Minh chứng sống cho câu nói “tích tiểu thành đại” là đây chứ không ở đâu xa!
Nhiều người cho rằng thu nhập 30 triệu/tháng, cố xoay sở để đủ nuôi 2 con, đã là chuyện khó chứ nói gì đến việc mua vàng, mua đất. Từ xưa đến giờ, đổ tại cho "thu nhập chưa đủ để tiết kiệm" vẫn là một trong những lời ngụy biện phổ biến nhất. Nhưng sự thật là không phải ai cũng vậy.
Có người thu nhập "không cao lắm" vẫn cố gắng chắt chiu, vun vén để rồi không chỉ có vàng, mà còn có luôn cả cuốn sổ đỏ! Chia sẻ của cô vợ trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.
Tay trắng ra Hà Nội lập nghiệp, giờ có 1 cuốn sổ đỏ và 19 chiếc nhẫn vàng
Nguyên văn chia sẻ của cô vợ như sau: "Tháng 3/2019, vợ chồng mình cùng 2 con nhỏ đưa nhau ra Hà Nội lập nghiệp, tính đến giờ đã được hơn 6 năm.
Ảnh minh họa
Hành trình kiếm việc làm và những khó khăn nó dài lắm, nhiều lắm, mình không thể kể hết được, chỉ có thể vắn tắt sơ qua để các bạn lao động phổ thông như mình có động lực tiết kiệm cho tương lai.
Thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng tầm 25-30 triệu/tháng. Mấy năm trước thì ít hơn… Để có thể tiết kiệm được với mức nhu nhập như vậy, mình cũng phải vun vén lắm. Cả 2 đều là lao động phổ thông nên cũng không tốn khoản tiền mua quần áo đẹp, cứ đồ chợ, đồ rẻ mà mua.
- Mỗi tháng cả tiền học tiền ăn bán trú chỉ 1,3-1,5 triệu đồng/bạn. Bạn lớn có học thêm nên thêm khoảng 2 triệu/tháng.
- Tiền ăn sáng của con khoảng 1 triệu/tháng.
- Tiền sữa cho 2 bạn khoảng 2 triệu/tháng.
- Tiền thuê nhà cả điện nước khoảng 3 triệu/tháng.
- Tiền ăn thì nhà mình chỉ ăn bữa tối ở nhà. Ví như hôm nay ăn sang tầm 120-150k/bữa thì hôm sau giảm đi, 40k-50k tiền thịt lợn với 10k tiền rau là đủ một bữa cho 4 người ăn.
Mình tính sơ sơ như thế. Cố gắng chi tiêu ít. Mấy năm trước, khi vàng còn chưa tăng thì mỗi tháng mình mua 2 chỉ. Tháng nào có phát sinh thì cũng cố mua 1 chỉ.
Cứ thế, mình tằn tiện tích cóp trong 4 năm. Khi vàng được giá, mình bán vàng đi mua được một mảnh đất ở tỉnh, giờ đất lên giá cũng thấy lãi kha khá rồi.
Mua đất xong, mình vẫn tiết kiệm như thế, đến giờ là 2 năm sau khi mua đất, mình có từng này vàng rồi…".
Nhờ chắt chiu, dành dụm mà sau 6 năm ra Hà Nội làm việc, cặp vợ chồng này đã có 1 cuốn sổ đỏ và 19 chiếc nhẫn vàng!
Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều phải thốt lên hai từ "nể phục" sau khi đọc những dòng tâm sự của cô vợ này. Minh chứng sống cho câu nói "tích tiểu thành đại" là đây chứ không ở đâu xa!
"Thật sự khâm phục 2 vợ chồng chị. Nhìn lại bản thân mà thấy hổ thẹn, thu nhập e cũng gần bằng nhà chị, còn độc thân chưa phải lo cho ai mà không có gì trong tay cả…" - Một bạn trẻ cảm thán.
"Đúng là kiếm bao nhiêu tiền cũng không quan trọng bằng cách tiêu tiền. Chúc mừng vợ chồng chị" - Một người khác bày tỏ.
Tại sao không nên đợi thu nhập cao mới tiết kiệm?
Nếu hiện tại, bạn vẫn còn đang giữ suy nghĩ "thu nhập thấp nên chẳng tiết kiệm nổi", hãy đọc lại từng từ trong bài chia sẻ của cô vợ trong câu chuyện phía trên. Đó là minh chứng cho sự bền bỉ, cần mẫn chắt chiu và quan trọng nhất là không đổ tại cho mức thu nhập.
Không tiết kiệm được chỉ là do quá nuông chiều bản thân, do chi tiêu chưa có kế hoạch, chứ chẳng phải do thu nhập đâu!
3 điều dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy "chờ thu nhập cao rồi tiết kiệm" là suy nghĩ sai lầm thế nào!
1 - Sức mạnh của lãi kép
Albert Einstein từng nói: "Lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới. Ai hiểu được nó thì sẽ kiếm được tiền, ai không hiểu thì phải trả giá".
Điều này đặc biệt đúng với việc tiết kiệm. Khi bạn bắt đầu tiết kiệm từ sớm, dù chỉ với một khoản nhỏ, số tiền đó sẽ có nhiều thời gian hơn để sinh sôi nảy nở nhờ hiệu ứng lãi kép.
Hãy hình dung thế này: Bạn tiết kiệm 1 triệu đồng mỗi tháng từ năm 22 tuổi. Sau 10 năm, với lãi suất bình quân ví dụ là 6%/năm, bạn sẽ có một khoản tiền đáng kể.
Nếu bạn trì hoãn đến năm 32 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm cùng số tiền đó, bạn đã mất đi 10 năm "phép màu" của lãi kép. Khoảng cách về số tiền tích lũy sau này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho mục tiêu dài hạn. Tiền bạn tiết kiệm được hôm nay, dù ít, sẽ có giá trị lớn hơn nhiều trong tương lai so với cùng số tiền đó được tiết kiệm khi bạn đã lớn tuổi hơn.
2 - Sức mạnh của thói quen tích tiểu thành đại
Tiết kiệm không phải là sự kiện chỉ diễn ra một lần, mà là thói quen cần được rèn luyện mỗi ngày. Khi bạn bắt đầu tiết kiệm ngay cả khi thu nhập còn thấp, bạn đang hình thành một thói quen tài chính tích cực và bền vững.
Ngược lại, nếu bạn đợi đến khi lương cao mới bắt đầu, bạn có thể đã hình thành thói quen chi tiêu "vung tay quá trán" theo mức lương hiện tại. Khi thu nhập tăng, chi tiêu cũng sẽ tăng theo, và việc cắt giảm để tiết kiệm lúc đó sẽ trở nên khó khăn và đau đớn hơn rất nhiều.
3 - Tránh sa bẫy lạm phát lối sống
Đây là một thực tế tâm lý mà nhiều người mắc phải: Khi thu nhập tăng lên, nhu cầu và mong muốn chi tiêu cũng tăng theo. Có thể bây giờ bạn nghĩ "bao giờ lương 20 triệu thì sẽ tiết kiệm 5 triệu/tháng", nhưng khi bạn thực sự đạt được mức lương đó, bạn lại thấy mình cần một chiếc điện thoại mới, một phòng trọ rộng rãi và đẹp hơn,...
Hiện tượng này được gọi là lạm phát lối sống: Thu nhập tăng nhưng tỷ lệ tiết kiệm lại không tăng theo, hoặc thậm chí giảm, vì bạn cứ mãi đuổi theo những tiện nghi và trải nghiệm đắt đỏ hơn. Chính vì vậy, nếu không hình thành thói quen tiết kiệm ngay bây giờ và kỷ luật với nó, bạn sẽ luôn thấy mình "chưa đủ" để tiết kiệm, dù mức lương có tăng đến đâu.
Ngọc Linh
Theo Đời sống & Pháp luật