Thibault và Nguyên về tới Sài Gòn, chính thức kết thúc chuyến đi 16.000km từ "nhà anh" về "nhà em", trao tặng tổ chức "Poussières de Vie" món quà được đúc kết bằng tình thương yêu và sự tử tế.

Đêm cuối ở Lào, Nguyên ngước nhìn những vì sao sáng trên trời. Người bạn hỏi Nguyên cảm thấy ra sao khi chỉ còn cách biên giới 7 km và ngày mai, về tới Việt Nam sau gần một năm trời xa cách. Nguyên không biết diễn tả sao nữa.

Sáng hôm sau, Nguyên và Thibault đạp xe hướng về cửa khẩu Tây Trang (bản Ka Hâu, xã Nà Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Mỗi km đi qua, đôi vợ chồng trẻ càng cảm nhận rõ rệt hơn thứ gọi là "không khí quê hương". Không còn nghi ngờ gì nữa, thật sự là về đến Việt Nam sau 14.500km, 18 quốc gia, trên 2 chiếc xe đạp Monster và Tank thân thương.

Nguyên và Thibault được kiểm tra thân nhiệt đề phòng dịch bệnh COVID-19, đủ các điều kiện an toàn để nhập cảnh. Những hình ảnh thân quen vẫn luôn ở đó, ngay trên những cây số đầu tiên. Cánh đồng lúa xanh trải dài bát ngát, người dân đội nón lá "nhấp nhô" trên những thửa ruộng. Cô gái Việt Nam xúc động khi thấy đâu đâu cũng có bảng hiệu tiếng Việt, biển số xe Việt, được nghe mọi người nói tiếng Việt.

42 1 Cap Chong Tay Vo Viet Di 16000km Tu Phap Ve Viet Nam Bang Xe Dap

Từ Pháp, qua 18 quốc gia, 10 tháng rong ruổi trên xe đạp, xin chào Việt Nam!

Thibault, 31 tuổi, là một chàng trai người Pháp yêu thích đạp xe và đã từng hoàn thành lộ trình 4.000 km quanh Châu Âu cùng em trai. Anh thích đọc sách, nhiếp ảnh và làm quen với mọi người, đặc biệt ấp ủ "chuyến đi trong mơ" từ Châu Âu tới Châu Á bằng xe đạp.

Khánh Nguyên, 27 tuổi, sinh ra ở Việt Nam, từng làm việc tại một ngân hàng nước ngoài. Thibault và Nguyên gặp nhau lần đầu vào năm 2015, tại một quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn. Từ khi quen nhau, họ thường xuyên chia sẻ niềm yêu thích phiêu lưu. Chàng trai Pháp và cô gái Việt Nam "về chung một nhà" 3 năm sau đó, chung sống với nhau tại Việt Nam.

Năm 2018, Thibault nói với Nguyên rằng anh ấy có ước muốn cùng nhau đạp xe từ Pháp về Việt Nam và Nguyên ngay lập tức ủng hộ. Đó là một chuyến đi trăng mật, nhưng không hề giống với bất cứ cặp đôi nào. Họ sẵn sàng dành hẳn một năm cho hành trình yêu thương đạp xe "từ nhà anh về nhà em".

Ngày 16/4/2019, hành trình bắt đầu.

42 2 Cap Chong Tay Vo Viet Di 16000km Tu Phap Ve Viet Nam Bang Xe Dap

Bản đồ những đất nước mà vợ chồng Nguyên và Thibault sẽ đi qua.

Thibault và Nguyên đặt tên cho chuyến đi là "Nón lá Project". Nón lá xuất hiện trong đầu chàng trai người Pháp gắn liền với hình ảnh, văn hoá và con người Việt Nam. Khi tới Việt Nam, Thibault có thể bắt gặp nón lá ở khắp mọi nơi, nhất là những vùng quê. Nón lá là nơi mình đi, cũng là đích mình đến, biểu tượng cho những ngọn núi xuyên suốt hành trình, để nhắc nhở bản thân luôn cần cố gắng để vượt qua.

Hơn hết cả, nón lá giúp Thibault và Nguyên "phá vỡ" rào cản với người dân tại những vùng đất họ đi qua. Khi dân bản địa tò mò và hỏi về "chiếc mũ" đặc biệt, cặp đôi có thể tiến gần tới họ, lắng nghe và làm quen.

"Đó là cách chúng tôi trò chuyện với người dân trên khắp thế giới", Thibault nói.

42 3 Cap Chong Tay Vo Viet Di 16000km Tu Phap Ve Viet Nam Bang Xe Dap

Hành trình bắt đầu tại nước Pháp, nhà của Thibault.

42 4 Cap Chong Tay Vo Viet Di 16000km Tu Phap Ve Viet Nam Bang Xe Dap

Và kết thúc tại Việt Nam - quê hương của Nguyên.

Trong suốt chuyến đi, Thibault và Nguyên mong muốn có thể kêu gọi gây quỹ cho tổ chức phi lợi nhuận "Poussières de Vie" (Dust of Life), nơi cho phép những đứa trẻ từ những gia đình nghèo khó được đến trường, được đào tạo và được hỗ trợ tìm việc làm khi các em trưởng thành.

"Nón Lá Project" dự kiến kêu gọi 1 USD cho mỗi km đạp xe. Như vậy, chuyến hành trình dài 16.000 km từ Pháp về Việt Nam sẽ nhận được số tiền gây quỹ tương đương 16.000 USD, và toàn bộ số tiền quyên góp này sẽ chuyển trực tiếp tới "Poussières de Vie".

Cho đến bây giờ, sau khi hoàn thành 14.500 km, "Nón Lá Project" đã nhận được 13.384 USD, tiến sát gần hơn mục đích đề ra từ ban đầu.

"Hy vọng chúng tôi có thể truyền cảm hứng cho những ai muốn theo đuổi giấc mơ của mình"

15/2/2020, đôi vợ chồng về tới Việt Nam. Đích đến này đã từng là một giấc mộng xa vời. Nguyên thổ lộ, "Còn nhớ ngày hai đứa mình đạp xe rời nhà anh Thibault ở Pháp, không ai biết tụi mình sẽ đi được đến đâu và liệu có về tới Việt Nam hay không. Nhưng ở đâu đó vẫn có người đã lựa chọn tin tưởng vào hai đứa, đặt niềm tin vào hành trình Nón Lá từ cái ngày đầu tiên, tụi mình rất xúc động và vô cùng cảm kích!".

Trước mắt họ, vẫn sẽ còn gần 2.000km dọc 3 miền Tổ quốc, để thực sự đặt chân tới nhà Nguyên ở Sài Gòn, hoàn thành "chuyến đi trăng mật" có lẽ là lâu nhất trong lịch sử thế giới. Nguyên cười.

Từ Điện Biên Phủ, Thibault và Nguyên đạp xe về Hà Nội, đi qua những cung đường đèo trong những ngày lạnh, có mây và gió vùng Tây Bắc. Nhìn lại chặng đường đã qua, cả 2 đã không còn đếm được bao nhiêu đường đèo núi đã từng chinh phục, luôn gắn liền với rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

"Hai đứa đã từng đạp xe lên con đường đèo gian nan không nhựa đường, chỉ có bùn đất ướt trơn trượt ở Georgia, hay đường đèo cheo leo vừa hẹp lại có cát lún ở Iran, hay đầy bụi bặm đất đá lởm chởm khó đi ở Nepal... Đường đèo nào càng gian nan nhiều thử thách, thì cảnh quan lại càng hoang sơ mộc mạc, đẹp đến ngỡ ngàng", Nguyên nhớ lại.

42 5 Cap Chong Tay Vo Viet Di 16000km Tu Phap Ve Viet Nam Bang Xe Dap

Hình ảnh vợ chồng Thibault và Nguyên đạp xe từ Điện Biên, qua Mộc Châu về Hà Nội.

5 ngày sau, Thibault và Nguyên có mặt tại Hà Nội. Trên đường, cặp đôi dành vài ngày ghé thăm Mộc Châu, ngắm nhìn vẻ đẹp của vài bông hoa mơ hoa mận còn sót lại, những đồi chè xanh mướt rộng thênh thang,...

Hà Nội đón 2 vợ chồng trong những ngày tiết trời nắng nhẹ và dịu dàng. Nguyên quyết định tổ chức một buổi trò chuyện thân mật, nơi chỉ có khoảng 25 bạn trẻ, cùng ngồi lại và lắng nghe hành trình tuyệt vời thời gian qua của Thibault và Nguyên.

"Cách đây 2 năm, mình không bao giờ nghĩ sẽ có chuyến đi như này. Cũng giống các bạn, mình làm công việc văn phòng, ngồi trước máy tính. Cuộc sống của mình cơ bản bình thường, cho đến khi mình gặp và kết hôn với anh Thibault", Nguyên mở đầu.

Gia đình Thibault đã quá quen với những chuyến đi dài ngày bằng xe đạp của anh, nên họ không cảm thấy bất ngờ trước quyết định này. Họ chỉ dặn 2 vợ chồng anh hãy mang theo thiết bị GPS, để nếu bị lạc, máy báy trực thăng có thể tìm tới.

Còn bố mẹ Nguyên, họ nghĩ mọi thứ xung quanh đều nguy hiểm. Cô chỉ nói rằng sẽ đi du lịch cùng chồng một năm. Nhiều tháng sau trên hành trình, cô mới dám nói sự thật.

"Bố mẹ không cấm, nhưng không nghĩ 2 vợ chồng mình có thể đạp xe vòng quanh thế giới, xuyên lục địa. Họ bất ngờ, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nhưng khi nghe mình giải thích về lộ trình, độ an toàn, bố mẹ dần đặt niềm tin vào 2 đứa, mong chúng mình có thể cán đích. Mình hiểu rằng, cuộc sống này là do chính mình quyết định".

Thibault và Nguyên nhận được sự thương yêu từ con người và đất nước Iran.

Chia sẻ kinh nghiệm, Thibault cho biết đã phải chuẩn bị trong vòng nhiều tháng cho hành trình dự tính kéo dài 1 năm. Tiền bạc là thứ tiên quyết. Họ đã cố gắng dành dụm một khoản tiền trong suốt thời gian làm việc trước đó.

Thibault và Nguyên thay nhau tìm kiếm thông tin, thảo luận, vạch trước lộ trình thích hợp, tìm hiểu đất nước nào có thể đi qua và xin visa dễ dàng. Trước khi xuất phát, cả 2 đã tiêm một số vắc-xin cần thiết để đảm bảo sức khoẻ, ghi chú các số điện thoại khẩn cấp trong trường hợp cần thiết.

Thibault đã có kinh nghiệm đạp xe. Anh kết nối vợ mình với những người trong cộng đồng đạp xe trên thế giới. Đến bất cứ đâu, họ tiếp tục hỏi tới đó, xây dựng một chuyến đi thật thoải mái, tuỳ vào hoàn cảnh có thể thay đổi lộ trình, không nhất thiết đúng như kế hoạch ban đầu. Trung bình mỗi ngày, Thibault và Nguyên chinh phục được 70-80km.

Chiếc xe của Nguyên có tên là Monster, trọng lượng 36kg tính cả đồ. Tank là "ngựa sắt" của Thibault, "cân nặng" 40kg. Họ có cả "thế giới" trên 2 chiếc xe bé nhỏ, từ quần áo, túi ngủ, căn lều, thuốc men, dụng cụ nấu ăn,...

Đồ ăn thức uống ở mỗi vùng mỗi quốc gia có nhiều khác biệt, Thibault và Nguyên hầu như không nấu bữa trưa, tìm thấy gì trên đường thì ăn nấy. Ở châu Âu rất dễ dàng tìm thấy một băng ghế công cộng hay một chiếc bàn gỗ ngoài trời. Đạp xe đến trưa thấy đói thì cứ thế mà ngồi vào bàn soạn đồ ăn ra rồi cùng nhau thưởng thức bữa trưa.

Khi tìm được nơi thích hợp để dừng chân giữa thiên nhiên hoang dã, cả 2 sẽ sắp xếp các túi hành lý ra khỏi xe đạp, sau đó cùng nhau dựng lều. Thường thì Nguyên cắt gọt chuẩn bị cho bữa ăn, trong khi Thibault sửa soạn bếp lò, nệm gối và túi ngủ.

