Đối với các cô gái do có cơ hội hay là duyên số được quen và thành hôn với Việt kiều hay Ngoại kiều, và rồi được chồng bảo lãnh sang nước ngoài đàng hoàng, trong mắt mọi người sống ở Việt Nam thì nhìn vào gia đình của các cô gái đó với cái nhìn ghen tị có, ước ao có vì “có con lấy chồng Việt kiều” thì “gia đình sẽ được nhờ”.

Các cô dâu Việt sau khi đoàn tụ với chồng và bắt đầu đối mặt với cuộc sống Mỹ, cảm giác đầu tiên là hụt hẫng.

Dẫu biết rằng sống ở đâu cũng phải làm mới có ăn, nhưng sao ở Mỹ này nhu cầu căn bản về cuộc sống cao quá.

Lấy chồng Việt kiều, sướng hay khổ? - 0

Còn về những cô dâu thì đó là một niềm kiêu hãnh, và dệt nên bao ước mơ sẽ được sống sung túc, có thể “hái ra tiền” trên một đất nước mà mọi người thường cho là “thiên đường”.

Cũng tùy vào mục đích lấy chồng Việt kiều của mỗi người là có cơ hội sang Mỹ “hy sinh đời mình” để giúp đỡ cha mẹ, anh em ở Việt Nam, hay cũng có người thật sự muốn sống và vun vén hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé của mình. Tuy nhiên với mục đích nào cũng vậy, khi đặt chân và đối mặt với cuộc sống Mỹ thì sẽ có nhiều cái bất ngờ xảy ra trong cuộc sống mà chủ yếu xoay quanh đồng tiền.

Lấy chồng Việt kiều, sướng hay khổ? - 1

Các cô dâu sau khi đoàn tụ với chồng và bắt đầu đối mặt với cuộc sống Mỹ, cảm giác đầu tiên là hụt hẫng. Dẫu biết rằng sống ở đâu cũng phải làm mới có ăn, nhưng sao ở Mỹ này nhu cầu căn bản về cuộc sống cao quá. Mở mắt ra là hóa đơn tiền nhà, điện, nước, chợ, sữa cho con, bảo hiểm xe và y tế cho từng thành viên trong gia đình, nếu có nhà thì bảo hiểm nhà, thuế đất hàng năm, rồi thì nhà hư phải sữa chữa, rồi quà cáp gia đình bên vợ bên chồng vào lễ Tết.

Cuộc sống ở Việt Nam chỉ lo ăn, lo mặc, lo ở (nếu ở chung gia đình chồng thì không phải lo nghĩ nhiều về khoản này), còn mấy cái khoản bảo hiểm đâu có cần thiết phải mua.

Cuộc sống ở xã hội Mỹ có những việc tưởng đâu rất đơn giản nhưng hóa ra lại “to lớn”. Đầu tiên phải tập lái xe, luật lệ giao thông để ý đường phố, nơi nào bán cái gì. Những máy móc trong nhà sử dụng ra sao, đi học để biết vài câu tiếng Anh sơ sơ khi đi chợ Mỹ biết nói với người ta, rồi đi lạc đường phải hỏi thế nào…

Muốn xin đi làm sao mà khó quá, tiếng Anh không rành, không có chuyên môn, không kinh nghiệm làm ở Mỹ, làm cái chức vụ là công nhân thôi sao mà thấy xa vời quá. Tự nhiên các cô dâu thấy mình nhỏ bé về mọi mặt kiến thức cũng như văn hóa, chỉ vì mình thua người ta về “tiếng nói” (Anh văn). Mình giống như là một đứa bé mới sinh ra đời không biết gì về cuộc sống, tất cả mọi thứ từ nhỏ nhất trong cuộc đời này đều phải học.

Muốn hoà nhập cuộc sống thật nhanh để đi làm đỡ đần cho chồng và có “đồng ra đồng vô” nhưng mà biết làm gì bây giờ? Đi xin vào mấy chợ Việt Nam phụ giúp, xin vào mấy nhà hàng rửa chén, hoặc may mắn làm dọn dẹp phòng chùi nhà tắm… làm những việc mà truớc đây ở Việt Nam mình chưa bao giờ nghĩ tới.

Nhiều người ở Việt Nam đang làm việc có địa vị, lời nói là “hét ra lửa”, hoặc là các tiểu thư nhà giàu sống trong nhung lụa có người giúp việc, tiền bạc xài thoải mái, muốn mua một cái áo là mua thậm chí xài hàng hiệu, hàng độc nữa, muốn mua một đôi giầy, nữ trang, cái bóp là không phải đắn đo nhiều.

Những người này tự nhiên sang Mỹ địa vị lại bị hạ thấp đến thê thảm, muốn mua một cái áo phải đợi đến khi người ta sell off (giảm giá) mà có khi giảm đến mấy lần mới dám mua.

Cuộc sống tư tưởng bị đảo lộn, và họ có dám chập nhận địa vị và hoàn cảnh của mình là phải đi rửa chén, quét dọn làm việc chân tay, và bắt buộc xài tiền phải chi ly không?

Lấy chồng Việt kiều, sướng hay khổ? - 0

Và chợt sợ hãi khi nhìn thấy kinh tế Mỹ xuống dốc, nhiều người bị thất nghiệp, và không biết đến bao giờ mới có việc làm. Ở Việt Nam có “sa cơ lỡ vận” mình nấu một nồi xôi, hay đẩy một xe bánh mì hoặc vào chợ buôn bán lặt vặt một thứ gì đó để sống qua ngày, còn ở Mỹ này thì không thể kinh doanh theo kiểu đó được.

Nhiều khoản chi phí bắt buộc phải có trong đời sống Mỹ, mà người đi làm chính là người chồng, vì vợ mới sang Mỹ đâu biết gì về cuộc sống Mỹ , phải cần có thời gian để hoà nhập, nếu mà có con thì người vợ phải trông con và gánh nặng lại đè lên vai người chồng. Do đó người chồng phải tính toán tiền bạc cặn kẽ (vì không thể đùa được với cuộc sống Mỹ), vì lương thì cố định mà các khoản chi tiêu phát sinh ra nhiều, rồi phải dành dụm một ít phòng thân khi bị thất nghiệp thì vợ con sẽ ra sao. Dẫu biết rằng vẫn được trợ cấp chính phủ nhưng chỉ được một thời gian, và khoản trợ cấp đó chỉ là tạm sống qua ngày, nhưng về tương lai cho con, nhà cửa có nguy cơ bị nhà bank kéo, phải có tiền để cầm cự đến lúc nào hay lúc đó.

Tất nhiên đối với những người sống để tạo hạnh phúc cho gia đình bé nhỏ của mình thì việc họ chấp nhận làm những việc tay chân, phải dẹp bỏ tự ái bản thân lăn xả vào cuộc sống từ những công việc thấp nhất là việc làm bình thường. Vì xét cho cùng đâu có gì là xấu hổ, trình độ của mình đến đâu thì mình làm việc ở mức đó rồì từ từ đi học phấn đấu để đời “lên hương”, nghề nào cũng lương thiện cả, mình đâu có làm nghề bất hợp pháp đâu mà phải xấu hổ. Miễn sao sau giờ làm về nhà lo cho gia đình, vợ chồng con cái được ăn ngon, có chỗ ở, chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng được đồng nào hay đồng đó là hạnh phúc rồi, và tin tưởng rằng “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Bên cạnh những hụt hẫng về cách sống ở xã hội Mỹ, có những cô dâu hụt hẫng về người chồng của mình. Có một số Việt kiều về Việt Nam “nổ” cũng không kém, dẫn nàng đi shopping, du lịch, vì sĩ diện nên tiêu tiền như nước (chứ đâu ai hiểu rằng tiền đó có khi họ mượn nợ ở Mỹ). Rồi “nổ” là kỹ sư, có điạ vị, công việc có lương cao, có nhà ở Mỹ, nước Mỹ đúng là thiên đường. Chính vì lý do đó nên các cô gái ở Việt Nam càng ngộ nhận về thiên đường ở Mỹ. Khi các cô dâu buớc chân qua Mỹ thì bật ngửa, giấc mơ thiên đường tiêu tan. Tôi từng chứng kiến nhiều cô dâu “ngậm bò hòn làm ngọt” và không dám giãi bày với ai, vì sang đến Mỹ nhà chồng đâu không thấy mà nơi ở là một căn phòng thuê được ngăn ra từ một gara để xe của chủ nhà, kỹ sư đâu không biết mà chỉ biết là chồng mình làm nghề cắt cỏ, giàu sang, của cải cũng chẳng thấy mà thấy một khoản nợ trong ngân hàng.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự thành thật trong tình yêu cũng như trong hôn nhân. Tôi không hề có quan điểm là khinh người, điạ vị thấp hay cao, giàu hay nghèo. Nhưng chính vì sự sĩ diện và “nổ” của các anh chàng Việt kiều này góp phần trong việc đổ vỡ hạnh phúc. Bạn sợ nói ra hoàn cảnh thật của mình sống trên nước Mỹ thì cô gái đó sẽ bỏ mình không dám lấy mình vì mình nghèo hèn? Bạn muốn chọn một người vợ hiền “tam tòng tứ đức” nhưng chính bạn lại là người chọn những cô gái sống theo lối thực dụng. Vì bạn quá “nổ” nên những cô gái thực dụng sẽ thích bạn còn những cô gái sống vì tình nghĩa họ không xem trọng sự giàu nghèo, đâu là thiên đường, đôi khi sự “nổ” của bạn làm họ khó chịu và thấy không hợp với mình.

Tôi có một anh bạn, qua người nhà mai mối một cô ở Việt Nam. Anh ta về nước coi mắt và thử lòng cô này, đơn giản lắm bạn ơi. Anh ta tỏ ra là người hào phóng rất biết “chi sộp”, dẫn cô gái này vào ăn ở nhà hàng sang trọng, dẫn vào những shop bán hàng hiệu mắc tiền. Nhưng chỉ được một lần thôi bạn ạ, vì cô gái này từ chồi thẳng là không quen ăn những nơi sang trọng, thích vào chốn bình dân, những đồ hiệu mắc tiền không hợp với những người bình thường như cô ta. Trong thời gian quen nhau và sau khi làm đám cưới chờ giấy tờ bảo lãnh chẳng bao giờ cô ấy đòi hỏi hay nhắc khéo là anh phải gởi tiền về cho em hay vòi vĩnh gì cho gia đình mình.

Và tôi cũng có một người bạn khác, cũng qua mai mối làm quen với những cô gái Việt Nam. Anh này thì khi quen nói thẳng mình chỉ là công nhân, lương sống phải cần kiệm, không có tiền nhiều, tóm lại là nói thẳng và nói thật hoàn cảnh của mình. Vậy mà có hai cô gái qua sợ hãi từ chối vì anh ta nghèo hoặc cũng có cô vờ chấp nhận để được sang Mỹ (nhưng bạn tôi đều biết). Sau này đến cô thứ 5 mới đúng là người anh ta muốn lấy.

Rồi thì những nàng dâu cũng dần tỉnh ngộ ra “giấc mộng vàng” và thích nghi dần với áp lực của cuộc sống Mỹ. Chịu khó đi làm, kiếm tiền bất kể là nghề gì miễn là lương thiện, sang hay thấp thì cũng phải làm, vun đắp cho gia đình của mình. Và có những cô vẫn không chịu tỉnh giấc mộng, đi ngoại tình, và mong mình vớ được một người khá giả, nhưng ở cái xứ Mỹ này chẳng ai rước một người không nghề nghiệp ổn định, học hành không có rồi thêm cái tội bỏ chồng, họ không ngu ngốc gì rước một “của nợ” về cả.

Và cũng có những cô lấy được những anh chồng khá giả, có “của ăn của để” một chút, hoặc đến khi “đủ lông đủ cánh” thì cái tính thích hưởng thụ, quen đua đòi, cái lối sống thực dụng lại quay về và theo bản năng họ bắt đầu “lật lọng” với người chồng từng chia ngọt sẻ bùi với mình. Cái điệp khúc ly dị, chia tài sản và người chồng ra đi gần như trắng tay và anh chồng phải hát bài ca “anh đã lầm khi đưa em sang đây”.

Và những cô gái này đôi khi cũng lọt vào những cái bẫy săn tình của những người đàn ông chuyên săn tìm những cô gái có chồng khá giả, dụ dỗ họ ly dị và cùng nhau hưởng một phần gia tài, nhưng khi tiền hết thì tình cũng tan.

Có một dạo các anh Việt kiều kháo nhau rằng nên về Việt Nam lặn lội xuống dưới quê mà kiếm vợ, vì gái quê hiền lành chất phát, con gái Sài Gòn bon chen, thực dụng.

Nhưng tôi thiết nghĩ rằng ở đâu cũng có người xấu kẻ tốt. Khi quen các anh chàng Việt kiều phải tìm hiểu kỹ (qua người thân, hoặc cũng có nhiều cách “thăm dò” người bạn của mình) người đó lấy mình vì tình hay tiền, hay là “dream America” thì là do chính những chú rể biết rõ nhất, và nếu chú rể Việt kiều càng “nổ” thì sẽ có lúc ca bài “Anh đã lầm khi đưa em sang đây”.

Còn những cô dâu chọn cách sang Mỹ để “hy sinh đời mình” lo cho gia đình, khi bạn kiếm được tiền trên xứ Mỹ và bạn “thủ” hoặc là “bòn mót” tất cả cho gia đình mình ở Việt Nam thì chồng bạn cũng sẽ “thủ” lại với bạn.

Vợ chồng sống với nhau chẳng khác nào theo kiểu “ăn bánh trả tiền”, rồi thì một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng sống trên đời này không phải vì cái ăn cái mặc và còn có tinh thần và hạnh phúc nữa. Khi bạn sống lợi dụng và không đem lại hạnh phúc cho người khác thì làm sao bạn đòi hỏi người khác đem lại hạnh phúc cho bạn.

Tôi không công kích hoặc phản đối chuyện bạn báo hiếu hay giúp đỡ cho cha mẹ anh em ở Việt Nam, nhưng bạn đã lập gia đình thì phải có sự tôn trọng lẫn nhau, giúp trong khả năng mình hay nếu có hơn khả năng mình thì cũng bàn với chồng. Vì khi bạn chỉ có cái suy nghĩ là “lập gia đình với Việt kiều được đi Mỹ là với mục đích để giúp đỡ gia đình” là bạn đã có ý sống lợi dụng người khác rồi, nếu muốn giúp đỡ thì ở Việt Nam bạn làm việc và cũng giúp đỡ báo hiếu cha mẹ được vậy?

Hai chữ hạnh phúc theo tôi nghĩ là xuất phát từ trái tim và lý trí của mình mà ra. Cho dù mình sống ở bất cứ đâu, miền đất nào trên thế giới này, bạn là ai, giàu hay nghèo thì giá trị của cụm từ “gia đình hạnh phúc” đều có giá trị như nhau và do bạn tạo thành.

Cuối cùng thiên đường là ở trong tim của mỗi chúng ta.

Nguồn: VNEXPRESS




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC