Bản tin của tờ báo địa phương The Oklahoman hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai, thì trong lúc con cháu của ông Lộc đau buồn vì sự qua đời của người trưởng gia đình, họ cũng rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của vợ ông là bà Kim, hiện vẫn phải điều trị tại bệnh viện.
Ông Lê Văn Lộc, chủ các nhà hàng Jimmy’s Egg. (Hình: The Oklahoman)
Ông Lộc sinh ra ở Đà Nẵng năm 1945, trong một gia đình giàu, có tám người con. Trước năm 1975, ông Lộc cũng từng tham dự vào công việc làm ăn của gia đình.
Ông làm việc cho cha của mình khi đang học đại học, sau đó khởi sự làm ăn trong lãnh vực địa ốc và cũng là một nhà thầu. Vào lúc cao điểm của cuộc chiến Việt Nam, ông làm chủ một công ty xe vận tải và cũng có phần hùn trong một công ty làm thịt heo đóng hộp, bán cho quân đội Mỹ.
Khi Cộng Sản chiếm được miền Nam, ông Lộc cùng gia đình ra đi trên một chiếc tàu đánh cá và sau khoảng một tháng trên biển, họ đến được trại tị nạn. Nhờ sự bảo trợ của nhà thờ Công Giáo Our Lady’s Cathedral, họ đến định cư tại thành phố Oklahoma City năm 1978.
Tại thành phố này, ông Lộc kiếm được việc làm với công ty xe lửa Santa Fe Railway. Bà Kim mở tiệm tóc giả Hi-Fashion Wigs trên đường N May Avenue.
Sang đến năm 1980, bà Kim đã có tới ba tiệm tóc giả và đó cũng là lúc bà thấy có cơ hội đầu tư mới, đó là một tiệm cà phê ăn sáng gần tiệm tóc giả đầu tiên của bà. Bà là khách thường xuyên ở tiệm Jimmy’s Egg và nói với chồng rằng người chủ, ông Jim Newman, muốn bán tiệm.
Ông Lộc đến tiệm ăn thử và đồng ý với nhận xét của bà vợ. Hai vợ chồng bán các tiệm Hi-Fashion Wigs cùng một số nữ trang để có được số tiền mặt $40,000 mua lại tiệm Jimmy’s Egg.
Tới năm 1983, hai vợ chồng đã có được ba tiệm Jimmy’s Egg, và có thêm hai tiệm nữa vào năm 1990. Nay, với sự trợ giúp của người con rể là ông Ban Nguyễn, gia đình này có hơn 60 tiệm Jimmy’s Egg ở tám tiểu bang, từ New York tới Texas.
Một tiệm Jimmy’s Egg. (Hình: Jimmy’s Egg)
Nhờ thành công trong kinh doanh, ông Lộc và bà Kim thành lập hội thiện và giúp xây dựng một nhà thờ Công Giáo ở Việt Nam, cũng như hỗ trợ tạo điều kiện thăng tiến cho người dân tại địa phương đó.
Khi được ký giả của tờ The Oklahoman hỏi năm 1990 về những thành quả có được và những thử thách gặp phải, ông Lộc trả lời rằng: “Tôi hài lòng là mình làm tốt được những điều đã chọn làm. Tôi không phải lúc nào cũng thành công, nhưng tôi không phải là người hay than thở. Tôi tìm thấy hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh mà Chúa ban cho tôi.”
Bản tin của tờ The Oklahoman cho hay vào sáng ngày Chủ Nhật, bà Kim còn đang phải dùng máy trợ thở tại bệnh viện.
Ông bà có bốn người con, gồm ba gái là Yến Khanh, Trang Khanh, Mai Khanh và người con trai tên Quang. Ông bà cũng có bảy người cháu.
Chương trình thăm viếng được ấn định là Thứ Hai và Thứ Ba, từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối, ở nhà quàn Smith & Kernke Funeral Home, ở số 14624 đường N. May Ave. Lễ cầu nguyện được tổ chức vào ngày Thứ Năm, vào lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ St. Eugene Catholic Church, ở số 2400 W. Hefner Road, tiếp theo đó là lễ an táng tại Rose Hill Burial Park, 6001 N.W. Grand Ave.
Nguồn: Người việt