Đất nước để lại nhiều ấn tượng thân thương đối với Thibault và Nguyên, chính là Iran. Một số người vẫn còn định kiến cho rằng Iran, một quốc gia Hồi Giáo, gắn liền với hình ảnh những nhà thờ Hồi Giáo, Mullahs (giáo sĩ đạo Hồi) và những người phụ nữ mặc chador (áo choàng) màu đen. Cũng có thể nghĩ Iran đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, luôn sắp có chiến tranh.

Nhưng trên thực tế, Iran không hoàn toàn như vậy. Có một Iran với nền kiến trúc văn hoá Ba Tư cổ đại đáng ngưỡng mộ, một Iran yên bình hiền hoà mà người dân thì vô cùng tử tế và sẵn sàng mở lòng với bạn, trong lòng cặp vợ chồng Việt - Pháp.

Họ sẽ tiếp đãi khách bằng cả tấm lòng chân thật, cho bạn những thứ tốt nhất mà họ có, cho dù bản thân họ không có gì nhiều.

Đôi vợ chồng được những người dân bản địa mời về nhà thưởng thức món Kormeh Sabzi truyền thống, được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của Qashqai - bộ tộc du mục cuối cùng của Iran. Họ ghé nhà thờ Hồi giáo màu Hồng (Nassir-ol-Molk) ở Shiraz vào lúc rạng sáng, khi ánh nắng mặt trời bắt đầu len lỏi qua các miếng kính màu cửa sổ, thứ ánh sáng lung linh ngập tràn sắc màu phản chiếu lên tường và sàn trải thảm Ba Tư. Cảnh tượng mê hoặc lòng người giống như bị lạc lối trong một kính vạn hoa rực rỡ.

"Mình biết đang đi trên một hành trình nguy hiểm, nên bất cứ lúc nào cũng cẩn trọng, hạn chế rủi ro". Nguyên nói, trước đây cô từng là một người nhút nhát. Nhưng chuyến đi đã dạy cho cô biết cách mở lòng với nhiều người, nhiều điều trong cuộc sống. Cô gặp nhiều người xa lạ, nhưng họ sẵn sàng mở cửa nhà chào đón, mời bữa cơm, đối xử như những người thân trong gia đình. Nguyên tự hỏi, "Sao họ tốt bụng với mình thế?".

42 6 Cap Chong Tay Vo Viet Di 16000km Tu Phap Ve Viet Nam Bang Xe Dap

Monster và Tank cùng 2 người bạn nón lá xuất hiện trong buổi trò chuyện.

Điều quý giá nhất mà cặp đôi "Nón Lá Project" thu về sau hành trình 16.000 cây số đạp xe từ Pháp về Việt Nam không phải số tiền thực sự họ nhận được bao nhiêu, mà chính là họ đã truyền được bao nhiêu động lực theo đuổi ước mơ, lan toả những điều tử tế cho mọi người xung quanh.

"Tôi hy vọng hành trình Nón Lá Project có thể truyền cảm hứng cho những ai muốn theo đuổi giấc mơ của mình. Hãy làm ngay khi bạn có cơ hội. Khi bạn thực hiện được ước mơ đó, hãy chia sẻ, giúp đỡ cho những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn, để họ cũng có thể biến ước mơ thành sự thật", Thibault chia sẻ.

Trong vài ngày tới, Thibault và Nguyên sẽ về tới Sài Gòn, chính thức kết thúc chuyến đi 16.000km từ nhà anh về nhà em, trao tặng tổ chức "Poussières de Vie" món quà được đúc kết bằng tình thương yêu và sự tử tế.

Sau chuyến đi, cả hai dự định sẽ ở lại Việt Nam tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp. Và sau này, nếu có hành trình nào nữa, dù đã 60-70 tuổi, Nguyên hy vọng vẫn sẽ được nắm tay Thibault chinh phục những trải nghiệm mới và truyền cảm hứng tới nhiều người.

42 7 Cap Chong Tay Vo Viet Di 16000km Tu Phap Ve Viet Nam Bang Xe Dap

Hành trình tuyệt vời của Thibault và Nguyên đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.

Nguồn: Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC