Với Trang Phương Trinh (sinh năm 1990) - bác sĩ khoa Nhi tại Bệnh viện New York Presbyterian (Mỹ), cuộc sống của cô trong những ngày tháng 3 như "trong tâm bão".
"Tôi không thể giải thích hay diễn tả bằng lời được hết những gì đang diễn ra trong bệnh viện bây giờ".
Trinh mô tả chỉ trong vòng 1 tháng, thành phố New York đã thay đổi đến chóng mặt. Hiện tại, khi ở trong tâm dịch, mỗi ngày đi làm trong bệnh viện với cô đều "như đang đi ra chiến trường, và ai cũng có chung một nỗi niềm, lo lắng và bất lực".
Dù đang gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm ở tuyến đầu chống dịch, bác sĩ người Việt nói với Zing.vn một cách quả quyết: "Đó là nghề chúng tôi đã chọn. Chỉ cần mọi người ở nhà đừng để lây lan dịch bệnh".
“Mỗi ngày đi làm với tôi đều như đang đi ra chiến trường, và ai cũng có chung một nỗi niềm, lo lắng và bất lực”. Ảnh: NVCC.
10 ngày thay đổi tất cả
Đầu tháng 3, Trinh và chồng - anh Ian Randolph Yarett, cũng là bác sĩ ở New York - rủ nhau "đi phượt" xuyên bang trong kỳ nghỉ. Lúc này, New York và nước Mỹ vẫn hoạt động bình thường. Dịch bệnh hầu hết chỉ ở thành phố Seattle, bang Washington.
"Ngay trong bệnh viện mọi người cũng chỉ nói về Covid-19 như thể nó ở tận đâu xa lắm và không liên quan đến mình. Chỉ là những ai đi du lịch từ những nước có dịch về thì phải cách ly 14 ngày", Trinh mô tả trong bài viết trên trang cá nhân.
Hai vợ chồng Trinh không lên kế hoạch đi chơi xa như mọi lần vì cần ở lại dự đám cưới bạn thân. Ngày xuất hành đi chơi, cả hai đùa với nhau rằng nếu người nào dự đám cưới này bị nhiễm bệnh cũng không sao, vì hơn nửa khách mời là bác sĩ.
Tuy nhiên, "chỉ trong vòng 10 ngày, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt", Trinh viết.
Ngày 1: Ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở New York. Bệnh viện của Trinh và Ian đều gửi email nhắc nhở mọi người cẩn thận, chú ý rửa tay thường xuyên.
Ngày 2: Email từ bệnh viện nhắc lại từng bước mặc dụng cụ bảo hộ (PPE) trong trường hợp có bệnh nhân nghi mắc Covid-19.
Ngày 3: Ca bệnh thứ 2 xuất hiện, không phải trong New York mà ở vùng ngoại ô New Rochelle. Đây là ca siêu lây nhiễm khi bệnh nhân này nhập viện từ cách đó vài ngày với chẩn đoán viêm phổi, nhưng hoàn toàn không được cách ly.
"Khi đọc tin, tôi bắt đầu thấy rùng mình khi nghĩ đến người thân và nhân viên trong bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân này. Họ hoàn toàn không mặc đồ bảo hộ. Tôi nghĩ rằng trong vài ngày tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ca lây nhiễm từ người này", Trinh nói.
Ngày 4: Có 9 ca bệnh mới và đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Bệnh viện của Trinh và Ian tiếp tục gửi email nhắc nhở nhân viên nên hạn chế đi du lịch đến các quốc gia có dịch, và nếu không cần thiết thì đừng nên đi đâu cả. Lúc này, dịch đã bùng phát mạnh mẽ tại Italy.
Với 122.666 ca nhiễm bệnh tính đến tối 29/3, Mỹ hiện là quốc gia có trường hợp dương tính với Covid-19 lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Ngày 5: Bệnh viện email nhắc mọi người lúc nào nên dùng khẩu trang N95, lúc nào dùng khẩu trang thường. Trong email, họ cũng cấm lấy nước rửa tay khô trong kho ra dùng.
"Lúc đọc email này tôi thấy buồn cười, vì nước rửa tay khô bình thường để đầy trong kho, còn phát miễn phí cho bệnh nhân nữa, cớ gì phải cấm như vậy. Nhắn tin hỏi bạn thì mới biết do mọi người bắt đầu mua sạch sản phẩm này trong siêu thị. Bệnh nhân và người đi thăm bệnh bữa giờ đã 'chôm' hết trong bệnh viện. Bởi vậy, bây giờ nó là hàng hiếm và không được dùng thoải mái như xưa nữa", nữ bác sĩ nhớ lại.
Ngày 6: New York có 44 ca bệnh, hầu hết đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Email từ bệnh viện thông báo tất cả buổi họp hay bài giảng nào có nhiều hơn 25 bác sĩ đều bị huỷ bỏ. Họ bắt đầu lo sợ nếu nhiều bác sĩ bị bệnh cùng lúc thì sẽ không có ai chăm sóc bệnh nhân.
Ngày 7: New York có 89 ca. Bệnh viện thông báo tất cả bác sĩ và nhân viên đang làm việc ở nước ngoài đều phải quay về ngay lập tức. Bạn bè nội trú của Trinh đang thực tập 1 tháng ở châu Phi cũng phải trở về. Bệnh viện cũng yêu cầu các bác sĩ đang được nghỉ phép phải khai báo là đã đi đâu và định đi đâu. Trinh và Ian đều phải đưa ra lịch trình đi chơi.
"Lúc này chỉ mong về nhà ngay vì cảm thấy tình hình khá căng thẳng", Trinh nói.
Ngày 8: Số ca tăng lên 106. Bệnh viện yêu cầu nhân viên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đều phải ở nhà, không được đi làm để tránh lây nhiễm.
Ngày 9: 142 ca. Italy thông báo lệnh phong toả toàn quốc. Trước tình cảnh quá tải ở bệnh viện Italy, bệnh viện tại New York bắt đầu lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra ở đây.
Bệnh viện của Trinh thông báo số đồ bảo hộ (PPE) bắt đầu bị thiếu hụt và yêu cầu hạn chế số người ra vào phòng bệnh nhân để tiết kiệm đồ bảo hộ.
Ngày 10: 173 ca. Trinh và Ian về New York, chuẩn bị đi làm lại, và bước thẳng vào tâm bão.
Những cái chết đau đớn và cô độc nhất
Từ ngày 10 đến hôm nay, Trinh mô tả cuộc sống trong tâm dịch hoàn toàn mất kiểm soát.
Tất cả bệnh viện ở New York hiện hoàn toàn quá tải. Số ca bệnh tăng lên gấp đôi mỗi 3 ngày. Số lượng bệnh nhân bị nặng và cần đặt nội khí quản khá cao, trong khi số máy thở đang vơi dần.
Chiều 28/3 (giờ Mỹ), bệnh viện của Trinh và Ian chỉ còn khoảng 100 máy thở mỗi nơi. Nhưng nữ bác sĩ nói vấn đề không phải chỉ ở số máy thở, mà còn là thiếu hụt số phòng và nhân viên có thể chăm sóc bệnh nhân.
"Hiện giờ cả khoa Nhi của bệnh viện tôi làm đã phải dọn qua bệnh viện khác để dành phòng cho bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện dã chiến đang được dựng lên khắp nơi. Chính phủ đang kêu gọi các bác sĩ đã về hưu quay lại làm việc vì không đủ nhân lực", Trinh kể.
Bên cạnh đó, số đồ bảo hộ ở bệnh viện Trinh làm cũng vơi dần. Ban đầu, bệnh viện quy định tất cả phải mang N95 khi khám bệnh nhân nghi nhiễm và phải thay khẩu trang giữa các bệnh nhân.
Tuy nhiên, khi số lượng N95 giảm mạnh, quy định mới là được phép dùng lại N95 trong một ngày, rồi đổi thành chỉ được dùng N95 khi đặt nội khí quản, còn lại phải đeo khẩu trang thường.
