Hơn 20 năm sống tại Thụy Điển, Ida Sofia Hương Giang Andersson luôn nghĩ về mẹ ruột, theo cách này hay cách khác. Trong khi anh trai gốc Hàn Quốc, cũng là con nuôi, không có ý định tìm lại cha mẹ ruột, càng lớn, cô càng tò mò về gốc gác của mình. Cô muốn biết bố mẹ nuôi Thụy Điển đã giữ lại những giấy tờ gì cho con.
Nhưng cô lo sợ không biết mẹ nuôi phản ứng thế nào, sợ bà buồn hay thất vọng, khi cha nuôi đã mất từ khi cô 15 tuổi, nhà chỉ còn ba mẹ con. Một ngày, cô gái rón rén nói với người mẹ tuổi ngoài 60 về mong muốn tìm mẹ ruột.
Bà Inga-Britt Andersson nhìn thẳng vào mắt con và nói: "Sofia, mẹ đã mong chờ điều này suốt cuộc đời con rồi". Bà lật đật đi lấy giấy khai sinh cùng hồ sơ nhận con nuôi trao cho cô.
Theo giấy khai sinh, cô tên là Nguyễn Hương Giang, chào đời ngày 22/10/1992 tại Nhà hộ sinh B, Lò Đúc, Hà Nội. Vài ngày sau, người mẹ 20 tuổi, độc thân, cho cô làm con nuôi và cô được nhận nuôi thông qua Trung tâm Con nuôi Thụy Điển.
Sofia tại Thụy Điển. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau này, khi cha mẹ nuôi Sofia đề nghị bệnh viện cung cấp thêm chi tiết về cha mẹ ruột của cô, thông tin còn lại chỉ là tên mẹ: Nguyễn Thanh Hương và năm sinh 1972. Trong danh sách câu hỏi về đặc điểm của người mẹ ruột: "Cao hay thấp? Hướng nội hay hướng ngoại? Là người Việt hay người lai?", câu trả lời nhận được chỉ vỏn vẹn một từ: "cao".
Đêm giao thừa 1992, bé Giang mới một tháng tuổi được cha mẹ nuôi đưa tới Thụy Điển, bắt đầu một cuộc đời mới với danh tính mới, nhưng vẫn giữ lại tên gốc Việt Nam. Hàng xóm nhà Andersson cũng xăm xắn sang giúp trang trí nhà khi cô bé được đón về tổ ấm mới. Được cha mẹ, ông bà nuôi tóc vàng, mắt xanh dang tay chào đón, Sofia cứ thế lớn lên với tuổi thơ êm đềm tại ngoại ô thành phố đại học Lund ở miền nam.
Sofia là một trong 20 trẻ Việt Nam được cha mẹ Thụy Điển nhận làm con nuôi tháng 12 năm đó, theo số liệu của Trung tâm Con nuôi Thụy Điển. Đến Hà Nội đón Sofia, cha mẹ cô ở cùng khách sạn với các cha mẹ nuôi khác. Để xua tan cảm giác lạc lõng và khác biệt khi các bé gốc Việt lớn lên, đồng thời duy trì ý thức về nguồn cội văn hóa, những ông bố bà mẹ nuôi sáng lập tổ chức Roots in Vietnam (Cội nguồn Việt Nam).
Dù ở bất cứ nơi nào trên đất Thụy Điển, các bé vẫn duy trì liên lạc, để chia sẻ và hỏi han. Sofia coi các bé người gốc Việt khác trong tổ chức như anh chị em ruột của mình, coi cha mẹ họ như cha mẹ mình.
Đây là lần thứ ba Sofia đến Việt Nam, hai lần trước kéo dài vài tuần, khi cô 10 tuổi và 14 tuổi, trong các chuyến đi do tổ chức Cội nguồn Việt Nam tổ chức. Cha mẹ Sofia luôn cởi mở với cô về việc nhận con nuôi và muốn cô tự hào về nguồn gốc của mình. Họ đưa cô thăm nhà hộ sinh B, gặp các y tá, bác sĩ và cả mẹ đỡ đầu. Nhưng khi đó cô còn quá nhỏ, cha mẹ cô không muốn ép cô tìm mẹ nếu cô không bày tỏ ý định tìm mẹ.
Sofia mặc áo dài khi còn nhỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Trong chuyến đi đầu tiên, tôi chỉ hấp thụ mọi ấn tượng và cảm thấy vui vẻ khi là đứa trẻ khám phá một đất nước thú vị", cô kể về hành trình tới những hòn đảo ở phía nam hay chuyến đi Sapa ở miền bắc. Sofia cho biết cô may mắn khi được cha mẹ nuôi yêu thương và ủng hộ, được đưa đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Họ cũng dạy cô phải chăm chỉ để đạt được thành quả trong trường học và công việc, dạy cô biết lễ phép, kính trọng, vị tha và mạnh mẽ.
