Đối với nhiều người tiêu dùng ở Đức, mạng internet trở thành công cụ hữu ích để săn tìm giá rẻ nhất chỉ với vài cú click chuột đơn giản.
Tuy nhiên, họ cũng cần lưu ý rằng, thực tế các cổng thông tin so sánh giá không thể tìm được tất cả các dịch vụ liên quan để đưa ra cho bạn mức giá thấp nhất.
Hiệp hội tiêu dùng Nordrhein-Westfalen đã khảo sát các dịch vụ so sánh giá trên mạng liệu có giúp những người săn giá rẻ chắc chắn đạt được mục đích của mình hay không.
Kết quả cho thấy nhiều dịch vụ so sánh giá trực tuyến hoàn toàn không đáng tin cậy, trong đó một số trang web so sánh có thể tìm ra được giá rẻ nhất ở dòng sản phẩm này, nhưng ở sản phẩm khác, lại không thể.
Vì vậy, theo chuyên gia Georg Tryba, để có một kết quả đáng tin cậy, người tiêu dùng nên so sánh giá tại ít nhất 3 website so sánh giá.
Một vấn đề khác liên quan đến danh sách kết quả các mức giá rẻ nhất mà web so sánh đưa ra.
Các mức giá rẻ này rất có thể chưa bao gồm chi phí chuyển hàng.
Trên thực tế, có nhiều nhà phân phối miễn phí khâu chuyển hàng, nhưng nhiều hãng khác vẫn tính chi phí này vào giá sản phẩm.
Chính điều này đã làm nên sự khác biệt về giá cho cùng một sản phẩm.
Tuy nhiên các công cụ tìm kiếm giá lại không thể lọc được tính chất này bởi không phải cổng so sánh nào cũng được cài đặt hiển thị giá bao gồm phí chi chuyển hàng.
Vì vậy, người tiêu dùng đừng chỉ căn cứ vào giá rẻ nhất để chọn mua hàng.
Ngoài ra, theo chuyên gia Auer Reisdorff, khi đã xác định được nhà cung cấp rẻ nhất, bạn cũng không nên đặt hàng ngay lập tức, mà cần xem xét tới các tiêu chí khác nữa như:
- uy tín của nhà cung cấp,
- khả năng hủy ngang hợp đồng,
- các điều kiện giao hàng, vv.
Đặc biệt lưu ý tới những hãng cung cấp mà bạn chưa từng biết đến khi phải đặt tiền trước cho họ. "Việc đặt cọc tiền luôn rất nguy hiểm và có thể bị lừa nếu bất cẩn " - Reisdorff cảnh báo.
©Vũ Thu Hương - TINTUCVIETDUC.DE