Hiện tại Phương đang sống và học tập ở Seoul cùng mẹ và con gái. Ảnh: NVCC
Lê Nguyễn Minh Phương hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc). Ảnh: NVCC
Cô gái sinh năm 1987 chia sẻ, 'cuộc đời Phương có nhiều đoạn đường lắt léo'. Nhưng chính những biến cố trong cuộc sống đã dạy cô nhiều bài học, cho cô thêm dũng khí và ý chí để vượt qua những thử thách.
Tốt nghiệp cấp 3, thành trụ cột kinh tế gia đình
Cuộc đời Phương bắt đầu gặp biến cố khi vừa học hết cấp 2 thì ba mẹ cô ly hôn. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai mẹ - người phụ nữ khi đó vừa không có tài sản, vừa đang nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con cái.
Cú sốc khiến Phương gặp khủng hoảng. Mãi đến năm lớp 12, khi tâm lý ổn định, Phương mới thực sự quay trở lại việc học.
Sau khi Phương tốt nghiệp cấp 3, biết một mình mẹ không thể lo cho mình học đại học, Phương đã tạm gác ước mơ này lại trong vòng 2 năm. Suốt 2 năm ấy, Phương làm đủ các công việc để mưu sinh.
Phương cũng tự học tiếng Anh và ôn thi SAT. Sau đó, cô bắt đầu 'chinh phục' tiếng Hàn cũng bằng việc tự mua sách về học.
Thời điểm đó, Phương đã từng có suy nghĩ sẽ không học đại học nữa mà tìm một công việc để có thể lo cho cuộc sống của 2 mẹ con tốt hơn. Nhưng chính mẹ là người đã ngăn cản ý định đó, thuyết phục cô tiếp tục việc học.
Là 1 trong 3 sinh viên có điểm đầu vào cao nhất của chuyên ngành tiếng Hàn, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, trong 4 năm học đại học, Phương nhận được nhiều học bổng của trường cũng như các quỹ học bổng của hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ở lại trường làm giảng viên. Công việc bắt đầu ổn định, Phương quyết định kết hôn.
Những biến cố trong cuộc sống đã giúp Phương trở thành một người phụ nữ nghị lực và sẵn sàng đối mặt với thử thách. Ảnh: NVCC
Năm 2012, Phương thi đỗ suất học bổng thạc sĩ vào 3 trường đại học uy tín của Hàn Quốc. Nhưng cũng thời điểm đó, Phương biết tin mình mang thai nên gác lại giấc mơ.
Năm sau, Phương tiếp tục thi và trúng học bổng thạc sĩ thì một biến cố lại ập đến. Cô và chồng ly hôn. Phương đành để con gái cho bà ngoại chăm sóc, một mình sang Hàn Quốc học tập.
200 đô la trên đất Seoul và ước mơ đoàn tụ
Lần đầu tiên đặt chân tới Seoul chỉ với 200 đô la trong tay, mặc dù có học bổng nhưng cô đã phải nghĩ ngay đến việc đi làm thêm để có tiền lo cho con gái và mẹ ở quê nhà. Phương cũng muốn nhanh chóng tìm cách đón 2 bà cháu sang ở cùng.
'Là một người mẹ, mình không muốn bỏ lỡ những cột mốc phát triển của con trong những năm tháng đầu đời' - Phương nói.
Cố gắng là thế, nhưng mỗi lần con gái dang 2 tay đòi bế hay vừa nhìn thấy mẹ đã vội hôn lấy hôn để vào màn hình, cô lại không kìm được nước mắt, chỉ muốn bỏ hết tất cả để quay về. Nhưng rồi cô lại tự nhủ, phải thật kiên cường để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Quyết định sang Hàn Quốc học thạc sĩ, Phương phải tạm rời xa con gái một thời gian. Ảnh: NVCC
Thời gian đầu, khó khăn chồng chất, việc đi học đi làm bộn bề, Phương thường xuyên phải làm việc trong khoảng từ 23 giờ tới 2-3 giờ sáng hôm sau. Những giấc ngủ trên tàu điện ngầm là lúc cô tái tạo năng lượng cho một ngày làm việc mới.
Chỉ sau 9 tháng ở Seoul, Phương đã thực hiện được mục tiêu đón 2 bà cháu sang đoàn tụ.
'Ngày mai tiền đâu đi chợ?'
Đầu năm 2016, Phương tốt nghiệp thạc sĩ và tiếp tục nhận suất học bổng tiến sĩ dành cho những sinh viên nước ngoài xuất sắc nhất ĐH Yonsei. Con đường học hành của cô lại tiếp tục bị thử thách.
Đã có những ngày, cô trở về nhà và tự hỏi 'Ngày mai tiền đâu đi chợ lo cho con?'. Nhưng 'nhờ được 'trời thương' nên hôm sau cô lại may mắn có người quen giới thiệu công việc mới.
Lịch làm việc của Phương dày đặc với đủ các loại công việc: đi phiên dịch, làm phát thanh viên, phóng viên cho đài KBS của Hàn Quốc, nhận biên dịch tại nhà, tham gia các hoạt động cộng đồng… Thậm chí có thời điểm 2-3 ngày Phương mới được ngủ một lần.
Hiện tại, với thu nhập từ những công việc bán thời gian và phiên dịch tự do, để lo cho cả gia đình sống ở Seoul, khó khăn với 3 mẹ con Phương vẫn còn rất nhiều. Nhưng, có mẹ và con gái ở bên, cô cảm thấy rất vững tin.
Nếu như báo chí Hàn Quốc gọi Minh Phương là 'nàng Lọ Lem' thì trong buổi vinh danh các công dân danh dự của Seoul, một thành viên Hội đồng xét tuyển đã đánh giá Phương là một hình mẫu cho nữ giới trong việc nỗ lực vượt qua những rào cản vô hình, những sự bất bình đẳng về giới, mang lại thông điệp của niềm hy vọng.
Phương chia sẻ, từ năm 2020, cô sẽ bớt các công việc để tập trung hoàn thành luận văn tiến sĩ. Với danh hiệu 'Công dân danh dự của thành phố Seoul' vừa được trao tặng hồi giữa tháng 11, cô hi vọng trong thời gian tới sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa trong việc kết nối, thúc đẩy giao lưu và quảng bá văn hoá giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Nguồn: Nguyễn Thảo/ Vietnamnet.vn