Sofia luôn cảm thấy mình là người Thụy Điển 100%. Cô mê những nét đặc trưng của Thụy Điển, như văn hoá uống cà phê "fika", đồ nội thất Ikea, món thịt viên. Nhưng không phải lúc nào cô cũng được coi là người Thụy Điển dù có tên Thụy Điển và coi tiếng Thụy Điển là tiếng mẹ đẻ. Cô từng đối diện với nạn phân biệt chủng tộc từ những người xa lạ.
Có lần, Sofia và bạn đang bước ngang qua một nhóm con trai lớn tuổi hơn, một người trong số họ nhìn cô, giơ tay chào kiểu Phát xít. Có lần cô cũng bị miệt thị, bị gọi là "người Trung Quốc ghê tởm". "Ban đầu trong tôi pha lẫn sự sợ hãi, buồn và cảm giác xấu hổ kỳ lạ. Nó như một sự xác nhận rằng tôi khác với họ. Giờ tôi trở nên giận dữ nhiều hơn", Sofia cho biết.
Sofia làm nghề tuyển dụng và quản trị nhân sự trong ngành công nghệ thông tin tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển ba năm nay. Cách đây một năm, cô làm việc đến kiệt sức và tự hỏi: "Mình mong muốn điều gì cho bản thân?". Sau một thời gian trăn trở, cô viết mục tiêu trong vòng một năm là tìm câu trả lời về mẹ ruột. Cô làm việc cật lực, tiết kiệm tiền về Việt Nam trong 5 tháng, hành trình cô cho là "lớn lao nhất cuộc đời".
Trở về Hà Nội cùng bạn trai người Thụy Điển và mẹ nuôi, Sofia xoay xở mọi cách để tìm mẹ. Cô liên lạc với trung tâm giúp nhận nuôi cô, nhưng tổ chức không còn những liên lạc cũ. Cô nộp giấy tờ tới Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp nhưng chưa nhận được hồi âm. Cô hai lần tới nhà hộ sinh để hỏi thêm thông tin nhưng họ không còn bất cứ hồ sơ y tế nào thời đó.
Cô còn tìm được người phụ nữ làm việc cho tổ chức con nuôi Thụy Điển ở Việt Nam nhưng bà không còn nhớ điều gì do có quá nhiều trẻ thời đó. Được đại sứ quán Thụy Điển giúp đỡ bằng một lá thư giới thiệu có chữ ký có đóng dấu để giúp làm việc với các cơ quan trong chính phủ, Sofia cảm thấy ấm lòng hơn. "Thật khó khi bạn không nói được tiếng Việt, hiểu cách chính phủ làm việc hay tìm đến ai để giúp đỡ. Nhưng tôi đã gặp những người tuyệt vời, thành tâm giúp tôi", cô nói.
Cha mẹ nuôi Thụy Điển bế Sofia ngày 31/12/1992. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thời gian chờ đợi kéo dài, những cuộc gặp, trao đổi thư từ qua lại không đem lại kết quả khiến cô cảm thấy bế tắc. Sofia tuần này còn lập trang tìm mẹ trên Facebook. Cô cũng đang cân nhắc nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Ở Thụy Điển cũng có chương trình truyền hình tương tự, giúp các con nuôi trở về nơi họ sinh ra, đoàn tụ với tìm cha mẹ hoặc anh chị em ruột, nhưng Sofia không muốn một đội truyền hình hùng hậu có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của mẹ.
Đọc báo VnExpress, cô biết câu chuyện về cô gái Thụy Điển gốc Việt Denise Sandquist, nhờ mạng xã hội và truyền thông mà tìm được mẹ thành công cách đây hai năm. Cô hy vọng thông qua báo, có thể tìm được mẹ giống như Denise.
"Với một bà mẹ, việc bỏ con mình đi không phải là một lựa chọn dễ dàng. Bà từ bỏ tôi với hy vọng tôi sẽ có cuộc sống tốt nhất có thể. Tôi muốn gặp mẹ, để nói tôi không oán trách mẹ về điều gì hay mẹ đã làm điều gì sai", Sofia nói. Cô muốn gặp mẹ để xem mình giống mẹ thế nào, muốn kể cho mẹ nghe về cuộc sống tuyệt vời ở Thụy Điển với những người yêu thương và chăm sóc cô.
"Tôi không muốn bà cảm thấy khó chịu hay tội lỗi, tôi hiểu bà có thể nói không với cuộc gặp. Tôi không kỳ vọng, chỉ hy vọng", cô nói.
Nguồn: vnexpress.net