Mộng Tuyền được coi là “Tứ đại mỹ nhân của đất Sài thành” xưa. Tài năng, sắc đẹp đều hội tụ đủ ở người con gái ấy. Thế nhưng, cũng vì chữ tài, chữ sắc mà cuộc đời Mộng Tuyền phải trải qua những đoạn trường.
Thế nên, ở tuổi U60, bà dường như vẫn chưa trả hết nợ đời. Trải qua 3 cuộc bể dâu, ở khúc cuối của cuộc đời, người đàn bà hương sắc một thời vẫn đau đáu nỗi niềm riêng.
Độn ngực đi giày cao gót để lên sân khấu
Sinh năm 1947 tại Cần Thơ, Kim Loan (tên thật của nghệ sĩ Mộng Tuyền) tham gia ca hát từ khi còn là một cô bé, tính đến nay bà đã có hơn 50 năm ăn cơm nghệ thuật. Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con nên ngay từ nhỏ, Kim Loan đã phải chịu nhiều vất vả. Cuộc sống khốn khó cũng chính là lý do đưa bà đến với nghệ thuật. Những ngày ấy, việc đi theo các gánh hát chỉ đơn giản là có được bữa ăn, bớt đi gánh nặng cho gia đình và phần nào giúp cha mẹ nuôi các em.
Năm 11 tuổi, Kim Loan bắt đầu rong ruổi khắp các nẻo đường với thầy nhạc Ba Cứ để vừa học nghề vừa đi hát kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Thuở ấy, cô bé Kim Loan coi việc đi hát giống như niềm vui, hát với tâm hồn trong sáng, hiền lành, mỗi vai diễn, lời ca đều được thể hiện rất hồn nhiên. Thế nên, ở những ngày đầu, hình ảnh Kim Loan trong tâm trí của nhiều người là một cô bé ngây thơ, thường bị các bạn nữ đồng trang lứa ăn hiếp và chỉ biết khóc.
Năm 1961, bà chính thức bước chân vào nghề hát và đầu quân cho đoàn Hoa Sen của ông bầu Bẩy Cao. Khi ấy Kim Loan bước vào tuổi 13.
Bà kể rằng, vì vóc dáng nhỏ bé nên để phù hợp với vai diễn, cô đào chánh phải độn ngực, mang giày cao gót để ra dáng thiếu nữ. Thời đó, khán giả khắp vùng Nam Kỳ phát cuồng cô đào chánh có gương mặt hồn nhiên, giọng ca giàu cảm xúc. Năm 1963, được sự dẫn lối của soạn giả Nguyễn Phương, bà bầu Thơ đã mời Kim Loan về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga diễn chung với Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bích Sơn…
Khi ấy đoàn Thanh Minh – Thanh Nga là môi trường vô cùng khắc nghiệt, Kim Loan phải cạnh tranh với một Thanh Nga tài sắc và một Ngọc Giàu hát hay, diễn giỏi. Tuy nhiên, cũng chính môi trường khắc nghiệt này đã giúp cô bé Kim Loan được rèn giũa cả về ca lẫn diễn tạo tiền đề quan trọng để trở thành ngôi sao tài sắc lưỡng toàn sau này.
Vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Mộng Tuyền khi còn son trẻ. Bước ngoặt sự nghiệp của Kim Loan đến khi được chọn thay thế Ngọc Giàu đảm nhận vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử.
Thu Lan chính là vai diễn bản lề giúp Kim Loan bước vào con đường thênh thang. Khi ấy, Kim Loan mới chỉ là cô bé 15 tuổi và để hóa thân thành một vũ nữ cha của bà đã phải đưa con gái đến các quán bar để xem cách ăn nói, đi đứng, hút thuốc, uống rượu… của các cô vũ nữ.
Bà đã quan sát và “học” tất cả để khi lên sân khấu mỗi bước đi, mỗi cái phẩy tay, cách nốc rượu… đều đúng kiểu của vũ nữ thứ thiệt. Nhờ vai diễn xuất sắc này mà Kim Loan được trao giải Thanh Tâm.
“Tứ đại mỹ nhân” của làng điện ảnh
Cùng với nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kiều Chinh… Mộng Tuyền được xem là đại diện của “nhan sắc Sài thành”. Vẻ đẹp trong sáng, thơ ngây của Mộng Tuyền được người ta ví như một làn gió mới tươi mát, như con suối nhỏ nên thơ. Khi ngắm Mộng Tuyền người ta nghĩ đến viên kẹo ngọt mềm mại và ai cũng muốn chiếm hữu.
Nói về Mộng Tuyền, soạn giả Nguyễn Phương, người đã góp phần đưa Mộng Tuyền tỏa sáng đã dành cho bà nhiều mỹ từ. Với ông, Mộng Tuyền là một nữ nghệ sĩ tài sắc, đẹp một cách tự nhiên. Với phong cách dịu hiền của người phụ nữ miền sông nước Hậu Giang, Mộng Tuyền chẳng những chinh phục được sự ái mộ nồng nhiệt của khán giả bốn phương, mà còn nhận được thương yêu chân tình của các thế hệ nghệ sĩ đứng chung trên sân khấu.
Sau khi thành danh ở sân khấu cải lương, cuối năm 1966, Kim Loan bắt đầu lấn sân nghệ thuật thứ 7. Đây cũng là thời điểm bà đổi nghệ danh từ Kim Loan sang Mộng Tuyền. Nói về việc đổi nghệ danh sau khi đã có được dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng, nghệ sĩ Mộng Tuyền tâm sự, bà không hề muốn đổi, nhưng sau cuộc trò chuyện với cha, bà đã thuận theo lời ông. “Ba tôi rất kiên quyết, ông nói tên của tôi là do ba đặt nên có quyền lấy lại. Ba thích tên Mộng Tuyền, nó gần gũi, dễ thương hơn, còn tên Kim Loan là con chim vàng nhưng rồi cũng sẽ bay đi và tôi cũng vậy. Ba sợ một ngày nào đó tôi sẽ bay đi. Vậy là tôi trở thành Mộng Tuyền cho đến ngày hôm nay”, bà tâm sự. Xuất hiện lần đầu tiên trên màn bạc trong bộ phim hành động 11 giờ 30 của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, nhan sắc của Mộng Tuyền đã tạo được dấu ấn đặc biệt.
Chỉ sau lần chạm ngõ ấy, Mộng Tuyền-cô gái sở hữu nhan sắc rạng ngời, tươi tắn đã nhận được sự yêu mến, ngưỡng mộ của công chúng. Ngay lập tức, bà được người ta trao cho những mỹ từ để ca tụng nhan sắc và đưa vào danh sách những mỹ nhân nức tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ. Khởi nghiệp với cải lương nhưng điện ảnh mới là nơi đưa cái tên Mộng Tuyền chạm đến đỉnh cao của danh vọng. Tên của bà đã gắn liền với nhiều bộ phim đình đám trước năm 1975.
Giai đoạn 1975-1985, bà vẫn là một gương mặt sáng của nền điện ảnh trong nước.
Những vai diễn của Mộng Tuyền trong Cô Nhíp (năm 1976), Trang giấy mới (năm 1979), Tình yêu của em (năm 1982),… đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Không chỉ thành công ở sân khấu cải lương, màn ảnh rộng, Mộng Tuyền còn được coi là “Nữ hoàng trẻ” của làng đĩa nhựa. Với bản tân cổ giao duyên Thầm kín, Mộng Tuyền đã lập kỷ lục về doanh số bán ra thời bấy giờ. Trong những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Mộng Tuyền là một trong những giọng ca tân cổ giao duyên ăn khách nhất.
Lận đận duyên tình
Mộng Tuyền là người cô gái hội đủ thanh sắc, những tưởng cuộc sống sẽ vì thế mà dễ dàng với người con gái ấy. Nhưng, sự đa đoan trắc trở cứ ám vào bà để rồi khi đã ở cái tuổi U60 Mộng Tuyền vẫn mang nặng nỗi niềm.
Thuở thanh xuân, với nhan sắc rạng ngời, tài năng xuất chúng và danh tiếng vang xa Mộng Tuyền là người trong mộng của cánh đàn ông. Không thiếu vương tôn công tử, doanh nhân giàu có,… săn đón bà, muốn có được bà. Thế nhưng, cha của Mộng Tuyền canh chừng con gái rất nghiêm ngặt nên tất cả các cây si đều bị “bứng gốc”.
Nhan sắc mặn mà của “hoa hậu cải lương” khi ở tuổi xế chiều.
Sau này, Mộng Tuyền khiến nhiều người đau lòng khi thú nhận. Bà không có tuổi thơ, thanh xuân cũng chẳng có tình yêu, gia đình chính là nơi bà dành trọn sức trẻ để cống hiến.
Cuộc hôn nhân với một sĩ quan của chế độ cũ cũng xuất phát từ sự hiếu nghĩa của người con gái ấy.
Thế nhưng, cuộc hôn nhân ấy lại chẳng màu hồng mà ngược lại, nó khiến trái tim của cô gái trinh nguyên Mộng Tuyền phải chịu nhiều tổn thương. Hôn nhân của bà bị bủa vây với đủ mọi rắc rối và đây cũng là giai đoạn Mộng Tuyền bị gắn với danh xưng “Nữ hoàng scandal”. Dù bà phải chịu nhiều đắng cay đến vậy, nhưng khi nói về người đàn ông này, Mộng Tuyền vẫn dành cho ông sự trân quý chứ không hề oán trách.
Nói về người chồng thứ nhất, bà thú nhận mình lấy chẳng phải vì yêu mà vì bổn phận của một người muốn cho gia đình và các em sung túc, hạnh phúc nhiều hơn. Đối với chồng, bà mang nặng ơn nghĩa hơn là tình yêu.
Sau năm 1975, Mộng Tuyền sống như vợ chồng với bầu Xuân đoàn Dạ Lý Hương. Cuộc tình này bắt đầu bằng chữ yêu nhưng 2 chữ hạnh phúc vẫn rất xa vời với Mộng Tuyền. Sau một thời gian gắn bó, họ chia tay trong lặng lẽ.
Mộng Tuyền kết thúc mối tình này với những thua thiệt, điều tiếng nhận về bản thân.
một lần nữa kiếp đa đoan lại vận vào bà. Cuộc hôn nhân tan vỡ sau 20 năm gắn bó.
Sự tan vỡ ấy khiến nhiều người ngỡ ngàng, không ai tin khi đã ở sườn dốc bên kia, bà lại quyết định dừng lại. Nhưng, với bà, một người phụ nữ đã trải qua đủ những hỉ, nộ, ái, ố trong đời, quyết định nào cũng có lý do của nó.
Và thế là Mộng Tuyền lại một lần nữa cô đơn. Lần thứ ba đổ vỡ tưởng như tình yêu đã chết trong tim người nghệ sĩ xinh đẹp. Thế rồi, trái tim của giai nhân lại loạn nhịp và yêu lần nữa. Ở cuộc hôn nhân thứ tư này, bà đã tìm thấy sự bình yên.
Người đưa tin