Nhóm 16 công nhân Việt Nam đến Canada nhận được sự hỗ trợ từ người dân địa phương khi họ phải sống trong điều kiện tồi tệ, không như lời cam kết trước đó - Ảnh: DAVID WIWCHAR
Theo trang tin địa phương Nanaimo News Now (Canada), một nhóm 16 người đàn ông Việt Nam đã được chuyển đi khỏi thành phố Port Alberni ở đảo Vancouver vào cuối tuần qua, sau khi các cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện họ đang sống trong điều kiện tồi tệ.
Tin vào lời hứa trả lương 30 đô la Canada/giờ
Nhóm người này cho biết họ đã trả 30.000 đô la Canada (CAD) để đến Canada làm việc cho một nhà máy thuộc Tập đoàn San.
Những người này đi qua Canada vì tin vào lời hứa sẽ được trả lương 30 CAD/giờ cùng hỗ trợ chỗ ở.
Tuy nhiên, họ chỉ được trả lương 18 CAD/giờ và cũng không được trả tiền làm thêm giờ.
Họ bị nhồi nhét phải ở chung với hơn hai chục người đàn ông khác trong một trailer xe và không có nước sinh hoạt.
Để có chỗ ở, mỗi người phải trả 350 CAD/tháng cho một giường ngủ trong một phòng ngủ chung.
"Họ không có nước uống. Họ không có những gì cần thiết cho một con người. Đây là điều tệ nhất. Tôi chưa bao giờ thấy người ta sống như thế này ở Việt Nam" - cô Kim Tran, một người dân địa phương gốc Việt, chia sẻ. Cô Kim đang cố gắng giúp đỡ nhóm người Việt này.
Theo trang tin Nanaimo News Now, các cơ quan dịch vụ xã hội tại địa phương đã nắm thông tin về nhóm công nhân từ Việt Nam.
Tập đoàn San nói không thỏa thuận về cung cấp chỗ ở
Ông Michael Ramsay từ nhóm từ thiện Salvation Army mô tả điều kiện sống tại chỗ của nhóm công nhân Việt Nam "thật sự tồi tệ". Ramsay khẳng định tổ chức của ông sẵn sàng cung cấp thực phẩm, chỗ ở, quần áo và các điều kiện an toàn cho những công nhân người Việt Nam.
Cuối tuần qua, ông Ramsay đã cùng đơn vị chống buôn người của nhóm Salvation Army đến thành phố Port Alberni để đưa nhóm công nhân đến nơi ở an toàn.
Trong khi đó, Giám đốc kỹ thuật Raz Hanif của Tập đoàn San nói ông không biết nhóm công nhân đã đến Canada bằng cách nào. Vị lãnh đạo của San đổ lỗi cho bên tư vấn lao động nhập cư, đơn vị sắp xếp sự chuyển giao lao động này.
"Có một người khác phía nhà thầu phụ. Chúng tôi làm việc với anh ta, nhưng tôi không biết hợp đồng chính ở đâu cũng như các thông tin như nhóm công nhân được trả bao nhiêu tiền và những thứ khác", ông Hanif phân bua.
Theo ông Hanif, Tập đoàn San không có thỏa thuận về cung cấp chỗ ở hay những điều kiện tương tự cho nhóm công nhân.
NGHI VŨ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online