Đến khi số lượng khan hiếm cùng cực, mỗi bác sĩ chỉ được phát một khẩu trang (loại dùng 1 lần) và phải dùng đến khi nào có hàng mới về, ngày này qua ngày khác.
"Bình thường, chuyện dùng lại khẩu trang là chuyện không tưởng. Nếu bị bắt gặp sẽ bị phạt ngay. Nhưng thời điểm này, bao nhiêu quy định đều không còn tác dụng gì hết".
Đội ngũ y tế Mỹ đang căng mình chống dịch trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng đồ bảo hộ. Ảnh: Getty.
Với Trinh, hiện thực đau lòng nhất là hầu hết bệnh nhân Covid-19 đều ra đi một mình.
Để ngăn ngừa sự lây lan, bệnh viện quy định người nhà bệnh nhân không được vào thăm. Rất nhiều gia đình phải nhìn người thân của mình ra đi qua FaceTime. Và rất nhiều gia đình còn không hay biết người thân của mình đã mất vì bệnh viện không thể liên lạc với họ.
"Mất vì bệnh này, nếu không được tiêm morphine, là cảm giác như đang chết ngạt, khi phổi không còn cung cấp oxy cho cơ thể được nữa. Đó là cái chết đau đớn và cô độc nhất", Trinh xót xa nói.
Hầu hết nhà xác đều đã quá tải, thành phố phải đem xe tải đông lạnh tới chở xác. Vì lệnh cấm tập trung đông người, người mất đi không được tổ chức đám tang. Thân nhân cũng không thể gặp họ lần cuối.
Và dịch bệnh còn ảnh hưởng tới rất nhiều người.
Người dân xếp hàng dài chờ tới lượt được thăm khám sức khỏe tại New York hôm 25/3. Ảnh: AP.
Đó là các sản phụ phải đi sinh nở một mình, không có chồng hay người nhà vào thăm để tránh lây nhiễm.
Đó là các nội trú sinh các ngành khác nhau được điều động đến giúp ngành đa khoa và cấp cứu, khi họ hoàn toàn kiệt quệ về sức lực. Quá nhiều bác sĩ đã mắc bệnh và phải ở nhà.
Đó là sinh viên năm cuối trường Y được xét tốt nghiệp sớm để bổ sung nguồn bác sĩ mới chi viện cho các bệnh viện trong đại dịch.
Đó là các y bác sĩ, nhân viên y tế như Trinh và Ian, đều không dám về nhà hay gặp người thân vì sợ lây nhiễm bệnh.
Cả tuần nay, mẹ chồng Trinh đều tới nhà, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cách vài m và nói chuyện với 2 con qua cửa sổ.
"Hôm qua, bà lại đòi vào nhà. Ian phải nói: 'Mẹ không được để bị lây bây giờ. Nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, mẹ phải vào một mình. Và nếu phải lựa chọn giữa mẹ và một bệnh nhân khác trẻ hơn, bác sĩ chắc chắn đưa máy thở cho người kia vì cơ hội sống cao hơn. Nếu chuyện đó xảy ra vì con lây cho mẹ, con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được'. Thế là bà lại phải quay ra".
Đó là mỗi người phải sống trong nỗi sợ lây bệnh cho chồng/vợ/người yêu ở cùng nhà. Bạn bè Trinh có người phải xuống ở tầng hầm, ngủ giường riêng, ra thuê khách sạn để ở. Người nào có con thì phải gửi về ở với ông bà và tuyệt đối không dám gặp mặt.
"Hai đứa mình vì cùng là bác sĩ nên không có đường nào thoát. Và cứ mặc định là đứa nào bị trước cũng sẽ lây cho đứa kia thôi".
Ngay lúc này, các bác sĩ đều hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con. Vợ chồng cũng phải dặn nhau trước rằng nếu rơi vào trạng thái hôn mê, thì nên đặt nội khí quản hay cứ thế ra đi thanh thản.
Lời nói họ vẫn hay đùa rằng: "Nếu em có chuyện gì thì anh cứ đi lấy vợ mới đi", trong thời điểm này, lại thành ra thật nhất.
Và cũng chính thời điểm này, những ông bố, bà mẹ có con đi làm trong bệnh viện đều như đang ngồi trên đống lửa.
Mẹ chồng Trinh mua đủ thứ thuốc bổ khác nhau, bắt hai con uống. Mỗi ngày, bà đều tiếp tế lương thực cho Trinh và Ian, nhưng chỉ dám để trước cửa vì không được gặp mặt.
Mẹ của bạn Trinh, mỗi khi con gái trực lại thức nguyên đêm nói chuyện cùng vì lo đến mức không thể chợp mắt. Ba người bạn cũng năn nỉ nữ bác sĩ này xin nghỉ làm đến khi nào hết dịch rồi trở lại.
"Nhưng thời điểm này không ai nỡ xin nghỉ. Vì trách nhiệm với bệnh nhân và cả trách nhiệm với đồng nghiệp nữa", Trinh nói.
Niềm tin vào "thành phố không bao giờ ngủ"
Với Trinh, dịch bệnh không phải chỉ mang đến khó khăn, mệt mỏi. Đây là thời điểm giúp cô thêm trân quý những gì mà gia đình, bạn bè và cộng đồng đang chung tay góp sức giúp đỡ y bác sĩ chống dịch.
New York - thành phố không bao giờ ngủ - vắng lặng trong những ngày bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Getty.
Đó là khi nhận được tin từ bệnh viện chỉ còn đủ 1 khẩu trang cho mỗi bác sĩ, Trinh đã gửi tin nhắn cầu cứu đến một loạt bạn bè, hỏi xin mua lại từ ai còn.
Chỉ trong vòng vài ngày, mỗi người bạn, bằng cách nào đó, đều kiếm được vài chục chiếc khẩu trang gửi về cho Trinh. Bố mẹ cô cũng chạy khắp thành phố kiếm nơi bán khẩu trang để gửi lên. Nhờ vậy, nữ bác sĩ đã có đủ khẩu trang, ít nhất đến khi có hàng mới về bệnh viện.
Đó là khi hàng loạt nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn quyết định tặng phần ăn cho bác sĩ và y tá để họ tập trung làm việc. Chỉ cần đưa thẻ ID bệnh viện, nhân viên y tế sẽ được ăn miễn phí, thậm chí được giao đồ ăn tới tận nơi. Các nhãn hiệu giày và quần áo cũng tặng sản phẩm cho y bác sĩ. Cả thành phố bây giờ đều dồn lực và hy vọng về các bệnh viện.
Đó là khi người dân cả thành phố hẹn nhau 19h ngày 28/3 cùng vỗ tay cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện.
"Tới đúng giờ, ngồi trong bệnh viện nhìn ra là thấy một loạt người dân đứng ở ban công vỗ tay náo nhiệt, trong khi vẫn giữ đúng luật không đi ra đường và không đứng gần nhau. Tôi lại cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết".
Kết thúc lời tâm sự cho "tháng 3 đầy bão táp", bác sĩ Trang Phương Trinh tin rằng New York sẽ qua được đại dịch này.
"Cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu nữa, không ai biết được. Nhưng Covid-19 sẽ qua đi và thành phố này sẽ trở lại như xưa. Vì ở đây có những con người luôn hết mình. Và vì nó luôn có một niềm tin bất diệt vào thành phố không bao giờ ngủ".
Trang Phương Trinh sinh năm 1990, từng học tại THPT Gia Định (TP.HCM). Cô tốt nghiệp ngành Hoá Sinh tại Đại học Baylor và ngành Y của Johns Hopkins - nằm trong top 5 trường Y khoa của Mỹ.
Theo New York Times, bác sĩ Trinh nhận công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện New York Presbyterian từ tháng 6/2017. Cùng khoảng thời gian này, cô kết hôn với bác sĩ Ian Randolph Yarett tại Greenwich, Connecticut.
Nguồn: Thảo Thu/ Zing.vn