Với đạo diễn Pháp gốc Việt François Bibonne, Việt Nam không chỉ là quê hương của người bà nội thân yêu, mà còn là cảm hứng nghệ thuật thôi thúc anh đưa văn hóa dân tộc ra thế giới.

1 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

Trên nền nhạc bài dân ca Bắc Bộ "Se chỉ luồn kim" chơi theo phong cách cổ điển phương Tây, François Bibonne hé lộ về dự án phim tài liệu âm nhạc của mình: "Tôi rất thân thiết với bà của tôi. Khi bà qua đời, tôi đã nghĩ tới việc tìm hiểu sâu sắc hơn về quê hương của bà, Việt Nam".

Đó là những cảnh đầu tiên trong đoạn video giới thiệu (trailer) của bộ phim "Once upon a bridge in Vietnam" (Tạm dịch: "Ngày xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam" - PV).

Tiết tấu đoạn phim nhanh dần và một Việt Nam đặc biệt dần hiện ra trong góc nhìn của một thanh niên gốc Việt: Những cánh đồng lúa bạt ngàn, cầu Long Biên, những điệu múa và trang phục đậm đà tính dân tộc.

Bibonne mô tả tác phẩm của mình là: "Cuộc trò chuyện giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc cổ điển phương Tây và cách chúng hòa quyện vào nhau trong suốt lịch sử âm nhạc ở Việt Nam".

Bộ phim đã giúp Bibonne giành giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc của giải thưởng Phim Los Angeles (Los Angeles Film Awards) vào năm 2022.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Bibonne, đạo diễn người Pháp gốc Việt chuyên làm về phim tài liệu âm nhạc, cho biết anh sẽ chưa dừng lại, vì Việt Nam và âm nhạc dân tộc của đất nước nghìn năm văn hiến này vẫn là một nguồn cảm hứng chưa thể vơi cạn cho con đường nghệ thuật của anh.

Đưa bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới

"Once upon a bridge in Vietnam" là phim tài liệu đầu tiên của anh về Việt Nam, cũng là dự án đầu tiên của Studio Thi Koan, vốn được lấy từ tên của bà nội anh. Vậy, nguồn cảm hứng nào đằng sau bộ phim tài liệu về Việt Nam nói chung và âm nhạc Việt Nam nói riêng của anh?

- Tôi rất thân thiết với bà. Bà là người dạy cho tôi những từ tiếng Việt, khuyên tôi hãy mỉm cười để phát âm những từ này thật hay. Bà khiến tôi nghĩ rằng tiếng Việt thật dễ thương và tràn đầy năng lượng vui vẻ. Bà cũng nấu cho tôi rất nhiều món Việt Nam, quê hương chôn rau cắt rốn của bà.

Vì vậy, khi bà qua đời, tôi quyết định mình sẽ trở về Việt Nam, nơi luôn hiện hữu trong trái tim bà. Tình yêu dành cho bà đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, mang lại nguồn năng lượng khiến tôi rất tự tin về những dự án của mình.

Đôi khi, tôi tự nhủ rằng nếu phải mất 10 năm để hoàn thành bộ phim thì cũng không sao, tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi hoàn thành.

Tôi cũng rất hạnh phúc khi nhận được sự ủng hộ của mọi người ở Việt Nam để hoàn thành dự án. Các nghệ sĩ ở Việt Nam đã động viên tôi rất nhiều, sẵn sàng chia sẻ cho tôi kiến thức về âm nhạc và lịch sử Việt Nam.

Những người bạn tuyệt vời của tôi tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, các nghệ sĩ đàn tỳ bà, dương cầm Việt Nam đã truyền cảm hứng cho tôi và giúp tôi kết nối với cội nguồn của mình.

Vì sao anh lại chọn âm nhạc dân tộc của Việt Nam là chủ đề để giới thiệu với thế giới? Cảm xúc của anh thế nào khi tác phẩm của mình về Việt Nam được giới chuyên môn quốc tế ghi nhận?

- Triết lý chính trong bộ phim của tôi là mong muốn kết nối giữa Pháp và Việt Nam thông qua âm nhạc, song hành với hành trình tìm về cội nguồn của mình.

Theo tôi, người ta cần bắc một nhịp cầu để thôi thúc sự khát khao tìm hiểu về một nền văn hóa khác. Đây là lý do tại sao tôi bắt đầu từ việc giới thiệu dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội rồi chuyển sang văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tôi nghĩ người nước ngoài cần một điểm tương đồng về một văn hóa mới để kích thích trí tò mò, rồi dẫn dắt họ tới với văn hóa Việt Nam.

