Chín người bỏ trốn
Ngày 23/9, báo chí Hàn Quốc đưa tin về việc 9 người Việt trong số các thành viên đi cùng phái đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam vào tháng 12/2018 đã bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc.
Xác nhận thông tin vụ việc, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đây là vụ việc liên quan đến những người tham gia Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ KH&ĐT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức, không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội.
Thị thực nhập cảnh cấp cho những người này là để đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc chứ không phải thị thực ngoại giao, tham dự thành phần Đoàn công tác của Quốc hội. Để thuận tiện cho việc tham dự diễn đàn, đoàn doanh nghiệp này đã đi nhờ chuyên cơ của Đoàn công tác của Quốc hội. Trước khi đoàn này về nước, các cơ quan hữu quan đã phát hiện có 9 người bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật.
Đài Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ 9 người Việt trong đoàn công tác trốn ở lại trái phép
Giải thích về việc lập danh sách đoàn công tác, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: "Chúng tôi xét duyệt, xem xét từng trường hợp tham gia. Trong quá trình đó, có thể sơ suất, ai đó lợi dụng sang đó rồi bỏ trốn. Chúng tôi giữ cả hộ chiếu mà họ còn bỏ trốn. Đây là những nhân vật có ý đồ, cố tình, là sự việc đáng tiếc". Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho hay, những trường hợp này đều được Bộ phối hợp với công an làm các thủ tục rất chặt chẽ.
Tìm được 2 người sau... 10 tháng
Ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản trao đổi với Bộ Công an, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao để phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc bằng các biện pháp đưa những người bỏ trốn trở về Việt Nam. Đến nay đã đưa được 2 người về nước. Cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan phía Hàn Quốc để tìm những người còn lại, trục xuất về nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đang chuẩn bị thông báo cho báo chí về việc 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. Theo đó, các cơ quan đã phối hợp tích cực với Bộ Công an tìm những người bỏ trốn và sẽ tiếp tục tìm, xử lý theo quy định của pháp luật. Chiều 26/9, Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ rà soát và rút kinh nghiệm.
Ngay sau đó, nhiều thắc mắc tại sao một vụ việc nghiêm trọng đến như vậy, ảnh hưởng đến danh dự quốc gia Việt Nam, xảy ra đã 10 tháng, mà Việt Nam hoàn toàn không chủ động thông tin? Nếu Hàn Quốc không công khai, chắc việc này không bao giờ người dân Việt Nam biết được.
Nhiều người trốn lại nước ngoài khiến việc cấp visa cho người Việt gặp nhiều khó khăn
Không còn xa lạ
Thực tế đã có rất nhiều vụ việc người Việt trốn ở lại nước ngoài sau khi đi công tác, du lịch. Vào ngày 25/12/2018, cơ quan quản lý du lịch Đài Loan xác nhận 152 trên tổng số 153 người trong một đoàn du lịch từ Việt Nam tới TP Cao Hùng đã biến mất.
Đoàn du lịch chia thành bốn nhóm lần lượt hạ cánh xuống TP Cao Hùng từ ngày 21 - 23/12/2018. Tuy nhiên, công ty quản lý đoàn du lịch này thông báo với nhà chức trách Đài Loan rằng không thể xác định vị trí của nhóm du khách.
Việt Nam là 1 trong 6 nước châu Á được hưởng chính sách ưu đãi về thủ tục xin thị thực du lịch Đài Loan từ năm 2015. Trong 3 năm áp dụng chính sách này, các vụ việc du khách Việt Nam biến mất tại Đài Loan thường xuyên xảy ra với số lượng khoảng vài người mỗi đoàn.
Cũng trong năm 2018, một công ty logistics của Nhật Bản cũng xảy ra vụ việc tương tự. Theo đó, công ty tổ chức đoàn 5 người sang Nhật Bản bồi dưỡng nghiệp vụ trong 6 tháng. Tuy nhiên, ngay khi xuống sân bay thì 2 trong số 5 người trên đã tách đoàn và trốn ở lại.
Đáng buồn hơn khi những quốc gia hay được người Việt chọn để trốn ở lại thường đang có chính sách ưu đãi về thị thực với Việt Nam. Theo đó, các đoàn du lịch từ 5 người trở lên có thể xin thị thực điện tử, thông qua các công ty du lịch được chỉ định, để nhập cảnh mà không cần giấy tờ chứng minh tài chính.
Nguồn: Xuân Phú/ giaoducthoidai.vn