Bà Trần Tố Nga nói vào chiều 10/5: "Trong 10 năm qua tôi đã đi một bước đường dài trong cuộc đấu tranh, và bây giờ tôi chuyển sang một cuộc chiến mới".
Bà khẳng định mình vẫn sẽ tiếp tục vụ kiện.
Sáng cùng ngày, tòa án Pháp chính thức ra quyết định về đơn khiếu nại của bà Trần Tố Nga chống lại 14 công ty đã sản xuất và bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Tòa phán quyết đơn kiện của bà Nga là một đơn kiện "không được chấp nhận", theo AFP.
Năm 2014, bà Nga đã đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam, bao gồm Monsanto - công ty hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer (Đức), và Dow Chemical. Phiên tòa diễn ra từ hôm 25/1 tại tòa án ở Ervy, ngoại ô Paris.
Bà Nga tại một buổi mít tinh ở Paris hồi cuối tháng 1. Khoảng 300 người tham gia để ủng hộ vụ kiện của bà. Ảnh: Collectif Vietnam Dioxine.
Phát biểu trước phiên tòa hôm 25/1, bà Nga nói: "Tôi không đấu tranh cho bản thân mình mà cho các con tôi và hàng triệu nạn nhân".
Bà Nga đã phải chịu đựng các tác động điển hình của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường type 2 và một dạng dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp. Bà cũng mắc bệnh lao hai lần, bị ung thư và một trong các con gái của bà đã qua đời vì dị tật tim.
"Tôi là thế hệ đầu tiên hứng chịu thương tích, con gái tôi cũng là nạn nhân và giờ cháu gái tôi mắc bệnh. Riêng gia đình tôi, ba thế hệ đã đau khổ", bà nói.
"Tôi đã gần 80 tuổi. Tôi là người duy nhất có thể làm được điều này. Nếu tôi chết đi, mọi thứ cũng biến mất theo tôi. Điều tôi thực sự mong muốn là hàng triệu nạn nhân có thể có hy vọng sau phiên tòa này".
Các công ty đa quốc gia nói họ không thể chịu trách nhiệm về cách quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của họ vào thời điểm chiến tranh. Họ cho rằng các nhà chức trách Mỹ, không phải nhà cung cấp, mới cần phải chịu trách nhiệm.
Tại tòa, ông Jean-Daniel Bretzner, luật sư của Bayer-Monsanto, nói thân chủ của ông đã hành động "theo lệnh của một nhà nước và thay mặt một nhà nước", và do đó sẽ được hưởng quyền miễn trừ truy tố.
Cuối cùng, ông cho rằng tòa án Pháp không đủ thẩm quyền để đưa ra phán quyết về vụ việc.
Theo: ZING.VN