Công nhân làm việc trong xưởng may của ông Tiếu.
Câu chuyện xưởng may ở Nga nỗ lực vượt khó trong bối cảnh phương Tây tăng cường cấm vận Nga trở nên được quan tâm hơn năm vừa qua. Với nhiều xí nghiệp may mặc, việc hàng hóa châu Âu không sẵn như trước chính là cơ hội cho doanh nghiệp.
Dịp này năm ngoái, tôi xuống đón Giao thừa ở một xưởng may của người Việt cách thủ đô Moskva của Nga khoảng 80 km. Dịp ấy, người quản lý của doanh nghiệp đó không có mặt ở Nga. Anh về Việt Nam đón Tết, kèm nhiệm vụ “nằm vùng” để tuyển công nhân sang Nga.
Mấy tháng sau sang lại, anh mếu máo kêu khó: “Tuyển mãi vẫn không đủ công nhân”. Trong bài viết Về xưởng may ăn Tết, tôi có đề cập việc trước đây có nghe kể về những “xưởng may đen” của người Việt nằm dưới hầm đóng kín cửa, không lối ra. Công nhân nửa đêm đu dây chạy trốn, co ro trong rừng tuyết. Quá khứ đó khiến nhiều người Việt giờ ngại sang Nga làm may. Nhưng những người chủ thì vẫn nghĩ cách làm sao để thợ may hiểu rằng, mọi thứ giờ đã thay đổi.
Một trong những thay đổi rõ ràng nhất là những “xưởng may trắng”, hay xưởng may hợp pháp đã thế chỗ các “xưởng may đen”. Câu chuyện về đời sống của công nhân xưởng may ngày càng đàng hoàng hơn cũng đã xuất hiện nhiều hơn trên báo chí.
Chiều 30 Tết, công nhân tại xí nghiệp may Sarlanter ở tỉnh Vladimir đang gấp rút hoàn thành nốt những sản phẩm cuối cùng trước khi liên hoan tổng kết năm. Trên bảng tin, một thông báo rõ ràng ngày giờ, với nội dung có phóng viên đến thăm, đề nghị công nhân trả lời chân thật về đời sống, công việc. Ký tên: Tiến sĩ Đỗ Văn Tiếu.
Ngồi chăm chú, tỉ mỉ từng đường chỉ, Đặng Thị Trang năm nay mới 19 tuổi, có nước da trắng không giống gì cô công nhân thợ may. Từ Nghệ An, học xong phổ thông, Trang quyết định sang Nga làm may, sau lời giới thiệu của một người hàng xóm cũng có 5 năm se chỉ luồn kim ở Xứ sở Bạch dương.
Đặng Thị Trang (áo đen ngồi sau) đang làm việc trong xưởng.
Những câu chuyện đâu đó trước đây về xưởng may đen, chủ nợ lương, khổ sở vất vả ở nước Nga không làm cô gái xứ Nghệ hoang mang. “Em không thấy sợ, mà tuyệt đối tin tưởng vào khả năng và cơ hội của bản thân”, Trang cười.
Những ngày đầu, khi chưa quen việc, Trang gặp một số khó khăn. Có lúc cô thấy chán nản, song mau chóng thích nghi. Sau 20 ngày, cô nghĩ mình có thể làm việc lâu dài ở đây. Trang chia sẻ, khó khăn đối với một người trẻ vừa vào nghề chính là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Trang gật đầu công nhận công việc vất vả, nhưng cô không nghĩ bỏ cuộc. Lương của cô tính theo sản phẩm, được bảo đảm không ít hơn 800 USD/tháng. Nhiều người trong xưởng nhận mức lương cao hơn, còn có thưởng theo doanh số.
Ngồi sau Trang là Đặng Vanh Tới, chàng trai 25 tuổi với nước da rám nắng Phú Yên. Tới cũng vừa sang, nhưng trước đây đã có ba năm làm việc trong xí nghiệp này. Tới về nhà cưới vợ. Khi vợ đang ở nhà chờ sinh, Tới sang lại. Trong kế hoạch của anh, sẽ sắp xếp để vợ sang Nga làm cùng, vợ chồng đoàn tụ.
Với Tới thì nghề may nhẹ nhàng hơn nhiều so nghề đi biển. Chỉ là công việc may mặc ở Nga hơi mất thời gian, nhưng bù lại thu nhập tốt hơn, và quan trọng nhất là hằng tháng để ra được một khoản cố định. Lần này trở lại xưởng, Tới thấy tình hình đã thay đổi. “Rõ ràng nhất là thu nhập của công nhân tăng lên”, Tới nói.
Ông Đỗ Văn Tiếu phát biểu trong buổi liên hoan cuối năm.
Trang và Tới là hai trong số khoảng 35 công nhân trong xí nghiệp của ông Tiếu. Ngoài công nhân Việt Nam, ông Tiếu cũng tuyển cả công nhân nước khác. Nhắc đến thợ may Việt Nam, các thợ nước khác tỏ ra khâm phục. “Họ làm việc vừa khỏe, vừa nhanh. Nhiều người khi sang còn chưa biết gì, nhưng sau một thời gian, họ như một cái máy”, một công nhân từ Uzbekistan thừa nhận.
Ông Đỗ Văn Tiếu sang Nga từ năm 1987, bảo vệ luận án Tiến sĩ và ở lại Nga lập nghiệp. Ông đã xây một căn nhà lớn ngay sát xưởng, chuyển về đó ở để sâu sát với xí nghiệp và công nhân hơn. “Tất cả cho sản xuất. Tất cả vì khỏe, vui, đoàn kết”, câu khẩu hiệu vàng trên phông chữ đỏ nổi bật giữa bức tường lớn của xưởng được xem là tinh thần của xí nghiệp từ hơn chục năm nay.
Những người làm ăn lâu năm ở Nga như ông Tiếu chắc cảm nhận rõ nhất sự thay đổi của nước Nga trong nhiều năm gần đây. Hai năm qua, với ông Tiếu, nước Nga gặp nhiều khó khăn. Trước là dịch Covid-19 khiến biên giới đóng cửa, giao lưu hàng hóa bị hạn chế. Rồi sau đó là xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nặng nề mức tiêu dùng trong xã hội Nga.
Tuy nhiên, theo ông Tiếu, nhờ những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả từ chính phủ, thị trường tài chính Nga vẫn ổn định. “Về cơ bản, việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Khi hàng hóa bị cấm vận, sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở Nga trở nên mạnh hơn, cơ hội nhiều hơn cho chúng tôi”, ông Tiếu giải thích.
Liên hoan cuối năm trong xưởng ông Tiếu.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, ông Tiếu và các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ thuận lợi để phát triển xí nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống công nhân. Ông Tiếu vừa đón một tốp công nhân sang. Sắp tới, một tốp nữa chuẩn bị lên đường.
Ông chủ xí nghiệp may mặc Sarlanter tự tin nhấn mạnh, nước Nga rộng lớn có nền kinh tế vững vàng. Mức lương công nhân ở Nga cũng cao gấp hai lần so mức ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chính phủ Nga tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam lao động ở Nga. Thí dụ, mức thuế áp dụng cho lao động Việt Nam mà doanh nghiệp của ông Tiếu phải trả thấp hơn mức dành cho lao động Nga. Điều đó giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tuyển lao động từ Việt Nam.
Chiều 30 Tết, sau buổi liên hoan ấm cúng, những công nhân may tập trung trong căn nhà mới xây của ông Tiếu, vừa gói bánh, vừa hát cho nhau nghe, để vơi đi nỗi nhớ nhà.
THANH THỂ
Nguồn: nhandan.vn