Cảnh sát Đức cảnh báo trên tờ Báo Đức Rheinische Post về một số chiêu trò mới của bọn trộm cắp ranh ma. TINTUCVIETDUC.DE xin giới thiệu để bạn đọc ở Đức nên biết.
Đối với máy rút tiền tự động:
Nếu bạn đã cho thẻ ngân hàng vào máy và bấm mật mã, nhưng không thấy máy nhả tiền ra thì chưa chắc đã phải là máy hỏng hoặc do lỗi kỹ thuật, mà có thể đã mắc phải trò lừa đảo của bọn trộm cắp ranh ma.
Theo cảnh sát biết được qua 5 vụ lừa đảo ở Paderborn và Altenbeken mới đây, hung thủ dán vào ngăn trả tiền một thanh nhựa trông giống nắp đậy.
Phía sau thanh nhựa là băng dính để ngăn không cho tiền được nhả ra ngoài hoặc máy lại thu hồi.
Khi khách bỏ đi, kẻ cắp sẽ tới và lấy đi „chiến lợi phẩm“.
Cảnh sát khuyên người bị hại không nên bỏ đi, không để ai dụ dỗ rời khỏi máy, cho dù họ giả bộ muốn giúp đỡ, mà nên nhờ khách hàng khác gọi nhân viên ngân hàng, hoặc gọi nhân viên trực bằng máy điện thoại di động, nếu máy không nằm trong ngân hàng.
Nếu ngoài giờ làm việc nên gọi điện báo ngay cho cảnh sát.
Một máy rút tiền bị làm giả. - Ảnh: Rheinische Post
Bọn ăn cắp giả vờ đổi tiền:
Mới đây, một người đàn ông 67 tuổi đã trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo ở một bãi đỗ xe thuộc thị trấn Troisdorf.
Một người lạ mặt đã bắt chuyện, xin ông đổi cho tiền lẻ để trả tiền đỗ xe. Ông vui vẻ giúp.
Sau khi đổi tiền một lúc, ông phát hiện ra rằng đã mất đi bốn tờ giấy bạc mệnh giá 50 Euro.
Theo cảnh sát cho biết, đây là một mẹo vặt quen thuộc:
Trong khi nạn nhân tốt bụng mở ngăn đựng tiền xu, hung thủ sẽ đánh lạc hướng bằng cách tung tiền xu của hắn vào ví, chỉ vào đồng tiền xu muốn đổi hoặc giả tảng bắt chuyện.
Trong khi nạn nhân mất cảnh giác, hắn sẽ lợi dụng cơ hội để thó tiền từ ngăn đựng tiền giấy.
Mẹo vặt của bọn trộm cắp thì có nhiều, nhưng chúng luôn lợi dụng sự bất cẩn và lòng tốt của nạn nhân.
Vì vậy, cảnh giác, hoài nghi lành mạnh và cách cư xử đúng sẽ góp phần tự bảo vệ mình trước bọn kẻ cắp.
Hãy cảnh giác khi người lạ bắt chuyện, cho dù là vì vấn đề gì.
- Những đồ vật có giá trị không để ở túi cầm tay, mà nên để ở túi áo trong hoặc túi đeo trong người.
- Ba lô và túi khoác bên người luôn phải khóa lại và giữ ở tay trong cửa hàng hoặc ở những chỗ đông người.
- Khi mua hàng không để những đồ vật có giá trị như điện thoại di động, ví tiền hoặc chùm chìa khóa trong giỏ mua hàng hay xe mua hàng.
- Khi thanh toán không nên rời tay khỏi ví tiền.
- Không nên để ví tiền, điện thoại di động, chùm chìa khóa trong áo treo ở mắc áo hoặc khoác ở thành ghế.
- Đừng bao giờ treo túi ở thành ghế trong nhà hàng.
- Đừng bao giờ để trơ điện thoại di động trên bàn, mà nên cất trong túi có khóa.
Cẩn thận và cảnh giác sẽ giúp bạn tự bảo vệ được mình và tránh được những phiền toái không đáng có.
©Vũ Thu Hương - TINTUCVIETDUC.DE
Rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại Đức và EU đều đã gặp hoặc nghe nói về những trường hợp bị lừa hoặc mất tiền như thế này.
- Lừa đảo khi mua bán hàng trên EBAY
- Mất hàng trăm € khi nhận đồ Bưu điện
- Chiêu trò móc túi cực nhanh
- Mắc bẫy ký hợp đồng hầu như "vô giá trị"
- Những sản phẩm gian dối trên nước Đức
Trong thời gian tới, TINTUCVIETDUC.DE sẽ cập nhật thêm những thông tin cần thiết tới Cộng đồng để giúp mọi người phòng tránh.
Những bài viết khác về cuộc sống tại Đức, Bạn có thể tham khảo thêm: