Dịp Tết năm nay, những lao động làm việc tại Nhật Bản được nghỉ hơn một tuần. Do sắp tới không được nghỉ Tết Nguyên đán như ở Việt Nam nên các lao động tổ chức đón Tết cổ truyền sớm.
Gói bánh chưng để nhớ Tết quê
Hơn 5 năm làm việc tại Nhật Bản, cũng chừng ấy thời gian đón Tết ở xứ người, anh Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) luôn khao khát giây phút đoàn tụ gia đình.
Những lao động làm việc tại Nhật Bản tổ chức đón Tết sớm (Ảnh: Xuân Long).
Năm nay, anh Long dự định sẽ về Việt Nam đón Tết Nguyên đán cổ truyền, nhưng đại dịch Covid-19 khiến những lao động xa quê như anh thêm một lần "lỗi hẹn" với người thân, gia đình.
"Những lao động làm việc tại đây đều xuất thân từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Đã nhiều năm sang Nhật Bản làm việc nên ai cũng mong nhớ quê nhà. Năm nay, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi không được nghỉ mà vẫn làm việc bình thường. Vì vậy, đợt nghỉ Tết dương lịch này, mấy anh em cũng chuẩn bị bánh chưng và một số món ăn quê hương, xem như đón Tết sớm. Chúng tôi ngồi lại trò chuyện, cùng động viên nhau cố gắng làm việc trong năm tới", anh Long chia sẻ.
Còn anh Lê Văn Lý (quê ở tỉnh Hà Tĩnh) tâm sự: "Lao động cả năm vất vả rồi, nên anh em xa quê tranh thủ chuẩn bị bữa cơm ngày Tết để tâm sự với nhau, phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà".
Anh Duy Đức tự tay gói bánh chưng để anh em cùng đón Tết (Ảnh: Duy Đức).
Những nguyên liệu gói bánh mang phong vị tết quê (Ảnh: Duy Đức).
Trước ngày Tết, anh Đinh Duy Đức (quê ở tỉnh Quảng Bình) cũng tự tay gói bánh chưng để đón Tết. "Lúc ở quê nhà, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của Việt Nam. Do đó, kỳ nghỉ đợt này kéo dài, mấy anh em có thời gian để chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng nhớ về Tết quê hương", anh Đức nói.
Lao động chia sẻ quãng thời gian "gồng mình" trước Covid-19
Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị sử dụng lao động cắt giảm thời gian làm việc, từ đó nguồn thu nhập giảm sút khiến các lao động tại Nhật Bản phải chật vật xoay xở giữa mùa dịch.
Anh Long làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh Saitama (Nhật Bản). Dịch bệnh lan rộng khiến công việc và thu nhập của anh bị ảnh hưởng.
Những lao động vượt "bão" Covid-19 làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: Xuân Long).
"Ban đầu dịch bệnh lan nhanh khiến nhiều anh em rất lo lắng, sợ lây nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến công việc và thu nhập. Tuy nhiên, dần về sau, các lao động nhanh chóng thích nghi, tự trang bị các phương tiện phòng dịch để đảm bảo công việc không bị đứt gãy", anh Long chia sẻ.
Vượt qua nỗi lo dịch bệnh, anh em cùng cảnh ngộ xa quê ngồi lại động viên nhau cùng cố gắng (Ảnh: Lê Thạo).
Chưa hết lo về dịch Covid-19, người lao động tha hương còn nỗi lo thời hạn hợp đồng đã hết, sợ bị mất việc làm. Hầu hết các lao động sang Nhật Bản làm việc đều phải vay mượn tiền để lo làm thủ tục xuất ngoại, khoản nợ để lại không hề nhỏ. Nếu công việc gặp trắc trở sẽ không có tiền gửi về cho gia đình trả nợ.
"Sau 3 năm làm việc, tôi may mắn được đơn vị sử dụng lao động gia hạn hợp đồng nên cũng yên tâm hơn phần nào. Cố gắng làm việc thêm năm vài nữa, hy vọng trả xong nợ ở quê nhà và tích lũy ít vốn, trở về làm ăn", anh Đức chia sẻ.
Rời quê sang Nhật hơn 3 năm, anh Lê Thạo (quê ở Quảng Bình) làm việc tại một xưởng chế tạo linh kiện ở tỉnh Yamagata.
Anh Thạo cho biết: "Dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng. Đối với công việc chế tạo linh kiện, dù không bị ảnh hưởng nhiều nhưng thu nhập của chúng tôi cũng không được như trước. Do đó, anh em phải dè dặt trong chi tiêu, chỉ mua những thứ cần thiết, còn phải tiết kiệm để gửi về cho gia đình trả nợ".
Sau thời gian làm việc tại Nhật Bản, anh Thạo được công ty gia hạn hợp đồng lao động thêm 3 năm. "Tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để tích lũy vốn liếng, sau này về nước có điều kiện đầu tư kinh doanh một lĩnh vực nào đó phù hợp" - anh Thạo nói.
Đăng Đức
Nguồn: Báo điện tử Dân trí