Hương vị Tết Việt nơi đất khách
"Đây là cái Tết thứ 3 mình xa nhà, những ngày cuối năm, theo dõi trên mạng xã hội, thấy ở quê đang náo nức vào Xuân mà chạnh lòng. Ở đây, anh em lao động cũng quây quần, tạo không khí Tết Việt để vơi bớt nỗi nhớ quê hương", anh Phạm Tiến Hiếu (SN 1998), một lao động đang làm việc tại Nhật Bản tâm sự.
Anh Hiếu đang làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Anh Hiếu là con một, trong gia đình nông dân. Sau khi tốt nghiệp THPT, vì điều kiện khó khăn, anh không lựa chọn học đại học mà tìm kiếm công việc, đỡ đần bố mẹ. Sau khi tìm hiểu và được bạn bè tư vấn, giới thiệu, anh Hiếu quyết định vay mượn tiền, sang Nhật Bản làm việc đóng gói hàng công nghiệp.
Theo anh Hiếu, mỗi dịp Tết đến, lao động xa xứ như anh lại khắc khoải nỗi nhớ nhà, nhớ không khí nhộn nhịp chuẩn bị Tết ở quê; nhớ đêm giao thừa cùng gia đình quây quần xem chương trình Táo quân, trò chuyện vui vẻ và chờ đón khoảnh khắc năm mới đến.
Anh Hiếu (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm bạn quây quần cùng nhau đón năm mới (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tết đến Xuân về, để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, các lao động người Việt tại Nhật Bản cố gắng tạo một cái Tết đúng nghĩa, theo phong tục cổ truyền của Việt Nam.
Để chuẩn bị những mâm cơm với đầy đủ hương vị Tết, nhóm bạn của anh Hiếu ở Nhật Bản đã ra chợ mua thực phẩm, tự tay làm những món ăn truyền thống, đặc biệt không thể thiếu bánh chưng.
"Dù không được trọn vẹn như ở Việt Nam, nhưng chúng tôi cố gắng mua sắm thực phẩm, vật dụng trang trí, tạo không gian Tết tại chỗ ở theo văn hóa Việt Nam, để không khí Tết được lan tỏa nơi đất khách, quê người", anh Hiếu cho biết.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu, giúp lao động ở nước ngoài cảm nhận Tết Việt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cũng theo nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản, năm nay, ngày mùng 1 và mùng 2 Tết trùng vào thứ 7, chủ nhật nên họ được nghỉ, có điều kiện để quây quần đón Tết bên nhau nhiều hơn.
Các lao động tranh thủ gọi điện về cho gia đình, bạn bè để chúc mừng, cảm nhận không khí Tết ở quê. Qua đó khỏa lấp đi sự thiếu vắng tình thân trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
"Có không khí Tết Việt là vui rồi"
Còn với anh Nguyễn Hoàng Anh, trú thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đây là năm đầu tiên anh đón Tết xa nhà. Anh Hoàng Anh đang làm việc tại Đài Loan.
Theo anh Hoàng Anh, khi xa gia đình ngày Tết mới thực sự cảm nhận rõ được ý nghĩa của Tết đoàn viên. Nhờ có sự động viên, chia sẻ của những người bạn Việt Nam tại Đài Loan, anh cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà.
Đây là năm đầu tiên, anh Hoàng Anh đón Tết xa nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Anh Hoàng Anh và các lao động Việt đang làm việc ở Đài Loan cũng kết nối với nhau theo từng hội nhóm, tổ chức tiệc tất niên, cùng nhau đón giao thừa với những món ăn truyền thống như: bánh chưng, giò chả, các loại mứt...
Mọi người ăn uống, chuyện trò vui vẻ, chia sẻ những khó khăn trong một năm đã qua và cầu chúc nhau gặp nhiều may mắn trong năm mới. Mặc dù công việc bận rộn nhưng đều chung một niềm háo hức, hướng về gia đình, quê hương.
"Dù không được đầy đủ như Tết ở quê nhà, nhưng có bánh chưng, có không khí Tết Việt là vui rồi. Tôi cũng thường xuyên dành thời gian nói chuyện với người thân, bạn bè để cảm nhận mùa Xuân, không khí rộn ràng, tươi vui của Tết cổ truyền nơi quê nhà", anh Hoàng Anh nói.
Ở Việt Nam, không khí Tết đang ngập tràn trên mọi nẻo đường, tuy nhiên với người thân của các lao động xa xứ, khi người con, người vợ, người em… còn xa nhà, họ cũng mang trong mình không ít nỗi niềm, tâm tư.
Tết này, gia đình anh Nguyễn Văn Ngà, trú thành phố Đồng Hới vắng 2 thành viên. Vợ và con trai thứ 2 của anh Ngà đều đi lao động ở nước ngoài, chỉ có anh và con trai đầu ở nhà đón Tết.
Anh Nguyễn Văn Ngà chỉnh trang lại khu vườn, tạo không khí Tết (Ảnh: Nhật Anh).
"Các thành viên trong gia đình động viên nhau, để vơi bớt nỗi buồn. Vì cuộc sống mưu sinh, ai cũng phải cố gắng, hẹn ngày trở về, quây quần đón Tết trong niềm hân hoan. Vợ, con đều xa nhà nên Tết năm nay, tôi cũng không sắm sửa quá nhiều", anh Ngà tâm sự.
Theo nhiều lao động xa quê, dẫu không thể trở về sum vầy bên gia đình, người thân nhưng Tết Việt luôn thấm sâu trong tâm hồn họ. Hương vị Tết quê nhà là động lực để họ cố gắng vì một tương lai tốt đẹp, hẹn ngày về đón Tết đoàn viên.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí