Khi người được bảo hiểm ở Đức không thể thanh toán phí bảo hiểm đến hạn, họ sẽ phải tính đến khả năng bị cảnh báo, thậm chí cắt hợp đồng.
Trong trường hợp như vậy, ngành bảo hiểm cũng như trung tâm bảo vệ người tiêu dùng khuyên họ nên thông báo sớm về tình trạng khó khăn trong thanh toán với các hãng bảo hiểm.
Trong đó, có những điều kiện đặc biệt được áp dụng cho việc thanh toán phí bảo hiểm đầu tiên sau khi ký hợp đồng. Nếu không thanh toán khoản phí đầu tiên (sau 14 ngày nhận thẻ bảo hiểm), hãng bảo hiểm có quyền thu hồi bảo hiểm.
Tuy nhiên, điều này sẽ không được áp dụng nếu khách hàng có thể chứng minh việc họ thanh toán chậm sẽ không tiếp tục lặp lại thường xuyên.
Nếu khoản lệ phí không được thanh toán, hãng bảo hiểm sẽ lưu ý với khách hàng về điều này thông qua thông báo đặc biệt bằng văn bản hoặc một chỉ dẫn nổi bật trên thẻ bảo hiểm.
Đồng thời trong thời gian này, nếu xuất hiện sự cố cần bảo hiểm, hãng bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của họ.
Thậm chí nếu đã phát sinh chi phí hay thiệt hại, hãng bảo hiểm có thể yêu cầu khách hàng phải tự thanh toán.
Ví dụ, hãng bảo hiểm cũng có thể yêu cầu khách hàng phải chịu các chi phí khám chữa bệnh.
Nếu khoản lệ phí tiếp theo hoặc một khoản đóng góp đặc biệt vẫn không được thanh toán đúng thời hạn, hãng bảo hiểm sẽ gưi tới khách hàng một văn bản nhắc nhở cần nộp tiền trong vòng ít nhất 2 tuần.
Nếu người được bảo hiểm vẫn tiếp tục không thanh toán theo đúng thời hạn này, anh ta sẽ bị hủy hoặc giảm quyền được bảo hiểm.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý khi thanh toán phí bảo hiểm bằng cách chuyển khoản.
Khi thực hiện chuyển khoản, bạn cần thận trọng khi nhập số tài khoản để gửi tiền vào đó, tránh trường hợp gửi nhầm tài khoản mà bạn vẫn chắc chắn rằng đã thanh toán phí bảo hiểm.
Như vậy, bạn đã vô tình rơi vào tình trạng thanh toán chậm phí bảo hiểm mà không hay biết.
©Vũ Thu Hương - TINTUCVIETDUC.DE
Hương Vũ(c)tintucvietduc.de