế đánh giá rằng tình hình dịch bệnh hiện nay ở Bắc Kinh phản ánh nhiều về sự phức tạp của việc kiềm chế virus khi không có vaccine. "Virus không tuân theo mệnh lệnh, các biện pháp nghiêm ngặt nhất hay biên giới lãnh thổ", Huang Yanzhong, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại ở Mỹ cho hay.
Ông Yanzhong cảnh báo khi chưa tìm ra được nguồn gốc của đợt bùng phát, khó có thể chặn được dịch. "Dù số ca mới không tăng, không có nghĩa dịch bệnh đã được kiểm soát" - Huang Yanzhong nói - "Bạn có thể xét nghiệm, có thể điều trị, cách ly, nhưng nếu nguồn gốc của vấn đề vẫn còn đó, có nghĩa bạn chưa tìm được giải pháp căn bản".
Theo các nhà khoa học, nếu làn sóng Covid-19 lần thứ hai xảy ra, đại dịch chưa từng có này sẽ "hồi sinh" với cường độ mạnh mẽ hơn, tiếp tục lây nhiễm rộng rãi. Hậu quả là các hệ thống y tế công cộng vốn đã bị "trọng thương" do làn sóng thứ nhất gây ra sẽ chính thức sụp đổ, đồng thời các Chính phủ buộc phải ban bố tình trạng cách ly xã hội, tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế thế giới.
Hải Long (Theo AP, Reuters)
Nguồn: anninhthudo.vn