2 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

3 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

Những hình ảnh rất "Việt Nam" trong bộ phim "Once upon a bridge in Vietnam" (Ảnh: Youtube).

Sau khi hoàn thành dự án đầu tiên này, tôi đã đến nhiều nước trong đó có Mỹ, Anh, Bỉ để chiếu phim. Cả hai trường Đại học Columbia và Đại học Harvard tại Mỹ đều mời tôi tham gia và tôi rất hạnh phúc khi có thể giới thiệu Việt Nam ra thế giới.

Khi đạt được giải thưởng, tôi rất vui vì điều đó có nghĩa là dự án này cũng thú vị, truyền cảm hứng và mang tính giải trí cho những người không quá quen thuộc với văn hóa Việt Nam. Một trong những mục tiêu chính của tôi là làm một bộ phim hay cho mọi người.

Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước mà mọi người sẽ đều yêu mến và âm nhạc là một cách để gắn kết mọi người bất kể nguồn gốc của họ, vì vậy tôi không ngạc nhiên khi nó hiệu quả đến vậy. Với tư cách là một nghệ sĩ, việc được công nhận cũng rất quan trọng.

Anh có dự định tiếp tục làm phim về âm nhạc dân tộc Việt Nam trong tương lai không?

- Năm 2023, tôi bắt đầu một dự án mới mang tên "The Symphony Wins" (Tạm dịch: "Bản giao hưởng chiến thắng" - PV) về bóng đá ở Việt Nam. Có thể coi đây là tập thứ 2 của dự án đầu tiên.

Bộ phim mới này cũng sẽ sử dụng nhạc nền Việt Nam bao gồm nhạc cồng chiêng và các loại nhạc truyền thống khác của Việt Nam.

Ý tưởng của bộ phim mới này là kết nối thể thao và âm nhạc, đồng thời cho thấy lý do tại sao các cầu thủ bóng đá có thể được coi là nghệ sĩ. Tôi muốn làm một bộ phim thật hay để giúp người nước ngoài hiểu biết nhiều hơn về bóng đá Việt Nam thông qua âm nhạc.

Tôi cho rằng các di sản và chất liệu truyền thống của Việt Nam hiện được bảo tồn rất tốt nhờ các kho lưu trữ kỹ thuật số, bản nhạc, bản ghi âm. Nhưng sẽ rất thú vị nếu các nghệ sĩ đương đại sử dụng những nguồn tài nguyên này để tạo ra âm nhạc mới và nâng cao khả năng sáng tạo.

Chẳng hạn, thật tuyệt khi kết hợp âm nhạc truyền thống với hiphop hoặc jazz. Theo tôi, âm nhạc là không có biên giới.

Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã thành công trong sự kết hợp giữa nhạc cổ điển phương Tây, nhạc điện tử với nhạc dân tộc Việt Nam. Hoặc họ cũng rất thành công khi có thể hiện đại hóa thứ âm nhạc được chơi từ nhạc cụ truyền thống như đàn tỳ bà. Tôi muốn giới thiệu điều này ra thế giới.

Nhiều bài hát đã tiếp thêm cho tôi năng lượng để sáng tạo nghệ thuật. Tôi nghĩ mình đã "nổi da gà" khi nghe bài hát có tên "Tiếng Việt". Khi nghe bài hát này, tôi quyết định tìm hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam. Giờ đây, tôi quan tâm nhiều hơn đến nhịp điệu, tôi muốn biết thêm về trống và chiêng.

Theo anh, những khía cạnh nào của Việt Nam có thể giới thiệu với thế giới và khiến mọi người trên thế giới quan tâm? Sự độc đáo nào của Việt Nam có thể là thương hiệu của đất nước này?

- Tôi nghĩ bộ phim mới của tôi về bóng đá ở Việt Nam có thể là một cách rất hay để kết nối Việt Nam và thế giới, sử dụng những bản nhạc dân tộc hấp dẫn và truyền cảm hứng cho các người đang chơi bóng ở thành thị và nông thôn Việt Nam.

Đối với tôi, nét độc đáo đương đại của Việt Nam là thời trang, những vũ điệu và nỗ lực trao quyền cho phụ nữ; nó có thể là chủ đề của bộ phim tài liệu thứ 3 của tôi về văn hóa Việt Nam.

4 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

5 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

Trong dự án "The Symphony Wins", Bibonne muốn mọi người trên thế giới biết nhiều hơn về bóng đá Việt Nam thông qua âm nhạc (Ảnh: Youtube).

"Tôi đã trở thành một phần của cộng đồng người Việt"

Anh đã trở về và sống ở Việt Nam một thời gian khá dài khi làm phim. Việt Nam trong trí tưởng tượng của anh trước đó khác gì với Việt Nam trong thực tế?

- Trong trí tưởng tượng của tôi trước đó, Việt Nam như một giấc mơ, một đất nước rất xa với tôi với thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện và những thành phố dễ thương như Hà Nội. Tôi có cái nhìn sâu sắc về văn hóa Việt Nam nhờ bà tôi và tôi đã trực tiếp trải nghiệm khi về quê hương. 

Có thể nói tôi đã trở thành một phần của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bây giờ bất cứ khi nào tôi đi du lịch ở châu Âu, tôi đều gặp người Việt Nam và tôi cũng rất thích tham gia các sự kiện liên quan tới Việt Nam.

Tôi không có đủ ngôn từ để giải thích, có thể nói nó giống như một trực giác kỳ diệu mách bảo tôi khi tôi trở về Việt Nam rằng mình cần làm một bộ phim về âm nhạc ở đất nước xinh đẹp, giàu bản sắc lịch sử và văn hiến này. 

Trực giác này mạnh đến mức tôi quyết định đặt vé trở lại Việt Nam sau đợt thực tập ở Paris và đến ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 2/2020.

Tôi đã có trải nghiệm rất thú vị, độc đáo: Bất chấp đại dịch, người Việt Nam rất hào hứng khi được gặp một thanh niên Pháp gốc Việt muốn biết thêm về cội nguồn của mình. Tôi đã học được rất nhiều từ họ.

6 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

Bibonne xúc động khi được người dân Việt Nam chào đón trong hành trình tìm về cội nguồn của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đặc điểm nào của Việt Nam để lại ấn tượng sâu đậm nhất với anh? 

- Tôi nghĩ đó là nhịp điệu của xã hội. Mọi thứ ở Việt Nam diễn ra đều nhanh và hối hả hơn so với châu Âu. Tôi cho rằng, ấn tượng mạnh nhất của bản thân là bầu không khí tại Việt Nam và cách mà đất nước này chào đón một người con xa xứ như tôi thật nồng nhiệt.

Kỷ niệm ấn tượng nhất của tôi ở Việt Nam là khi tham gia một lễ hội âm nhạc mang tên "Thanh Âm Xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh". Đây là dự án âm nhạc phi lợi nhuận được thành lập nhằm gây quỹ cho dự án trồng 1 triệu cây tre.

Chúng tôi đã đến Mù Cang Chải, Yên Bái để tổ chức lễ hội âm nhạc, đó là một hành trình tuyệt vời khi tôi tận mắt chứng kiến và cảm nhận những nét văn hóa sống động và con người đôn hậu từ các dân tộc anh em ở Việt Nam.

Vào một buổi chiều muộn, ngay trước khi mặt trời lặn, chúng tôi vào rừng tre quay clip âm nhạc, nắng ấm đến nỗi những cây tre chuyển sang màu cam, cảnh tượng đó thật tuyệt vời.

Tôi cũng ấn tượng mạnh với nhiều chuyến đi thăm Bắc Giang, Nam Định, Kon Tum, Pleiku… Tôi rất muốn quay lại Tây Nguyên và thăm Đà Lạt cũng như các khu vực lân cận. Tôi cũng biết đôi chút về miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long, tôi cũng muốn đến những nơi đó trong tương lai.

Đặc điểm Việt Nam nhất trong tính cách của anh là gì?

- Tôi không biết đó có phải là tính cách phổ biến của người Việt Nam hay không nhưng bà tôi từng nói thế này: Khi tôi muốn thứ gì đó thì tôi sẽ ngay lập tức hành động! Tôi cũng rất ngẫu hứng, không suy nghĩ quá nhiều trước khi làm.

Tôi nghĩ người Việt thiên về hành động còn người Pháp thiên về lý thuyết và tư duy hơn. Tôi cũng cố gắng thư giãn trong mọi tình huống và sống một cách vị tha. Tôi muốn nhìn về phía trước, tôi nghĩ đến tương lai nhiều hơn quá khứ và tôi cho rằng người Việt Nam cũng như vậy.

Bà anh đã nấu cho anh rất nhiều món ăn ngon và khi về Việt Nam, anh cũng đã trả nghiệm nền ẩm thực đầy tự hào của quê hương. Anh thích món nào nhất?

- Tôi yêu các món nước. Vậy nên tôi đoán mình sẽ chọn bún Cá, bún Riêu, bún Bò Huế, bún mọc… Tôi luôn cho thêm tỏi và chanh vào các món ăn, điều này rất tốt cho sức khỏe. Đồ ăn Việt Nam rất tươi ngon. Tôi cũng thích món nem rán với bún chả, nem lụi. Tôi thích ăn lẩu cùng bạn bè, đó là một trải nghiệm rất vui vẻ và hạnh phúc.

Việt Nam như một gia đình lớn

Đặc điểm nào của Việt Nam khiến người trẻ gốc Việt không cảm thấy lạc lõng khi về nước? Anh đã thích nghi với lối sống của người Việt thế nào?

- Tôi nghĩ đó chính là những đồng bào Việt Nam. Đó là cách mọi người dân ở đất nước này nói chuyện với bạn, những cuộc trao đổi luôn luôn tràn ngập tinh thần gia đình trong từng lời nói.

Điều đó khiến bạn cảm thấy rằng người đối diện bạn giống như là chú hoặc bà hoặc thành viên trong một gia đình lớn. Tôi cảm nhận được sự quan tâm lẫn nhau giữa con người với con người ở Việt Nam ngay cả khi nhịp sống tại đây rất hối hả và bận rộn.

Tôi cảm thấy mình được chào đón trong hành trình tìm về nguồn cội và đó là điều rất tuyệt vời.

7 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

8 Dao Dien Phap Goc Viet Bac Nhip Cau Dua Van Hoa Dan Toc Ra The Gioi

Bibonne mong muốn tiếp tục trở lại Việt Nam làm phim tài liệu để đưa bản sắc dân tộc ra thế giới (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn chào đón kiều bào về góp phần xây dựng đất nước. Theo anh, thanh niên gốc Việt trên thế giới có thể đóng góp như thế nào cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay?

- Tôi nghĩ họ đang làm tốt, tôi khuyên các bạn trẻ gốc Việt nên tham gia vào các hội nhóm và tổ chức về Việt Nam ở đất nước và khu vực họ sinh sống để tìm hiểu nhiều hơn về quê hương qua những câu chuyện hài hước và đầy cảm hứng.

Tôi phát hiện ra rằng, nếu mọi người muốn gần gũi hơn với quê hương, họ cần phải có tinh thần học hỏi. Vì vậy tôi nghĩ người trẻ chỉ cần có tình yêu cội nguồn của mình thì chắc chắn điều gì đó sẽ xảy ra.

Theo quan điểm của tôi, tại Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và mọi người đều bày tỏ sự quan tâm tới các dự án sáng tạo, kinh doanh của bạn. Điều này mang lại những cơ hội lớn để bạn phát triển tại quốc gia này.

Chúng ta vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhiều ý nghĩa. Theo anh, sự khác biệt giữa Tết ở Việt Nam và Tết ở Pháp như thế nào?

- Tôi đã đón Tết ở Việt Nam và Pháp. Ở Việt Nam, bầu không khí lễ hội thật rộn ràng, chúng ta có thể cảm nhận được Tết ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách trong thành phố. Ở Pháp, bạn cần phải đến các khu vực có cộng đồng châu Á, nhưng ở đó cũng tràn ngập sự tươi vui và các sự kiện có thể kéo dài gần 2 tháng ở Paris tùy thuộc vào cộng đồng.

Vào dịp Tết năm nay, tôi tự hào thông báo rằng tôi sẽ tham gia tổ chức một sự kiện lớn đón Tết ở Paris, dự kiến diễn ra vào ngày 22/2 tại Tòa thị chính quận 13.

Một kỷ niệm thú vị là khi tôi đón Tết ở Việt Nam năm 2021, thành phố đã thực hiện lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Mọi người trong tòa nhà đều nấu bánh chưng. Chúng tôi đã ăn món này hàng ngày trong suốt một tuần. Đó là kỷ niệm khiến tôi không thể quên.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trao đổi!

Lời tòa soạn: Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất. Họ không chỉ hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại mà còn ngày càng hướng về quê hương, trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu những hình ảnh đẹp về Việt Nam với bạn bè thế giới, là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước. Và dù sống ở khắp năm châu, họ vẫn lưu giữ "hồn Việt", tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua nhiều cách nhau.  

Báo Dân trí trân trọng gửi đến quý độc giả tuyến bài "Quê hương trong tim", giới thiệu những người Việt, người gốc Việt sống ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn và mong ước có thể làm điều gì đó để đóng góp cho quê hương yêu dấu.

Bài 2: Nữ điều dưỡng viên lưu giữ "hồn Việt" ở trời Âu




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC