Tiết kiệm sai cách sẽ khiến bạn trở thành người hà tiện, làm giảm chất lượng cuộc sống và mất đi nhiều cơ hội.

Tiết kiệm là phần quan trọng trong việc quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tiết kiệm đúng cách.

Theo chị Trần Thị Mai Hân - chuyên gia tư vấn tài chính, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thuế, việc có một kế hoạch chi tiêu tốt giúp chúng ta chi tiêu trong hạn mức đã đề ra, từ đó duy trì đều đặn khoản tiền kiệm để thực hiện các mục tiêu trong tương lai.

Những kiểu tiết kiệm sai cách

Chuyên gia đưa ra ví dụ về việc một người muốn mua căn hộ nhưng thu nhập hàng tháng ít ỏi. Như vậy, người này cần chi tiêu hợp lý, thậm chí thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm cho mục tiêu mua căn hộ.

Bên cạnh việc tiết kiệm để phục vụ cho mục đích lớn, nếu tiền tiết kiệm được đầu tư và tăng trưởng tốt, đây sẽ là tiền đề của sự giàu có trong tương lai.

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm trong việc tiết kiệm dẫn đến việc chất lượng cuộc sống giảm, các cơ hội cũng ít dần như sau:

- Tiết kiệm sau chi tiêu. Đây là sai lầm kinh điển trong suy nghĩ của nhiều người.

- Không có quỹ dự phòng.

- Tiết kiệm và chỉ giữ tiền trong tủ nên không có khoản sinh lời.

- Cắt giảm chi phí học tập, nâng cao trình độ để đạt mục đích tiết kiệm.

- Cắt giảm chi phí giao tiếp khiến các mối quan hệ bị thu hẹp.

- Cắt giảm chi phí hiếu, hỉ làm cuộc sống dần trở nên đơn độc, không có các mối quan hệ tốt.

- Ăn uống kham khổ, không đủ dinh dưỡng, kéo dài có thể tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe.

- Ăn mặc xuề xòa khiến hình ảnh bản thân ngày càng kém chuyên nghiệp.

- Sử dụng vật dụng rẻ tiền nên hạn sử dụng ngắn, việc thay thế sẽ tốn kém nhiều chi phí hơn.

Cách tiết kiệm đúng

Như vậy, tiết kiệm sẽ chỉ phát huy tác dụng khi tiết kiệm đúng cách. Chuyên gia chia sẻ: "Khi nhận được thu nhập, việc đầu tiên cần làm là cần trích ra một khoản tiết kiệm. Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau chi tiêu mà hãy chi tiêu những gì còn lại sau tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm tùy thuộc vào mức thu nhập chứ không thống nhất chung".

Điều này có nghĩa rằng không thể áp tỷ lệ tiết kiệm 10% cho tất cả. Một người có thu nhập 10 triệu đồng nên tiết kiệm 1 triệu đồng nhưng một người có thu nhập 100 triệu đồng, con số cần tiết kiệm phải lớn hơn 10% (lớn hơn 10 triệu đồng).

1 Sai Lam Kinh Dien Khi Tiet Kiem Nham Lan Voi Ha Tien

Ngoài ra, mỗi người hãy tìm ra phương pháp quản lý chi tiêu phù hợp. Phương pháp 3 chiếc lọ được coi là phương pháp đơn giản, dễ áp dụng với nhiều người.

Cụ thể, khi thu nhập dưới 20 triệu đồng nên trích ra 10-20% cho tiết kiệm; thu nhập 20-50 triệu đồng nên trích ra 20-40% cho tiết kiệm; Thu nhập 50-70 triệu đồng nên trích 30-50% cho tiết kiệm.

Khi không có người phụ thuộc, tỷ lệ tiết kiệm cần tăng cao hơn nữa. Với mức thu nhập trên 50 triệu, bạn cần tăng mức tiết kiệm cao nhất có thể, có thể tham khảo với các mức chi phí ở các mức lương thấp hơn. Ngược lại, khi bạn có nhiều người phụ thuộc, tỉ lệ tiết kiệm có thể giảm xuống.

Cùng với đó, chi phí hưởng thụ nên ở mức 10% thu nhập, tối đa là 15% thu nhập. Đây là chi phí gồm các khoản đi ăn ngoài hàng đắt tiền, mua sắm vượt nhu cầu căn bản, du lịch, giải trí …

Hưởng thụ là không sai nếu chúng ta dùng đúng số tiền cho phép, Việc hưởng thụ là cần thiết bởi nó sẽ tạo động lực, tái tạo năng lượng cho bản thân. Khi đã dành riêng một khoản cho hưởng thụ thì hãy thoải mái chi tiêu trong khoản đó, không cảm thấy lo lắng hay có lỗi với bản thân bởi đây là khoản chi tiêu nằm trong kế hoạch.

Chi phí thiết yếu là khoản chi phí sau khi đã trích ra chi phí tiết kiệm và chi phí hưởng thụ. Đây là chi phí chi trả cho tiền thuê nhà, các tiện ích đi kèm như tiền điện, nước, điện thoại, phí bảo hiểm, học phí, tiền hỗ trợ người phụ thuộc, tiền thuê giúp việc, chi phí ăn uống, mua sắm cơ bản, chi phí đi lại...

Cuối cùng, chuyên gia khẳng định hãy chi tiêu và tiết kiệm đúng cách. Đây chính là tiền đề cho sự ổn định và giàu có trong tương lai.

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo điện tửDân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC