Sinh viên đại học trên toàn nước Mỹ đã và đang vào mùa tốt nghiệp, trong đó có rất nhiều sinh viên gốc Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có vinh dự được đọc bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp trước hơn 10,000 sinh viên như Bùi Nguyễn Quỳnh Nga, một sinh viên gốc Việt của đại học California State Polytechnic Pomona, hay gọi tắt là Cal Poly Pomona.

Bùi Nguyễn Quỳnh Nga, qua Mỹ 6 năm, thủ khoa đại học Cal Poly Pomona - 0

Bùi Nguyễn Quỳnh Nga, sinh viên quản trị kinh doanh thủ khoa của Cal Poly Pomona. (Hình: Cal Poly Pomona cung cấp)

Cal Poly Pomona thuộc California State University (viết tắt là Cal State hoặc CSU), hệ thống các đại học công lập bốn năm ở California với 23 trường và 8 trung tâm. CSU có 478,638 sinh viên với 24,405 giảng viên và 23,012 nhân viên.

Qua Mỹ muộn nhưng học không muộn

Bùi Nguyễn Quỳnh Nga học ngành quản trị kinh doanh tại Cal Poly Pomona. Cô sinh ra ở Quảng Ngãi và mới sang Mỹ 6 năm. Cũng như nhiều người Việt trẻ đến Mỹ để định cư, cô rất coi trọng chuyện học vấn. Nhưng trường hợp của Nga rất đặc biệt.

Cô kể với phóng viên Người Việt rằng mình đang là sinh viên đại học năm thứ ba ở Việt Nam, chỉ còn hai học kỳ nữa là tốt nghiệp và nhận bằng thì bố mẹ quyết định đưa cả nhà sang Mỹ để đoàn tụ gia đình với ông bà nội ở Rosemead, California.

“Bố mẹ muốn Nga và những người em có một cuộc sống tốt hơn, có những điều kiện tốt hơn,” Nga kể.

Cô kể thêm về những khó khăn trong những ngày tháng đầu tiên sau khi qua Mỹ.

“Rào cản lớn nhất với Nga là ngôn ngữ vì giấy tờ phải chờ đợi hơn 10 năm nên Nga không nghĩ mình sẽ đi Mỹ thật. Khi qua đến đây thì người ta nói rất khó nghe vì học tiếng Anh ở Việt Nam, phát âm rất khác. Rào cản thứ hai là tài chính vì qua đây mình phải bắt đầu lại từ đầu, phải vừa đi học vừa đi làm để giúp bố mẹ có được cuộc sống ổn định hơn.”

Đối với hòa nhập vào cuộc sống ở xã hội Mỹ, cô cho biết các bạn bè ở trường rất dễ dàng và rất thân thiện nên Nga cảm thấy rất thoải mái.

Cuộc sống thì hiện đại và rất dễ đáp ứng. Là một người từng học đại học ở Việt Nam, cô cho rằng hai nước khác xa nhau vì sinh viên ở Mỹ được nhà trường hỗ trợ rất nhiều từ tài chính đến thời gian và được quyền lựa chọn lớp học thoải mái để phù hợp với giờ giấc của từng người. Trường còn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình học và gặp gỡ những cựu sinh viên đã đi làm để chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Về chuyện học, Nga kể: “Mỗi ngày Nga đều đi học bình thường ở trường rồi còn đi dạy kèm cho những sinh viên cùng ngành để giúp họ về những môn yếu. Ngoài ra, Nga còn làm phụ tá, dạy cho các sinh viên học ngành tài chính hiểu biết thêm về trao đổi, mua bán cổ phiếu.

Trong email mà Cal Poly Pomona gửi đến nhật báo Người Việt, nhà trường cho biết Nga thường dùng kiến thức, hiểu biết về tài chính để giúp mọi người và các công ty cải thiện tình hình của mình. Nga kể: “Nga dùng kiến thức về tài chính mà mình học được để giúp những người không hiểu biết nhiều về thị trường để người ta làm ăn tốt hơn.”

Bùi Nguyễn Quỳnh Nga, qua Mỹ 6 năm, thủ khoa đại học Cal Poly Pomona - 1

Nga (áo tím, giữa) và gia đình tại nhà ở Rosemead. (Hình: Thiện Lê)

Đường đến thư khoa

Khi sang Mỹ, Nga vào học đại học cộng đồng và có điểm GPA 4.0. Sau đó, cô chuyển lên Cal Poly Pomona và tốt nghiệp với điểm GPA 3.97, là thủ khoa của ngành quản trị kinh doanh. Vì vậy, cô được trường mời phát biểu tại lễ tốt nghiệp trước hơn 10,000 sinh viên vào ngày 9 Tháng Sáu tới đây.

Nhưng điều gì khiến Nga nỗ lực học hành như vậy? Cô cho hay: “Nga nghĩ con đường cơ bản nhất để thành công là con đường học hành. Nga muốn cố gắng để những người em của mình noi theo và chứng tỏ được bản thân rằng tuy là mình qua Mỹ sau, nhưng cũng có thể cố gắng hơn được những người khác.”

Cảm nghĩ của Nga về việc được phát biểu trước 10,000 sinh viên ra sao? Cô chia sẻ: Nga nghĩ mình qua sau người ta, điều kiện không bằng, nhưng cố gắng và nỗ lực của mình sẽ xứng đáng. Nga cảm thấy rất hãnh diện cho cả bản thân và cho gia đình.

Nga còn cho biết một số điều mà cô muốn nói tại lễ tốt nghiệp của Cal Poly Pomona.

“Nga muốn cám ơn những giáo sư và các nhân viên nhà trường đã giúp đỡ mình trong lúc đi học. Nga cũng muốn cám ơn gia đình và bạn bè lúc nào cũng bên cạnh để giúp đỡ mình. Nga muốn nói với các bạn cùng tốt nghiệp khóa 2018 rằng tốt nghiệp không phải là mục đích cuối cùng, mà chỉ là mở rộng một cánh cửa mới để tiến đến sự nghiệp mới. Tuy sẽ có nhiều trắc trở, nhưng Nga muốn mọi người giữ tinh thần cố gắng như lúc còn đi học và phải cố hơn nữa để theo đuổi được sự việc mình muốn làm.”

Với các bạn sinh viên trẻ tuổi, Nga tâm sự: “Khi đi học tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng các bạn đừng nản lòng, đặc biệt là các bạn mới qua như Nga phải cố nhiều nữa để theo đuổi được ước mơ của mình.”

Gia đình Nga thì nghĩ sao về việc Nga là thủ khoa và được mời phát biểu trước toàn trường như vậy? Tuy không gặp được bố mẹ của Nga để hỏi cảm nghĩ, những phóng viên Người Việt được gặp bà Trần Thị Hương, bà nội của Nga.

Bà Hương cho biết: “Gia đình tui rất hãnh diện có một đứa cháu ngoan và rất chịu khó học hành từ hồi nhỏ đến giờ.”

Về tương lai sau khi tốt nghiệp, Nga cho biết cô đang đi phỏng vấn tìm việc ở một vài chỗ và cho rằng tương lai của mình đang rộng mở.

 

Nguoofn: Nguoi-viet.com




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC