Lan Anh phỏng vấn Tổng thống Slovakia Andrej Kiska. Ảnh: NVCC
Cấp 1 Lan Anh học ở trường tiểu học của Séc. Lên cấp 2, cấp 3 cô chuyển sang học một trường quốc tế Anh ở Prague với học bổng 75%. Lan Anh học đại học chuyên ngành Kinh tế thương mại, chuyên về tài chính và tiếng Trung ở Trường European Business School London (Anh).
Trong quá trình học đại học, cô dành một năm học tập ở 2 trường đại học của Trung Quốc qua chương trình trao đổi sinh viên: Beijing Language and Culture University (ĐH Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh) và Nanjing University (ĐH Nam Kinh).
Ngoài ra, Lan Anh còn học thêm Quản lý và Thiết kế thời trang ở Trường Central Saints Martin, University of the Arts London (Anh).
Trong khi học đại học và sau khi tốt nghiệp, cô gái gốc Việt trải nghiệm nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực ở Anh, Séc và Trung Quốc: kiểm toán, tư vấn và quản lý quỹ.
Sau đó, Lan Anh về Hà Nội làm việc cho phòng Thời sự tiếng Anh, ban Thời sự, VTV4 trong vòng 9 tháng. Ở Đài Truyền hình Việt Nam, em làm việc ở vị trí biên tập viên, phóng viên kinh tế.
Chưa từng có kinh nghiệm làm báo trước đó, VTV là trải nghiệm mà em phải bắt đầu từ con số 0.
“Ở VTV4, em đã từng được phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao như giám đốc IMF, World Bank hay ADB (Asian Development Bank)” – Lan Anh chia sẻ.
Đến với Huffington Post bằng sự chủ động
Lan Anh và cựu tổng thống Nam Phi Frederik Willem de Klerk - người từng nhận giải Nobel Hòa Bình cùng Nelson Mandela năm 1993. Ảnh: NVCC
Hiện tại, cô đang làm kinh doanh về lĩnh vực thiết kế và triển khai các dự án về truyền thông và giáo dục. Hai “column” mà cô đang là chủ mục ở Huffington Post là “How I Got There” và “CEO Talk”, cũng là một phần nội dung trong dự án truyền thông mà Lan Anh đang thực hiện.
Câu chuyện mà cô gái này đến với Huffington Post cũng vô cùng “chủ động”.
“Em liên lạc với Arianna Huffington - cựu Tổng biên tập và đồng sáng lập The Huffington Post. Em trình bày ý tưởng và nội dung của ‘column’ – How I Got There và CEO Talk. Em cũng gửi kèm theo tác phẩm bài viết của em cho bà xem qua phong cách viết bài của em. Hôm sau em nhận được email của Arianna, bà nói thích ý tưởng của em và mời em viết bài cho Huffington Post”.
Với mục “How I Got There”, cô viết về các nhân vật nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên thế giới ở mọi lĩnh vực như chính trị, âm nhạc, giáo dục, điện ảnh… Cô từng được trò chuyện với những nhân vật như Tổng thống Slovakia, Thủ tướng Đài Loan, Thủ tướng Phần Lan, Chủ tịch Uỷ ban quân sự NATO, đạo diễn giành giải Oscar, vận động viên Huy chương vàng Olympics… Trong khi đó, các nhân vật của CEO Talk cũng tương tự nhưng tập trung về lĩnh vực kinh tế, tài chính.
Lan Anh cũng tiết lộ, cô đang có dự định viết sách về những nhân vật mà cô đã từng phỏng vấn, về những câu chuyện, bài học và bí quyết thành công của họ. Cô cho biết, mỗi nhân vật đều có con đường đi đến thành công khác nhau, đều có một câu chuyện riêng.
Một trong những nhân vật gây ấn tượng với Lan Anh là Tổng thống Slovakia Andrej Kiska.
“Con đường đến thành công của ông gặp rất nhiều trắc trở và khó khăn. Ông có bằng kỹ sư và có kinh nghiệm làm việc ở Slovakia. Nhưng khi qua Mỹ, ông phải làm những công việc như giúp việc tại công trình xây dựng, lau sàn nhà…
Ngay khi quay về Slovakia, ông mất toàn bộ tài sản, không việc làm và phải nuôi gia đình với 2 con nhỏ. Nhưng ông đã không nản chí và đứng lên từ thất bại.
Chỉ vài năm sau khi lập công ty, ông gặt hái được nhiều thành công. Ông khuyên các bạn trẻ đừng sợ thất bại. Khi bạn thất bại, bạn phải đứng dậy và đi tiếp. Những thứ không thể giết chết bạn sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn - What doesn’t kill you makes you stronger”.
Phải giỏi ngoại ngữ và biết ước mơ lớn
Lan Anh phỏng vấn đạo diễn Jiri Menzel - người từng đoạt giải Oscar cho phim điện ảnh đầu tiên khi mới 28 tuổi. Ảnh: NVCC
Từ nhỏ đến lớn được sinh sống, học tập và làm việc ở nhiều quốc gia, Lan Anh cho rằng đó là một may mắn, giúp em được tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa, tôn giáo và chính trị khác nhau, từ đó giúp em có tư duy cởi mở, tầm nhìn đa dạng, sâu sắc hơn.
“Theo em các bạn trẻ cần học tốt ngoại ngữ, biết càng nhiều ngoại ngữ thì càng tốt. Ở trường đại học của em ở bên Anh, đa số sinh viên ở đó có thể nói được 4 ngoại ngữ và một số có thể nói được đến 7 ngoại ngữ. Ngoại ngữ là chìa khoá mở cửa ra thế giới” – Lan Anh chia sẻ.
Ngoài ra, cô cũng cho rằng người trẻ nên trang bị cho mình kiến thức nền đa dạng và không ngừng học hỏi. “Khi các bạn đi ra bên ngoài thế giới, các bạn sẽ cảm thấy mình nhỏ bé và có rất nhiều thứ để các bạn học hỏi thêm. Những nhân vật thành công đều có điểm chung là họ không ngừng học hỏi và luôn luôn hoàn thiện bản thân”.
Lan Anh cũng đánh giá cao tầm quan trọng của những kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử, khả năng xử lý tình huống.
Một trong những thứ mà theo Lan Anh cần phải có để trở thành công dân toàn cầu là “phải biết ước mơ lớn”. “Nếu ước mơ đó không khó, không làm bạn sợ hãi, thì có nghĩa là ước mơ của bạn không đủ lớn” – cô gái gốc Việt khẳng định.
Nguồn: Vietnamnet