Nhiều người vẫn đang băn khoăn liệu thực hiện các "bài tập" riêng cho não bộ có thể duy trì được sự linh hoạt, minh mẫn khi về già hay không? Và rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này là có thể.
Jessica Zwerling, giáo sư thần kinh học, giám đốc một Trung tâm nghiên cứu bệnh Alzheimer tại Mỹ, cho biết: "Không có chiến lược nào phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc thực hiện từng việc làm nhỏ mỗi ngày có thể giúp ích cho sức khỏe não bộ".
Theo đó, GS Zwerling gợi ý 9 bài tập trí nhớ sau đây:
1. Đọc to
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Memory vào năm 2017 cho thấy việc đọc to thành tiếng có thể giúp tăng cường trí nhớ dài hạn.
Trong nghiên cứu, những người đọc to có trí nhớ tốt hơn những người đọc thầm và những người được người khác đọc cho nghe.
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện trên nhóm trẻ từ 7-10 tuổi, những trẻ tham gia được yêu cầu đọc to các từ và sau đó nhắc lại các từ đó. Kết quả cho thấy việc đọc to giúp nhớ lâu hơn.
2. Lặp lại
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc tiếp xúc với một thứ gì đó nhiều lần giúp mọi người ghi nhớ tốt hơn. Một nghiên cứu đã so sánh trí nhớ của những người tham gia thực hiện xem một loạt ảnh. Theo đó, những người được xem nhiều lần hơn có thể ghi nhớ tốt hơn sau 10 phút, 1 ngày và 1 tuần.
3. Sử dụng những mẹo để ghi nhớ
Việc tự có các mẹo để ghi nhớ cũng là một cách hiệu quả để bạn minh mẫn hơn khi về già. Bạn có thể ghi nhớ bằng cách nhớ từ viết tắt. Một ví dụ điển hình đó là khi nhắc tới triệu chứng đột quỵ, người ta thường nhớ tới từ viết tắt FAST (nhanh chóng). Các chữ cái trong từ FAST là từ viết tắt của Face (Mặt: Mặt bị lệch), Arm (Tay: Tay bị tê bì, yếu hoặc liệt), Speech (Giọng nói: Nói khó), Time (Thời gian: Các dấu hiệu trên nếu xuất hiện đột ngột cần gọi ngay cấp cứu).
Ngoài các từ viết tắt, bạn cũng có thể nhớ các sự việc bằng các bài đồng dao, hình ảnh,...
4. Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất mà còn làm suy giảm sức khỏe tinh thần. GS Zwerling cho biết căng thẳng là yếu tố nguy cơ dẫn đến một dạng suy giảm nhận thức nhẹ (mild cognitive impairment - MCI). "Căng thẳng cũng có thể làm suy giảm trí nhớ."
Để giảm căng thẳng, bạn có thể áp dụng các biện pháp như thiền, yoga hoặc các bài tập thể dục nhẹ nhàng khác.
5. Giãn cơ
Hoạt động thể chất nói chung là một trong những việc làm quan trọng để duy trì sức khỏe não bộ cũng như sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, không phải tập các bài tập mức độ cao mới là có lợi. Các bài tập nhẹ nhàng, ví dụ như giãn cơ, cũng mang lại lợi ích cho trí não.
Một nghiên cứu của Viện Lão hóa Quốc gia Hoa Kỳ đã so sánh hiệu quả của 2 hoạt động thể chất là giãn cơ và thể dục nhịp điệu với sức khỏe trí não ở những người bị suy giảm nhận thức mức độ nhẹ. Kết quả cho thấy hiệu quả của cả 2 hoạt động này là tương đương nhau. Do đó, cho dù bạn tập thể dục ở mức độ nào thì đều có thể mang lại lợi ích cho bộ não.
6. Khiêu vũ
Khiêu vũ có thể thúc đẩy chức năng điều khiển của não bộ. Chức năng này bao gồm cả lập kế hoạch, lập luận và nhiều hoạt động khác.
Một nghiên cứu kéo dài 5 năm, được đăng tải trên New England Journal of Medicine, cho thấy các hoạt động giải trí, bao gồm cả khiêu vũ, đọc sách, chơi game có thể có tác dụng ngăn ngừa chứng mất trí nhớ ở nhóm người từ 75 tuổi trở lên. Joe Verghese, tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm để có được lợi ích trên, mọi người nên thực hiện các hoạt động này từ 3-4 lần/tuần.
7. Chơi ô chữ
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng chơi ô chữ hàng ngày có thể ngăn chặn chứng mất trí nhớ. Gần đây nhất là một nghiên cứu được đăng tải trên New England Journal of Medicine. Nghiên cứu này cho thấy quá trình suy giảm nhận thức ở những người mắc MCI có thể được cải thiện khi họ chơi ô chữ. MCI đôi khi là dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer.
GS Zwerling tiết lộ thêm, bạn có thể thay trò chơi ô chữ bằng các trò chơi khác như xếp hình hoặc chơi mạt chược.
8. Học thêm những điều mới mẻ
Việc học thêm những điều mới mẻ có thể giúp ích cho trí nhớ và sự tập trung. Bạn có thể học thêm một ngôn ngữ mới, một nhạc cụ hoặc chơi cờ vua. Những hoạt động này thường có cấp độ tăng dần từ đơn giản tới phức tạp. Do đó, bạn sẽ có cơ hội để thử thách bản thân mình.
Tiến sĩ Joe Verghese, Giám đốc sáng lập Trung tâm Lão hóa Não Montefiore-Einstein, cho biết: "Tôi hay khuyến khích bệnh nhân của mình thực hiện những hoạt động mà họ yêu thích để từ đó có thể thực hiện chúng một cách thường xuyên. Tôi cũng nói với họ nếu đã giải các ô chữ thuần thục, hãy tìm một trò gì khác khó hơn thế".
Hoàn thiện các thử thách có mức độ khác nhau sẽ kích thích sự hoạt động của nhiều vùng não, do đó sẽ tốt cho sức khỏe của não.
9. Tập nhớ bằng trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là một công cụ khác để giúp bạn nhớ lâu hơn và cũng tốt cho não bộ khi về già. Bạn có thể tưởng tượng ra một câu chuyện, một không gian tương ứng với sự vật, sự việc mà bạn muốn ghi nhớ.
Trong một nghiên cứu, các sinh viên y khoa được yêu cầu hình dung các địa điểm trong trường học của mình như sảnh chính, căng tin, phòng thực hành mổ. Ở các địa điểm này, họ sẽ "đặt" những thông tin mà họ cần nhớ về bệnh đái tháo đường và insulin. Kết quả cho thấy nhóm sinh viên được áp dụng phương pháp này có thể nhớ tốt hơn nhóm sinh viên được giảng theo phương pháp truyền thống.
Theo Trí Thức Trẻ