Amanda Nguyen mới 26 tuổi nhưng đã được để cử giải Nobel Hòa bình. Cô là nạn nhân của tấn công tình dục.

Đề cử công nhận nỗ lực soạn thảo và vận động cho đạo luật về quyền của người từng bị tấn công tình dục. Gần đây, Amadan mới ra làm chứng với diễn viên Terry Crews trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, cô được Mimi Walters và Zoe Lofgren, hai đại biểu của California, đề cử hồi cuối tháng 5. Thông tin chính thức được công bố vào cuối tháng 6.

Amanda là người sáng lập RISE - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm đại diện cho quyền lợi của những người từng bị tấn công tình dục khắp nước Mỹ.

Trong dự luật năm 2016, Amanda muốn các nạn nhân tấn công tình dục được hưởng quyền lợi đồng nhất và rõ ràng hơn. Điều luật dự thảo này được cô cùng bạn bè soạn thảo xử lý các vấn đề thiếu nhất quán trong xét xử các vụ tấn công tình dục và đảm bảo quyền lợi của nạn nhân.

Cô gái gốc Việt được đề cử giải Nobel Hòa bình - 0

Từng là nạn nhân của tấn công tình dục, Amanda Nguyen nỗ lực bảo vệ quyền lợi của những người không may như mình - Ảnh: Time

Amanda bị một bạn học cưỡng bức khi đang theo học tại đại học Harvard ở Massachusetts. Sau đó, cô được biết rằng trong khi thời hạn xét xử một vụ án hiếp dâm ở Massachusetts là 15 năm, luật của bang quy định bộ dụng cụ điều tra hiếp dâm (rape kit) có thể bị hủy sau 6 tháng, trừ khi nạn nhân viết đơn xin gia hạn.

Cô đã phải chật vật giữ lại chúng mỗi khi thời hạn 6 tháng kết thúc, cho tới khi Dự luật về quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục được thông qua.

Cô nói với tờ Women’s Health: "Tôi là nạn nhân hiếp dâm. Tôi bị cưỡng bức ở Massachusetts. Ở bang này, bộ dụng cụ điều tra hiếp dâm sẽ bị hủy sau 6 tháng, dù thời hạn điều tra và xử án là 15 năm. Điều này không còn là vấn đề nhờ có dự luật. Cho tới khi luật được thông qua, cứ 6 tháng, tôi lại phải tìm cách giữ lại bộ dụng cụ.

Đó là một trong nhiều cách hệ thống xét xử hình sự khiến các nạn nhân hiếp dâm thất vọng. Ở một số bang, nạn nhân còn không được biết các thông tin y tế của chính mình. Ở vài nơi khác, họ không được tiếp cận tường trình với cảnh sát của chính mình. Thật khó để biết quyền của mình do mỗi bang có các quy định khác nhau.

Cô gái gốc Việt được đề cử giải Nobel Hòa bình - 1

Thị trưởng Massachusetts - ông Charlie Baker - ký quyết định thông qua dự luật của Amanda ở bang - Ảnh: NBCNews

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thực hiện dự luật của Amanda vào tháng 10-2016, sau khi được Quốc hội chấp thuận. Theo đó, nạn nhân của các vụ tấn công tình dục cần được thông báo rõ ràng 60 ngày trước khi bộ dụng cụ bị hủy. Các nạn nhân cũng sẽ được biết các quyền và lựa chọn ở cấp độ bang, cùng quyền tiếp cận thông tin y tế của mình.

New York, Maryland, Utah và 11 bang khác đã áp dụng luật mới này. Crews và Amanda đang vận động các bang khác nhanh chóng làm theo.

Amanda cho biết đã nhờ bạn bè cùng soạn thảo đề cương cho dự luật trong một tháng, sau đó dành nhiều tháng để hoàn thiện chi tiết. Trong khi dự luật đã trở thành luật liên bang, họ vẫn đang nỗ lực để đây trở thành luật của các bang trên khắp nước Mỹ, do phần lớn các vụ hiếp dâm được xét xử ở tòa án bang.

Amanda cho biết: "Chúng tôi đang cố đưa ra các dự thảo cho bang, chúng tương tự như luật liên bang, nhưng có các quyền đặc trưng theo từng bang".

Theo cô, phản ứng trước dự thảo của cô rất tích cực. Từ các cá nhân tới các tổ chức từ thiện và cơ quan lập pháp, nhiều người nói với Amanda rằng họ muốn dự luật của cô.

Nhờ những nỗ lực đó, Amanda đã được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ngoài ra, cô còn đang học tập để trở thành phi hành gia.

Nguồn: HẢI ĐĂNG

TUOITRE.VN/ Theo MSmagazine




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC