Sau 11 năm dày công nghiên cứu, cuối cùng các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên khẳng định sự tồn tại của B-1, tế bào miễn dịch bí ẩn xuất hiện ở cơ thể người ngay giai đoạn đầu hình thành bào thai.

1 Tim Thay Bang Chung Ve Te Bao Mien Dich Bi An O Con Nguoi

Việc khẳng định sự tồn tại của B-1 được coi là dấu mốc ban đầu để mở rộng hiểu biết của chúng ta về cách tế bào này phát triển và đặt nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai về sự phát triển và cách hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể người - Ảnh: GETTY

Sự tồn tại của tế bào bí ẩn

Theo báo Science, vào những năm 1980, các nhà khoa học phát hiện một tế bào miễn dịch kỳ lạ trên cơ thể chuột và đặt tên là B-1. Các tế bào B-1 phát sinh rất sớm, ngay tại thời điểm chuột con trong bụng mẹ, và chúng tạo ra các kháng thể khác nhau khi được kích hoạt. 

Một số kháng thể này bám vào các tế bào của chuột, giúp loại bỏ các tế bào chết và có hại ra khỏi cơ thể chuột con, đồng thời tạo ra các kháng thể hoạt động như một tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các tác nhân gây bệnh, như virus và vi khuẩn.

Năm 2011, loại tế bào này một lần nữa được phát hiện trong một nghiên cứu lập bản đồ mọi tế bào trong cơ thể con người của Trung tâm Sinh học miễn dịch tại Trường Y khoa Homer Stryker MD của Đại học Western Michigan (Mỹ). Nhưng khi đó những kết quả này không được chấp nhận là bằng chứng kết luận.

Từ đó, sự tồn tại của B-1 và những bí ẩn quanh nó trở thành đề tài nghiên cứu sôi nổi trong giới khoa học y sinh.

11 năm sau lần "phát hiện" ấy, cuối cùng khoa học đã tìm ra bằng chứng xác thực đầu tiên về sự tồn tại, phát triển của tế bào B-1 trên cơ thể người. Cụ thể, tế bào B-1 xuất hiện trong quá trình phát triển ban đầu của con người, khi người mẹ đang mang thai ở giai đoạn từ tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.

Phát hiện này được công bố cùng với ba nghiên cứu khác trên tạp chí Khoa học ngày 12-5 bởi Human Cell Atlas (HCA) - một nhóm nhà khoa học quốc tế có trụ sở tại Anh - trong chương trình nghiên cứu xác định vị trí, chức năng và đặc điểm của mọi loại tế bào trong cơ thể người.

Nhóm đã phân tích hơn 1 triệu tế bào người, đại diện cho hơn 500 loại tế bào riêng biệt được lấy mẫu từ hơn 30 mô khác nhau, tập trung nỗ lực vào các tế bào miễn dịch xuất hiện trong quá trình phát triển ban đầu của con người.

Thông qua phân tích các tế bào đặc trưng từ mô đang phát triển, chẳng hạn như tuyến ức - một tuyến tạo ra các tế bào miễn dịch và hormone, và túi noãn hoàng của phôi - một cấu trúc nhỏ nuôi dưỡng phôi trong thời kỳ đầu mang thai, họ đã phát hiện ra bằng chứng về tế bào B-1 ở con người ở giai đoạn mang thai từ 4-17 tuần sau khi thụ tinh.

Vai trò của tế bào B-1 là gì?

Trong cơ thể chuột, các tế bào B-1 xuất hiện rất sớm. Sau đó, một loại tế bào miễn dịch khác, được gọi là B-2, xuất hiện và trở thành dạng tế bào B phong phú nhất ở chuột. Điều tương tự cũng xảy ra ở người, tế bào B-1 xuất hiện và phát triển mạnh nhất ở giai đoạn đầu mang thai và có thể giúp tạo ra các mô mới khi bào thai hình thành.

Nghiên cứu khoa học trước đây chỉ ra rằng quá trình bào thai phát triển trong bụng mẹ đi liền với quá trình "tu sửa các mô và tế bào". Ví dụ, con người ban đầu phát triển màng lưới giữa các ngón tay và ngón chân, nhưng lớp màng này sẽ "dần biến mất" trước khi đứa trẻ ra đời. Và có thể các tế bào B-1 đã góp phần lớn vào quá trình này.

Ngoài ra, các tế bào B-1 có thể cung cấp một số mức độ bảo vệ miễn dịch giúp bào thai phát triển tốt, chống lại các mầm bệnh.

Tuy nhiên, đây chỉ là suy đoán của các nhà khoa học. Vai trò thực sự của tế bào B-1 là gì cho đến nay vẫn là bí ẩn, nhưng việc khẳng định sự tồn tại của B-1 được coi là dấu mốc ban đầu để mở rộng hiểu biết của chúng ta về cách tế bào này phát triển và đặt nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai về sự phát triển và cách hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể người.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC